Năm nay, điểm chuẩn của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội theo xu hướng chung đều tăng ở hầu hết các ngành. Tuy nhiên, tại nhóm ngành khoa học cơ bản như Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học, Địa chất học,... điểm chuẩn vẫn “giậm chân tại chỗ”, ở mức chỉ khoảng 6 điểm/ môn.

Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các trường có đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản hoặc những trường đại học đơn ngành, đào tạo ngành học đặc thù.

Tại Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, điểm chuẩn ở các ngành học “hot” năm nay tăng từ 5 – 9 điểm so với năm ngoái như Marketing (26 điểm), Quản trị kinh doanh (25,75 điểm), Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (25 điểm),… Tuy nhiên, nhóm ngành khoa học cơ bản vốn là truyền thống đào tạo của trường, điểm chuẩn chỉ ở mức 5 điểm/ môn.

Hay tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, điểm chuẩn cho các ngành Địa chất học, Địa tin học, Khoa học dữ liệu,… cũng chỉ ở mức 5 – 6 điểm/ môn, thấp hơn nhiều so với các ngành vốn không phải thế mạnh đào tạo của trường như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,…

Theo các chuyên gia, nhìn vào xu hướng điểm chuẩn năm nay và những năm trước cho thấy, thí sinh đang đổ dồn vào những ngành học được cho là “hot”, khiến mức độ cạnh tranh ở những ngành này rất cao. Điều này dẫn tới thực trạng, nhiều thí sinh có điểm thi ở mức 26, 27, nhưng vẫn không đỗ vào trường đại học nào.

Trong khi đó, một số ngành học có vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước, rất cần những chuyên gia giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao như Khoa học tự nhiên, khoa học sự sống,… thí sinh lại không mấy mặn mà.

{keywords}

Một tiết học của thầy trò khoa Khí tượng và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Thúy Nga

Theo TS. Nguyễn Kim Cương, Phó trưởng khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, vấn đề chính dẫn tới hiện tượng này là do nhận thức của xã hội chưa đúng so với tầm quan trọng của những khối ngành khoa học cơ bản.

“Có thể thấy, trong các chính sách về lương hay vị trí việc làm đối với những ngành này vẫn chưa hấp dẫn, khiến tính cạnh tranh trong thị trường lao động không cao.

Thêm vào đó, đặc thù của những ngành này đòi hỏi sinh viên sau khi ra trường cần tiếp tục học lên cao hơn mới có thể khẳng định vị trí trong nghiên cứu chuyên sâu. Cùng quãng thời gian ấy, sinh viên ở các ngành học khác khi ra trường đã có thể tham gia ngay vào thị trường lao động. Đó là những lý do khiến sinh viên không mấy mặn mà với các ngành học này”, TS Cương nói.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Khoát – Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, những ngành khoa học cơ bản khó thu hút thí sinh vì các em chỉ nghe tên gọi, tưởng rằng đó là những ngành không có tiềm năng.

“Điều này đến từ việc xã hội cũng như thí sinh chưa nhận thức đúng về triển vọng và khả năng phát triển của những ngành học này. Không có sự đánh giá tổng thể và dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề khiến thí sinh không hình dung được thị trường lao động trong tương lai”, TS Khoát nói.

Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù nhiều ngành trong nhóm khoa học cơ bản đang có nhu cầu lớn, thu nhập cũng rất tốt, nhưng việc đào tạo khắt khe cùng môi trường làm việc có thể vất vả hơn,… là những nguyên nhân dẫn đến mất cân đối khi thí sinh lựa chọn ngành nghề.

“Thí sinh đổ xô các ngành được cho là “hot”, nhưng khi đào tạo ồ ạt các ngành này, rất có thể chỉ vài năm tới sẽ gây ra tình trạng dư thừa nguồn nhân lực”, TS Khoát cho hay.

{keywords}
5 ngành có tỷ lệ nhập học năm 2020 thấp nhất (Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Mặc dù nhìn nhận như vậy, nhưng đại diện các trường đều cho biết, khó khăn trong tuyển sinh vẫn buộc những trường này phải thay đổi sao cho “xã hội cần cái gì, chúng tôi đào tạo cái đó”.

PGS.TS Nguyễn Đức Khoát cho biết, trong những năm qua, nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học.

Vì thế, dù xác định các ngành khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn buộc phải thu hẹp quy mô tuyển sinh.

Mỗi năm, trường chỉ tuyển giới hạn với quy mô từ 20 – 30 chỉ tiêu/ ngành. Điều này nhằm duy trì đội ngũ cán bộ giảng viên, vừa đảm bảo khi nhu cầu thị trường thay đổi, vẫn có ngay lập tức nguồn lực để đáp ứng. Song song với đó, trường vẫn phải tính đến mở rộng tuyển sinh những ngành nghề khác để đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Cần phải có dự báo chi tiết để “đón đầu”

Việc thí sinh “đổ xô” vào những ngành “hot” mà bỏ qua những ngành học cốt lõi, theo TS. Nguyễn Kim Cương, sẽ có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển bền vững đất nước.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với đa thiên tai như hiện nay, việc nghiên cứu quy luật, cảnh báo sớm và đề xuất các biện pháp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây nên là rất cần thiết.  

Thử tưởng tượng, nếu không có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu dự báo và cảnh báo sớm, thì thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra sẽ như thế nào?”, ông Cương lấy ví dụ.

Để có những thế hệ kế cận chất lượng cho những ngành này, theo ông Cương, có nhiều yếu tố cần phải giải quyết ngay như Nhà nước phải có chính sách để đào tạo nguồn nhân tài thông qua hỗ trợ học phí, học bổng; đào tạo theo đặt hàng...

Còn theo PGS.TS. Đinh Xuân Thành, Trưởng khoa Địa chất, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, các trường đại học cần phải chủ động hơn trong việc mở rộng liên kết với doanh nghiệp và các đối tác sử dụng lao động, từng bước đổi mới và kết hợp đào tạo chuyên sâu, cơ bản với mô hình đào tạo theo định hướng việc làm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.

“Các lĩnh vực khoa học cơ bản nói chung, Khoa học Trái đất nói riêng, cần được xem là đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của cả quốc gia, góp phần vào sự phát triển chung của thế giới.

Ví dụ, các nhà khoa học Trái đất không chỉ làm việc trong lĩnh vực khai thác và thăm dò khoáng sản (đóng góp 8-10% GDP của Việt Nam) mà còn trong các lĩnh vực như địa kỹ thuật, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, hải dương học cho tất cả các ngành kinh tế khác trước thách thức của biến đổi khí hậu và nhu cầu nguồn năng lượng tái tạo ngày càng cao.

Vì vậy, nếu thí sinh “đổ xô” vào những ngành “hot” mà bỏ qua những ngành thuộc về khoa học cơ bản, đặc biệt là Khoa học Trái đất, sẽ gây nên tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và Liên Hiệp Quốc”, ông Thành nói.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát lại nhấn mạnh đến việc cần thiết phải có sự thống kê hoàn chỉnh giữa Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng cục Thống kê, Bộ GD-ĐT, Bộ Kế hoạch & Đầu tư để xem nguồn nhân lực cần trong 5 – 10 năm tới sẽ ra sao, từ đó công khai cho xã hội biết.

“Hiện nay chúng ta đang thiếu sự đánh giá tổng thể về nhu cầu nguồn nhân lực của các ngành nghề và những dự báo về sự biến động của nhu cầu ấy trong tương lai.

Do đó, tôi cho rằng, cần phải có một bài toán quy hoạch tổng thể cho 10 năm, 20 năm tới, từ đó mới có thể “đón đầu” được nhu cầu sử dụng các nguồn nhân lực ấy", TS Khoát nói.

Thúy Nga

ĐH Quốc gia Hà Nội trong top 601-800 thế giới về Khoa học cơ bản

ĐH Quốc gia Hà Nội trong top 601-800 thế giới về Khoa học cơ bản

Theo bảng xếp hạng các trường đại học thế giới theo lĩnh vực năm 2022 của Times Higher Education (THE) về lĩnh vực Khoa học cơ bản, ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong top 601-800.