"Em chỉ muốn thi xong để ngủ một giấc thật sâu"

Bước ra khỏi phòng sau môn thi Toán vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm, Hoàng Minh (học sinh một trường dân lập ở Hà Nội) “thở phào” như trút được một phần áp lực. Đây là ngôi trường thứ 2 Minh đăng ký thi, sau Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ.

{keywords}
Thí sinh dự thi lớp 10 Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Dự thi vào lớp chuyên Anh với tỉ lệ chọi lên tới 1/29,25, Minh xác định phải cạnh tranh với hàng ngàn bạn khác để giành một suất vào ngôi trường này. 

Việc đăng ký thi vào 4 trường khác nhau (Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm, Chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT Nguyễn Tất Thành) khiến nam sinh này phải liên tục thi ròng rã trong hơn nửa tháng. 

Với mỗi trường, cách ôn luyện và chiến thuật làm bài cũng khác. Vì vậy, em dành mỗi ngày “cày” một môn, mỗi môn lại ôn luyện đề của từng trường. Em gần như không có khoảng nghỉ trong giai đoạn này”.

“Áp lực, mệt mỏi” là những từ được nam sinh đề cập nhiều nhất. “Em học thêm kín tuần, có khi phải thức cả đêm để ôn tập. Con đường đi này gập ghềnh hơn bình thường, nhưng đã chọn nên em vẫn phải cố gắng hoàn thành nốt”.

Còn V.N.H. (Hoàng Mai, Hà Nội) từng bị stress khi thi thử vào Chuyên Ngoại ngữ nhưng kết quả không cao.

“Khi đó em đã rất sợ và muốn từ bỏ. Nhưng may mắn, mẹ luôn ở bên động viên “Thi đỗ vào đâu cũng được, miễn con làm hết sức”. Điều đó đã tiếp thêm động lực cho em”.

Giai đoạn gần thi, nữ sinh chỉ ngủ 5 tiếng/ngày. Có những hôm, H. thức đến 2h sáng để ôn tập, đến 6h đã thức giấc, ăn sáng rồi lại đến trường. Ngày nào em cũng học thêm 1 – 2 ca vào chiều tối. 

"Kỳ thi vào Chuyên Ngoại ngữ vừa qua em làm khá ổn nên bước vào bài thi của trường Chuyên ĐH Sư phạm, em thấy thoải mái hơn nhiều”. H cho biết sẽ tiếp tục tham dự kỳ thi vào lớp 10 của Hà nội vào cuối tuần.

Cũng giống như Minh, P.Đ.V (Long Biên, Hà Nội) cũng cảm thấy áp lực khi phải tham gia 4 kỳ thi liên tục. Ngoài Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm, trường Nguyễn Tất Thành, mục tiêu lớn nhất của V là vào được lớp chuyên Anh của trường Chuyên Nguyễn Huệ.

Quyết định thi vào trường chuyên là gợi ý của mẹ V. khi cậu bước vào kỳ I năm lớp 7.Mẹ thấy em học tốt môn Tiếng Anh nên mong muốn em sẽ đỗ vào lớp chuyên Anh”.

Cũng kể từ đó, nam sinh dần quen với lịch học thêm tối thiểu 5 buổi/ tuần. Riêng với môn Toán không phải thế mạnh, V. học thêm 2 thầy. Mẹ em nói như vậy cho chắc chắn. Ban đầu em thấy hơi loạn nhưng sau cũng dần bắt nhịp được”. Với môn chuyên, V. học thêm 3 thầy cô cùng lúc.

“Kể từ năm lớp 9, em gần như không còn thời gian nghỉ ngơi. Ngoài môn chuyên, em còn phải đi học thêm cả Văn lẫn Toán. Em chỉ cần đỗ cấp 3 là vui rồi. Nhưng bố mẹ đã đầu tư rất nhiều cho em đi luyện thi từ đầu cấp 2, nếu không đỗ, em cũng cảm thấy thật có lỗi”, V. nói.

Điều chàng trai mong muốn nhất lúc này là được ngủ một giấc thật sâu ngay sau khi kết thúc bài thi cuối cùng.

Mong tiến xa hơn

Đăng ký dự thi vào Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Sư phạm và Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Nguyễn Quang Kiệt (Trường THCS Thực Nghiệm, Hà Nội) cho biết bản thân quyết định lựa chọn vào trường chuyên bởi “em nghĩ đó là tiền đề để mình tiến xa hơn”, giúp tăng thêm cơ hội đi du học.

{keywords}

Nguyễn Quang Kiệt (bên phải) cùng cậu bạn thân Nguyễn Xuân Khải sau buổi thi môn Toán vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm

Để không bị áp lực, Kiệt quyết định không xem tỉ lệ chọi của các trường vì sợ điều ấy sẽ khiến em hoang mang. “Em chỉ đặt mục tiêu đạt điểm tốt nhất, còn những thứ khác không quan tâm để tránh sự dao động”.

Kể từ một năm nay, nam sinh tạm gác những sở thích cá nhân để tập trung cho việc ôn luyện. Môn Anh là thế mạnh nên em không mất quá nhiều thời gian, chỉ học thêm 2 cô giáo. Riêng với môn Toán, em học thêm 3 thầy, cô để không bỏ lỡ những kiến thức quan trọng”, Kiệt cho biết.

Cùng lớp với Kiệt, Nguyễn Xuân Khải đăng ký dự thi vào Chuyên Sư phạm và Chuyên Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, nam sinh này cho hay không đi học thêm ở bất kỳ đâu.

“Tất cả các môn em đều có thể tự học được, còn việc học thêm em nghĩ chỉ là một lựa chọn giúp mình có thêm một người để hướng dẫn. Thay vì mất thời gian đi đi, lại lại giữa các lớp học thêm, em dành nhiều thời gian cho việc học qua mạng. Khi đã nắm chắc các kiến thức cơ bản, em tìm đề để luyện tập nhằm phát triển nâng cao”, Khải nói.

Thi nhiều môn chuyên để thêm cơ hội

Có học lực khá tốt ở hai môn Toán và Tiếng Anh, L.V.K (học sinh Trường THCS Trưng Vương) quyết định đăng ký thi vào chuyên Anh của trường Chuyên Ngoại ngữ, chuyên Toán của trường Chuyên Đại học Sư Phạm Hà Nội, Chuyên Hà Nội - Amsterdam và chuyên Tin của Chuyên Khoa học Tự nhiên.

Lý giải về những lựa chọn này, K. cho biết, vì kỳ thi vào Chuyên Ngoại ngữ cách các trường khác khoảng 10 ngày nên cậu quyết định đăng ký thi để tăng thêm cơ hội đỗ. 

Thi cả Toán lẫn Anh khiến K. phải chật vật hơn trong quá trình ôn luyện.

“Em đi học thêm tương đối nhiều, gần như là kín tuần. Có những ngày hơn 10 giờ tối em mới ngồi vào bàn ăn. Dù mệt mỏi nhưng em vẫn phải tự động viên rằng, đỗ vào chuyên sẽ mở ra cho mình nhiều cơ hội hơn trong tương lai”, K. nói.

Cũng theo K., chuyện thi 2,3 chuyên không phải là chuyện hiếm, bởi nhiều bạn bè của em ở trường và các lớp học thêm cũng đăng ký thi 2,3 môn chuyên để thử sức, cũng như tăng cơ hội trúng tuyển.

Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 của các trường chuyên tại Hà Nội diễn ra sát nhau. Nhiều thí sinh sẽ phải thi liên tiếp ở 3-4 trường trong 2 tuần.

Sau khi kết thúc kỳ thi vào Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên và Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn vào ngày 12-13/7, đến ngày 14-15/7 là kỳ thi vào Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm.

Ngay sau đó, thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ tiếp tục tham gia kỳ thi chung vào các trường THPT thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội vào ngày 17-19/7.

Thúy Nga

Phụ huynh cầm ô che nắng cho con thi chuyên ở Hà Nội

Phụ huynh cầm ô che nắng cho con thi chuyên ở Hà Nội

Chiều nay 14/7, hơn 4.800 thí sinh đã bắt đầu môn thi đầu tiên vào lớp 10 Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm.