Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Chỉ thị đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo Đề án các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ, các Sở GD-ĐT, các nhà trường ở các cấp học và trình độ đào tạo tập trung thực hiện nhằm khắc phục hạn chế, tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân;
Đồng thời, đảm bảo đạt các mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 trong năm học 2014 - 2015 và những năm tiếp theo.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được nêu lên là tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ, đánh giá hiệu quả các hoạt động Đề án.
Ban quản lý Đề án Bộ GD-ĐT phối hợp với các Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo Đề án các Bộ, ngành, cơ quan ngang Bộ để xây dựng hoặc điều chỉnh kế hoạch, lộ trình triển khai Đề án của đơn vị trực thuộc phù hợp với năng lực thực tế tại địa phương. Công khai các sản phẩm, kết quả thực hiện hoạt động của Đề án tại từng đơn vị.
Nhiệm vụ thứ hai là hoàn thành công tác rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học và trình độ đào tạo. Lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, giảng viên theo hướng ưu tiên giáo viên, giảng viên cận chuẩn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, tránh áp đặt và yêu cầu đồng loạt.
Đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện ngân hàng đề thi quốc gia. Thành lập và đưa Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia vào hoạt động.
Thống nhất quản lý chặt chẽ việc in ấn, cấp phát, sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đổi mới dạy học ngoại ngữ; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu trong nước và quốc tế nhằm tạo môi trường học tập và sử dụng ngoại ngữ bền vững.
Bên cạnh đó, cần tổng kết, phổ biến kinh nghiệm xây dựng đơn vị điển hình về đổi mới dạy và học ngoại ngữ.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 đã triển khai được gần bốn năm (2011 - 2014). Bên cạnh một số kết quả bước đầu đạt được thì theo Bộ GD-ĐT, việc triển khai các nhiệm vụ của Đề án và Chương trình còn chậm và bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Việc rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ đội ngũ giáo viên tiếng Anh phổ thông thiếu tính chuyên nghiệp. Phương thức bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông chưa phù hợp với thực tế và điều kiện dạy học của giáo viên; Còn lạm dụng việc tổ chức bồi dưỡng theo hình thức vừa làm vừa học, không giám sát chặt chẽ việc đánh giá kết quả bồi dưỡng. Tại nhiều địa phương, việc phân bổ kinh phí không cân đối giữa các hạng mục chi; chi quá nhiều cho thiết bị; mua sắm không dựa trên đánh giá nhu cầu thực tế, không xem xét khả năng có thể khai thác tốt tại địa phương, đơn vị. |
Ngân Anh