Hôm nọ em hoa hậu trót nói mấy câu tiếng Pháp. Thế là ồn hết cả lên. Tội nghiệp cô bé chẳng tội tình gì nhiều mà hứng bao nhiêu là gạch.

Chẳng tội tình gì nhiều là theo ý kiến cá nhân của mình, một người vào lúc 19 tuổi chưa nói được tiếng gì lưu loát ngoài tiếng Việt cả. Mặc dầu đã được dạy tiếng Nga sáu năm từ cấp 2 đến cấp 3, nhưng thú thật là đi tàu hoả từ Moscow sang Budapest trong vòng hai ngày cũng không làm thế nào mua nổi táo.

Mình chẳng thạo tiếng Pháp, nên không biết em nó phát âm sai cái gì, nhưng mà chắc chắn đã từng được nghe rất nhiều giáo sư quốc tế nói tiếng Anh không thể dở hơn, ngoài ra số đo lại còn rất không chuẩn nữa.

{keywords}

Minh hoạ: Lê Thiết Cương

Chuyện sau đây do một đồng nghiệp rất đáng kính vừa kể lại nhân buổi họp khoa đầu năm:

Giáo sư T. là một nhà toán học lỗi lạc người Nhật. Cụ phát minh ra một chỉ số rất quan trọng, gọi là chỉ số… T. Theo lời của một anh bạn, chỉ số này thường có hai giá trị, hoặc là 1, hoặc là 2. Nhưng khi nào là một, khi nào là hai, thì huyền bí không chịu được.

Một chuyện còn huyền bí hơn, là cụ T., mặc dầu là giáo sư tại Yale hơn 30 năm, không biết nói tiếng Anh. Nói vậy thì cũng hơi quá, theo lời các đồng nghiệp lớn tuổi, thì cụ nói tiếng Anh giống như những người Nhật khác. Phải cái không phải giống như người Nhật sống ở Mỹ, mà là giống như người Nhật sống ở Nhật.

Chuyện đến hồi gay cấn là có một giai đoạn cụ T. phải làm trưởng khoa. Trong tâm lý người Việt, trưởng khoa là một chức “oách xà lách”, có quyền sinh sát. Ở Mỹ, trưởng khoa là một cách nói sang trọng cho một chức vị hay được Ngô Tất Tố nhắc đến trong các tác phẩm của ông - ấy là mõ. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, các giáo sư đang giai đoạn làm nghiên cứu sung sức tìm mọi cách để trốn không phải làm trưởng khoa. Chức này thường ba năm thay một lần, và tôi có không ít đồng nghiệp xấu số cứ mỗi ngày lại gạch một gạch lên quyển lịch của họ để tính ngược cho đến khi hết nhiệm kỳ của cái chức vị không cầu mà đến này.

Nói không cầu mà đến là vì khoa toán của Yale không có nhiều người, sớm muộn thì cũng đến lượt bạn phải làm. Một ngày, số phận gõ cửa cụ T., và cụ, như những người Nhật đầy tinh thần trách nhiệm khác, đứng lên gánh lấy gánh nặng của mình.

Cái gánh này hơi nặng hơn lẽ thường một chút, vì nhiệm vụ chính của trưởng khoa là lên gặp các vị ở trên (tức là ban giám hiệu) để xin tiền. Cái này rất khó, nếu bạn lên gặp ban giám hiệu một trường đại học ở Mỹ và không nói tiếng Anh.

Cụ T. có một cách giải quyết tài tình, là cụ dùng thông ngôn. Thông ngôn là giáo sư A., người bản xứ và có khả năng diễn giải rất tốt.

Thường thì các cuộc gặp mặt giữa cụ T. và ban giám hiệu diễn ra như sau. Sau khi yên vị, cụ dõng dạc:

- I want M !!

(M. là ký hiệu chung cho yêu cầu của khoa toán vào thời điểm đó: có thể là tiền, máy tính, phụ cấp cho sinh viên vv).

Trong vòng 15 phút tiếp theo, giáo sư A. dùng hết khả năng hùng biện để giải thích cho ban giám hiệu đáng kính là tại sao khoa lại cần M. Trong 15 phút tiếp theo nữa, ban giám hiệu dùng hết khả năng hùng biện để giải thích cho giáo sư A. là tại sao trường không thể đáp ứng yêu cầu của khoa được. (Cái này là phản xạ tự nhiên của các ban giám hiệu, không phụ thuộc vào trường nào, M. là gì và giáo sư A. là ai.)  Trong khoảng thời gian đó, cụ T. ngồi thẳng lưng, với vẻ mặt bình tĩnh của một samurai chân chính, và có lẽ không cần hiểu hai anh bản xứ đang líu lo gì hết.  Sau nửa tiếng tranh cãi kịch liệt, hai giáo sư bản xứ quay ra, như chờ đợi ý kiến của vị trưởng khoa.  Cụ khẽ nhíu mày, thở nhẹ:

– I want M !!

Chẳng cần nói, sau khi sự việc lập lại đến chu kỳ thứ ba, thì ban giám hiệu, dù hết sức ngoan cố, cũng không thể chịu nổi nữa, và phải xì tiền ra.

Cụ T. là vị trưởng khoa ưu việt nhất của khoa toán trong mọi thời đại.

(Theo Vũ Hà Văn/ Tia sáng)