Theo tờ Tân Hoa Xã, thầy giáo trẻ trên có tên Lại Gia Ích (Lai Jiayi), sinh năm 1995 tại một ngôi làng nhỏ ở thành phố Bắc Hải, thuộc Quảng Tây, Trung Quốc. Từ nhỏ, Gia Ích đã được ông bà chăm bẵm, nên tình cảm của cậu đối với ông bà rất sâu đậm.
Đứng đầu top tìm kiếm trên Douyin - ứng dụng TikTok dành riêng cho người Trung Quốc |
Sau khi tốt nghiệp Học viện Sư phạm Ngọc Lâm mùa hè vừa qua, Gia Ích đã chọn quay trở về quê hương để làm giáo viên chủ nhiệm cho học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Hồng Miên.
Lại Gia Ích (Lai Jiayi) là một trong những giáo viên trẻ có nhiều fan hâm mộ trên các trang mạng ở đất nước tỉ dân. Video về thầy giáo trẻ này đăng tải trên Douyin có hơn 1,8 triệu người xem. |
“Tôi vừa có thể chăm sóc ông bà, vừa có thể hoàn thành mơ ước được làm thầy giáo tại quê hương của mình. Tôi là một cử nhân được nhận chính sách hỗ trợ của chính phủ. Nếu không có sự giúp đỡ của chính sách trên, thì bản thân tôi không thể hoàn thành việc học”, Gia Ích cho biết.
“Tôi muốn làm hết sức mình để cống hiến cho xã hội, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tại quê hương. Để từ đó có thêm nhiều em nhỏ có thể tiếp thu nền giáo dục chất lượng, sau khi hoàn thành việc học thì chúng có thể quay trở về xây dựng quê hương”, Gia Ích nói thêm.
Lại Gia Ích cũng từng gây chú ý với bộ ảnh cưới chụp cho ông bà ngoại 80 tuổi. |
Theo Tân Hoa Xã, chính sách hỗ trợ cho sinh viên của Trung Quốc bao gồm toàn bộ học phí, chỗ ở và tiền sinh hoạt cho sinh viên trong thời gian họ học tập, cũng như đảm bảo sinh viên sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Dĩ nhiên sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này sẽ phải quay trở về quê hương và tham gia giảng dạy tại đó trong ít nhất 6 năm.
Nếu đã nhận hỗ trợ nhưng không muốn quay trở về quê hương giảng dạy, họ sẽ phải hoàn trả lại toàn bộ học phí và một khoản tiền phạt theo quy định.
Theo số liệu thống kê chính thức, Trung Quốc có gần 18 triệu giáo viên. Nhưng thiếu giáo viên và không đạt cơ cấu hiện vẫn là vấn đề khá nổi cộm. Điều này làm dấy lên câu hỏi về việc vì sao nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không muốn trở thành giáo viên.
“Trước đây, rất nhiều người cho rằng nghề nhà giáo là nghề nghiệp “rảnh rỗi”, được nghỉ nhiều và ít tiết dạy. Nhưng tới khi vào làm việc, họ mới phát hiện sự thật không phải như thế. Ngoài thời gian dạy học, giáo viên còn phải sửa bài tập về nhà, viết giáo án, chuẩn bị bài giảng… Ngoài ra, các giáo viên còn chịu áp lực từ trường học và hội phụ huynh.
Tại những vùng kinh tế kém phát triển, các giáo viên chỉ được nhận mức lương thấp. Không những vậy, họ còn mắc các bệnh nghề nghiệp như viêm họng hạt, thoái hóa đốt sống cổ, khiếm thính, giãn tĩnh mạch,...” – Tân Hoa Xã lý giải và cho rằng những người như Lại Gia Ích vẫn yêu và lựa chọn nghề giáo viên quả thật rất hiếm thấy.
Tuấn Anh (Theo Tân Hoa Xã, Weibo, Bilibili, Douyin...)
Trung Quốc vinh danh những nhà giáo cống hiến cho nông thôn
Một người phụ nữ liên tục xuất hiện trên báo chí Trung Quốc thời gian qua là nhà giáo Zhang Guimei (Trương Quế Mai) - người đã thông qua giáo dục để giúp đỡ nữ sinh nghèo ở miền núi vươn lên và thay đổi số phận.