Mới đây, gần 250 phụ huynh ở TP.HCM đã gửi đơn đến Bộ GD-ĐT, UBND TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM và nhiều lãnh đạo của thành phố như Bí thư Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố… sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên.
Họ “sốc” khi 2/3 học sinh giỏi của 1 lớp ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa không đỗ vào lớp 10 ở 2 trường chuyên của thành phố theo hình thức xét tuyển. Nguyên nhân theo những phụ huynh này là quy định cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tuyển vào lớp 10 bất hợp lý.
Trường Chuyên Trần Đại Nghĩa là một trong số ít các trường tổ chức thi tuyển đầu vào từ năm lớp 6, với 'tỉ lệ chọi' rất cao (tỷ lệ 1/8 năm 2017). Theo nhóm phụ huynh, đó là lý do chất lượng học sinh đã được sàng lọc rất kỹ. Tỷ lệ học sinh của trường đậu vào các trường chuyên, lớp chuyên các năm học trước đạt hơn 90%.
Nhưng năm nay, tỷ lệ này có thể chỉ còn khoảng 30%.
Học sinh TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2020-2021 (Ảnh minh hoạ: Thanh Tùng) |
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho rằng do dịch Covid-19 rất phức tạp, TP.HCM không tổ chức được kỳ thi tuyển vào lớp 10 mà chuyển sang xét tuyển là giải pháp tình thế và áp dụng cho hơn 80.000 thí sinh.
Mặt khác, dù xét hay thi tuyển chắc chắn sẽ có thí sinh trúng tuyển và có thí sinh bị rớt, đây là lẽ đương nhiên trong tuyển sinh.
Theo ông Phú, việc cộng điểm khuyến khích cho học sinh giỏi trong xét tuyển là hoàn toàn xứng đáng. Việc nhóm phụ huynh yêu cầu Sở GD-ĐT sửa đổi quy định để con họ trúng tuyển và học sinh khác rớt rất vô lý. Vì vậy, trong thời gian này tốt nhất các phụ huynh hãy động viên con, hoặc hướng con theo hướng khác.
"Hơn 7.000 thí sinh đăng ký vào trường chuyên, nhưng chỉ 1.600 thí sinh trúng tuyển, chứng minh rất nhiều thí sinh rớt và chấp nhận cuộc chơi, chứ không phải chỉ gần 250 thí sinh này" - ông Phú nói.
Điểm học bạ không thể nói được điều gì?
Một giáo viên ở Hà Nội đồng tình việc xét tuyển bằng học bạ là giải pháp tình thế trong bối cảnh đại dịch, không ai mong muốn. Do đó, kết quả không thể làm hài lòng được tất cả. Mặc dù vậy, nó cho thấy vấn đề trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh.
Cô giáo này dẫn giải, trước đây Hà Nội từng tính điểm xét tuyển vào lớp 10 căn cứ theo điểm thi và điểm học tập và rèn luyện 4 năm THCS. Tuy nhiên, sau đó quy định cộng điểm THCS đã được bỏ.
"Chuyện học sinh có học bạ đẹp như mơ giờ không hiếm, điểm tổng kết đạt từ 9 phẩy, 10 phẩy cũng là bình thường. Thậm chí là với môn Ngữ văn, điểm cũng cao chót vót. Với học bạ thế này thì việc xét tuyển khó có thể chuẩn xác. Những năm gần đây, dư luận cũng có ý kiến về việc xét tuyển bằng học bạ vào đại học, nhưng dù sao thì các trường đại học vẫn dành phần lớn chỉ tiêu cho xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT" - cô giáo này cho hay.
Năm 2020, gần 50% bài thi lớp 10 môn Toán, tiếng Anh ở TP.HCM dưới 5 điểm.
TS Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng trường hợp ở Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa quá đặc biệt và khó lý giải.
Theo ông Dũng việc tuyển sinh hàng năm là thi tuyển, xét tuyển thì phương án nào cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Năm nay do dịch Covid-19, TP.HCM không thực hiện thi tuyển mà xét tuyển vào lớp 10 là giải pháp tình thế, do vậy nảy sinh vấn đề là đương nhiên.
Qua sự việc này có thể xem lại việc cộng điểm khuyến khích, còn điểm trung bình học tập thì không thể nói được điều gì.
Ở Hà Nội, việc tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đang gặp khó khăn. Hàng năm, trường này nhận tới 3.000 - 5.000 hồ sơ, trong số đó đa phần học sinh có học bạ toàn điểm 10, chỉ 1-2 điểm 9. Vì vậy, sau khi qua vòng sơ tuyển, những em này phải trải qua bài thi đánh giá năng lực Toán, tiếng Việt, tiếng Anh có độ khó cao để giành 1 trong 200 suất trúng tuyển. |
Minh Anh
Gần 250 đơn kêu cứu vì cách xét tuyển lớp 10 chuyên, Sở GD-ĐT nói gì?
243 phụ huynh ở TP.HCM, trong đó chủ yếu là phụ huynh Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa đã gửi đơn đề nghị xem lại phương án xét tuyển lớp 10 trường chuyên.