Tại hội nghị phản biện dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức ngày 22.4, nhiều ý kiến nêu lên hàng loạt vấn đề đang nổi lên của ngành giáo dục hiện nay đang còn "vắng bóng" trong dự luật.

{keywords}
Ảnh: Minh Đạt

Không thể chấp nhận cán bộ quản lý giáo dục gian lận thi cử

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội ( MTTQ Việt Nam), cho rằng luật không nên viết như nghị quyết những điều chung chung về tiêu chuẩn đạo đức mà cần ghi rõ quyền, trách nhiệm đến đâu và tiếp đó là tiêu chuẩn, tiêu chí để làm cán bộ quản lý giáo dục.

"Điều này để tránh hiện tượng cứ "con ông cháu cha" là vào hệ thống quản lý giáo dục. Quản lý giáo dục là khó nhất vì họ quản lý những "máy cái" đào tạo ra con người, không ra gì là hỏng", ông Chức nói.

Ông cũng bày tỏ không thể chấp nhận hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục lại trực tiếp tham gia vào vụ gian lận thi cử như ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua.

Ngoài ra, ông Chức cũng đề nghị phải quy định rõ tiêu chuẩn giáo viên vào trong Luật để có cơ sở bảo vệ nhà giáo. Không thể để tình trạng như hiện nay, giáo viên phải “chạy” các loại chứng chỉ, văn bằng, giáo viên đi dạy nhưng cứ nơm nớp vì bị trượt viên chức. 

Theo ông, đó là những việc cần làm ngay chứ không phải chỉ chăm chăm lo viết sách giáo khoa. "Quan trọng nhất là giáo viên chứ không phải sách giáo khoa. Sách hay đến mấy mà giáo viên không đáp ứng yêu cầu cũng không có hiệu quả”, ông Chức lưu ý.

{keywords}
GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng QH. Ảnh: Minh Đạt

GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thời gian vừa qua, có nhiều vấn đề nổi cộm trong ngành giáo dục trong đó có vấn đề bạo lực học đường, thầy cô giáo đánh đập, bạo hành học sinh…, song phần "hơi thở" của cuộc sống này chưa thấy phản ánh trong luật, nhất là trong những hành vi cấm.

"Các hành vi cấm cần nêu rõ giáo viên, học sinh được làm gì, không được làm gì chứ không thể ghi chung chung", ông Đường cho rằng, không thể ỷ lại vào các quy chế, quy tắc trong nhà trường vì quy tắc không thể như luật.

Ông Vũ Hào Quang, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường dẫn chứng vụ gian lận thi cử vừa qua dân rất bức xúc, nhưng khi viện dẫn ra Luật thì khó xử lý, chính vì vậy Luật cần thiết phải đề cập, quy định việc ngăn chặn gian lận thi cử trong thời đại 4.0.

Ngoài ra, ông Quang cũng đề nghị luật cần làm rõ mối quan hệ gia đình và nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục, dạy dỗ học sinh; quan tâm đến việc chống bạo lực học đường, bảo vệ được thân thể, danh dự, nhân phẩm của thầy cô, học sinh...

Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Khang, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung mà dư luận đang rất quan tâm đó là giáo dục phải được tự chủ về nhân sự và tài chính.

Ông Khang kiến nghị ngành giáo dục phải được tự chủ tuyển dụng giáo viên, không qua ngành nội vụ như hiện nay. Ngành giáo dục cũng phải được tự chủ về tài chính, nghĩa là trực tiếp điều hành ngân sách Nhà nước cấp cho ngành giáo dục chứ không phụ thuộc vào ngành tài chính.

Đề xuất giảm thời gian học phổ thông còn 11 năm

Một nội dung khác được ông Chức đặt ra là hệ thống giáo dục phổ thông 12 năm là vô cùng bất cập và "lạc hậu lắm rồi". 

Theo ông, hiện nay trẻ em phát triển rất tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ, đó là điều kiện để chúng ta rút ngắn chương trình học. Trước đây đã có thời kỳ chương trình phổ thông của chúng ta chỉ 9, 10 năm nhưng giờ lại kéo dài ra tới tận 12 năm.

{keywords}
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội ( MTTQ Việt Nam). Ảnh: Minh Đạt

"Nếu chúng ta rút ngắn 1 năm, chỉ còn 11 năm thì sẽ có lợi biết bao nhiêu cho đất nước. Tại sao cứ khư khư 12 năm?", ông Chức nhấn mạnh.

Ông đề nghị phải nghiên cứu kỹ xem có bao nhiêu nước có chương trình phổ thông 12 năm, bao nhiêu nước là 11 năm để biết hệ thống giáo dục phổ thông của chúng ta đã phù hợp hay chưa.

Nói về việc nhiều người giải thích rằng thời gian học của giáo dục phổ thông đã được Chính phủ quy định, ông Chứ lưu ý lẽ ra điều này phải được quy định trong Luật Giáo dục chứ không phải là để Chính phủ quy định.

Ông Nguyễn Xuân Khang bày tỏ sự ủng hộ đề xuất này. Theo ông, trước đây, khi thời điểm giáo dục phổ thông còn 10 năm, cấp 1 chỉ có từ lớp 1 tới lớp 4, cấp 2 từ lớp 5 tới lớp 7, cấp 3 từ lớp 8 đến lớp 10. Lúc này, trước khi vào lớp 1, học sinh sẽ học lớp vỡ lòng. 

Sau này, lớp vỡ lòng được đưa vào cấp 1 nên tiểu học có từ lớp 1 tới lớp 5 như hiện tại, cấp 2 có thêm lớp 9, cấp 3 giữ nguyên 3 năm từ lớp 10 đến lớp 12.

Như vậy còn lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp này không khác gì lớp vỡ lòng của thập kỷ trước. Vì vậy, 12 năm cộng với lớp mẫu giáo 5 tuổi như hiện tại là 13 năm là dài.

Ông Khang chia sẻ thêm rằng dù đề xuất giảm một năm học phổ thông đã được bàn đi bàn lại nhiều lần nhưng tới nay đã muộn, vì chương trình phổ thông, chương trình môn học đã chốt, "mọi chuyện đã thành mâm thành bát".

"Xử lý gian lận thi cử như hiện tại là chậm"

"Xử lý gian lận thi cử như hiện tại là chậm"

Nói về vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, TS Nguyễn Viết Chức cho biết ông hoàn toàn không hài lòng với tiến độ xử lý vụ việc như hiện tại, bởi vì việc đó không quá phức tạp, khó khăn.

Thu Hằng