Khi còn là một cậu học trò 'trường làng' ở huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), Giang chỉ có một quyết tâm duy nhất là được học cùng trường với anh trai.
Năm 2012, Giang đã thực hiện được khi đỗ ngành Kỹ thuật máy tính, Viện Điện tử Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp năm 2016 với tấm bằng kỹ sư loại giỏi, Giang làm việc tại một công ty Hàn Quốc. Sau 2 năm đi làm, anh quyết định dừng lại để tìm cơ hội du học thạc sĩ.
“Mình hy vọng làm được những thứ to lớn hơn, phát huy khả năng sáng tạo và suy nghĩ độc lập thay vì tuân theo một quy trình nhất định trong công việc”.
Tháng 8/2018, chàng kỹ trẻ rẽ hướng sang ngành Công nghệ thông tin khi nhận được học bổng toàn phần tại Viện Khoa học Kỹ thuật Hàn Quốc – KAIST.
“Dù chuẩn bị khá kỹ nhưng năm thứ nhất học thạc sĩ mình lại rơi vào trạng thái rất căng thẳng. Toàn bộ chương trình học bằng tiếng Anh, đổi sang ngành mới nên lúc nào cũng thấy đuối. Xung quanh có rất nhiều bạn giỏi và chăm chỉ khiến mình cũng phải tăng tốc đuổi trong cuộc đua rất mệt mỏi”, Giang chia sẻ.
Nguyễn Văn Giang, sinh năm 1993 vừa giành học bổng toàn phần tiến sĩ tại Auburn University (Mỹ)
Khoảng thời gian đó, Giang cho biết chỉ vùi đầu vào học từ 6 giờ sáng đến 2 giờ đêm mà vẫn chưa hết bài. Mỗi lần mệt mỏi, gia đình chính là nguồn động viên to lớn giúp Giang vượt qua những khó khăn nơi đất khách. Sang năm thứ 2 thạc sĩ, Giang dần cân bằng lại và bắt đầu tham gia các dự án nghiên cứu.
“Điều mình quan tâm nhiều nhất khi thực hiện một đề tài là: Liệu nghiên cứu này có mang lại được ảnh hưởng gì không? Đóng góp gì cho cộng đồng khoa học, tạo ra giá trị gì cho xã hội hay không? Bắt đầu từ những đề tài về nhận diện hình ảnh, mình quyết định tập trung theo hướng nghiên cứu là giải thích các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI)”.
Giang chia sẻ, hiện tại các mô hình sử dụng AI, con người vẫn chưa thể làm chủ hoạt động và đang dựa vào quyết định của AI.
“Mình giải thích các mô hình đó, tại sao nó lại ra vấn này, có những rủi ro gì khi điều khiển và làm thế nào giảm thiểu điều đó. Ví dụ sử dụng AI trong các mô hình hỗ trợ lĩnh vực y tế, chúng ta phải làm chủ được, để không xảy ra những rủi ro cho bệnh nhân”.
Để thực hiện những đề tài nghiên cứu liên quan đến AI, Giang phải tự tìm hiểu thêm rất nhiều tài liệu, chủ động liên hệ với giáo sư ở Mỹ có bài báo, đề tài liên quan đến lĩnh vực này để học hỏi, trao đổi thêm.
Đề tài gần đây nhất Giang thực hiện về “Hiệu quả của các phương pháp phân bổ tính năng và mối tương quan của nó với điểm đánh giá tự động”. Giang mất hơn 1 năm ròng rã, trải qua nhiều thất bại, thử nghiệm mới đưa ra kết quả.
Câu nói mà Giang tâm đắc là: “Nếu thành công là may mắn, nếu thất bại là kinh nghiệm”, luôn giữ tinh thần lạc quan và sẵn sàng đối mặt với khó khăn sẽ vượt qua tất cả”.
Kể câu chuyện của bản thân một cách thuyết phục
Mong muốn tiếp tục học lên tiến sĩ để nghiên cứu chuyên sâu hơn, tháng 10/2020, khi tốt nghiệp thạc sĩ, Giang bắt hoàn thiện và gửi hồ sơ. Tại thời điểm đó, anh đã có nhiều bài báo khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc quốc tế, chứng chỉ IELTS 7.5. Ngoài ra, Giang còn xin 4 lá thư giới thiệu từ giảng viên, giáo sư mà anh từng làm việc và nghiên cứu cùng.
Giang trong chuyến thăm quan tại Trung Quốc
Theo Giang, bài luận chính là yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng đầu tiên với ban tuyển sinh.
“Các bạn cần nhấn mạnh được mục tiêu của bản thân là gì? Điều bạn mong muốn là gì? Qua bài luận thể hiện được khả năng phát triển của bạn trong tương lai như thế nào và có tiềm năng gì đóng góp cho trường, cho cộng đồng khoa học”.
Trong bài luận Giang đã kể về câu chuyện của chính mình, về hành trình từ một học sinh rất bình thường, gặp nhiều khó khăn trong học tập, không có đam mê đến khi yêu thích nghiên cứu khoa học. Từ đó Giang luôn nỗ lực, cố gắng tích luỹ và hướng tới mục đích dài hạn. Đặc biệt, Giang thể hiện mong muốn được nâng cao kiến thức, ứng dụng vào giải quyết những vấn đề thực tế đang diễn ra trong cuộc sống.
Ngoài ra, Giang cho rằng nếu các bạn sớm tìm được hướng nghiên cứu, hãy kết nối với giáo sư nổi tiếng về các đề tài đó. “Trên hành trình dài phía trước, nếu tìm được một người hướng dẫn giỏi, tận tâm thì bạn sẽ có thêm nhiều động lực hơn để thực hiện”.
Mặc dù, nhận được học bổng toàn phần từ Boston College (#35 theo US, xếp thứ hạng cao hơn), nhưng Giang quyết định chọn học PhD tại Auburn University vì ở đây có vị giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực anh quan tâm và từng có cơ hội làm việc chung.
Hiện tại, Giang đã sang Mỹ để chuẩn bị cho hành trình học PhD sắp tới vào tháng 9.
“Còn nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 chưa khắc phục được. Điều đó thúc đẩy mình chăm chỉ học để sớm ứng dụng tìm ra những liên kết, tìm hướng giải quyết tối ưu hơn” - Giang nói.
Ngọc Linh
Chàng trai Hải Phòng giành học bổng tiến sĩ gần 8 tỷ đồng
Tốt nghiệp xuất sắc hệ kỹ sư tài năng của Viện Điện tử Viễn thông (Đại học Bách khoa Hà Nội), Hoàng Văn Trung tiếp tục giành trọn 4 học bổng toàn phần tiến sĩ của Mỹ và Úc.
Kỹ sư IT chinh phục học bổng tiến sĩ ở Mỹ sau 1 năm
Chỉ sau gần 1 năm chuẩn bị hồ sơ, Lê Hoàng Trung (sinh năm 1996, Long An) đã giành được học bổng toàn phần học tiến sĩ tại New Mexico State University (Mỹ) cùng mức hỗ trợ 24.000 USD/năm.