Lo lắng trước kỳ thi tuyển dụng viên chức sắp tới, 256 giáo viên hợp đồng ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã kêu cứu, vì cho rằng họ sẽ gặp bất lợi với các sinh viên còn trẻ, với những chương trình đào tạo mới. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Toàn, Phó trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Sóc Sơn:
“Chúng tôi rất thương nhưng theo Nghị định thì không thể…”
Phóng viên: Bà có thể chia sẻ nguyên nhân của việc huyện đang tồn dư số giáo viên hợp đồng lớn trong thời gian dài như vậy, để đến nay có những người đã 52, 53 tuổi mà vẫn phải đi thi tuyển viên chức?
Bà Trần Thị Toàn: Hiện nay không chỉ Sóc Sơn, ở các quận, huyện khác ở Hà Nội đều có tình trạng này.
Những năm chưa có Luật Viên chức ra đời, thành phố giao chỉ tiêu hợp đồng căn cứ vào nhu cầu, công việc. Tức là thành phố có giao trong tổng biên chế số giáo viên hợp đồng. Khi Luật Viên chức ra đời, không thể một phát "áp" toàn bộ số đó vào tuyển dụng.
Đây là năm thứ 4 thành phố phê duyệt kế hoạch tuyển dụng. Sở Nội vụ đề xuất cho Hà Nội cơ chế đặc thù là dùng biên chế trong chỉ tiêu định mức được giao mà chưa thể bố trí ngay được biên chế.
Số lớp, số học sinh thì liên tục tăng; còn công tác thi tuyển thì thành phố không triển khai. Trong khi đó, huyện không thể để thiếu giáo viên dạy học sinh.
Ví dụ ở cấp Tiểu học, theo quy định cần có 1,2 giáo viên/lớp nhưng trong số này còn có những người sinh con, ốm đau hay có những vấn đề về sức khỏe khác. Nên nếu không đáp ứng thì lấy đâu ra người dạy.
- Nhưng qua mỗi một lần thi tuyển sẽ có những chuẩn riêng như yêu cầu hộ khẩu, bằng chính quy,... Tại sao qua từng lần đó, với những người không đạt yêu cầu, UBND huyện không rõ quan điểm loại luôn để họ tìm cho mình những cơ hội khác mà để đến tận bây giờ mới ra cơ sự này?
Khi tổng rà soát biên chế, đối với khối giáo viên mầm non, năm 2015 chúng tôi đã tiến hành thanh lý một loạt; báo chí cũng rộ lên một thời gian.
Còn lại số giáo viên hợp đồng của khối tiểu học và THCS, trên cơ sở rà soát đề án vị trí việc làm, chúng tôi vẫn còn có nhu cầu về việc hợp đồng đến thời điểm đó.
Ngoài 256 giáo viên này, năm 2016 chúng tôi cũng hợp đồng 9 tháng với một số giáo viên và đến năm học 2017-2018, rồi năm học 2018-2019 vẫn tiếp tục duy trì số đó nếu họ có nguyện vọng. Toàn bộ số lao động hợp đồng diện 9 tháng của năm trước cơ bản vẫn được sử dụng cho năm vừa rồi.
- Bà nghĩ sao về việc tới đây theo như thông báo của huyện, những giáo viên trên dưới 50 tuổi sẽ đi thi với những người vừa ra trường?
Về góc độ cá nhân, tôi rất thương các thầy cô giáo hợp đồng lâu năm. Nhưng bây giờ, cơ chế chính sách như vậy và huyện cũng đã làm hết các bước trong khả năng của mình tức là rà soát, xin ý kiến thành phố để xem có cơ chế đặc biệt gì.
Hơn 2 lần chúng tôi đã xin ý kiến. Nhưng hiện, theo Nghị định 161 của Chính phủ ban hành thì không thể có xét tuyển đặc cách.
UBND huyện Sóc Sơn cũng đã tổ chức một cuộc họp với toàn thể số giáo viên hợp đồng này để triển khai các nội dung, đặc biệt là các văn bản chỉ đạo của thành phố. Mặt khác, cũng lắng nghe những thắc mắc và động viên các giáo viên; cùng đó chỉ đạo các trường tạo điều kiện tối đa để các thầy cô có thể tham dự kỳ thi để có thể đạt kết quả tốt.
Đúng là đã có tuổi, nhưng không có con đường nào khác là phải học tập, phấn đấu. Như tôi đi thi thì không thể nói là mình có tuổi rồi và cũng phải thi ngoại ngữ, tin học. Do đó, cũng phải học lại để tham gia các kỳ thi.
Ngoài ra, từ tháng 1/2019 thì Nghị định 161 của Chính phủ ban hành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung về công tác tuyển dụng bắt đầu có hiệu lực.
- Năm nay lần đầu tiên kỳ thi tuyển viên chức có môn thi Ngoại ngữ. Vậy với những giáo viên thế hệ trước không được học ngoại ngữ là tiếng Anh, giờ buộc họ phải thi trong khi chỉ có khoảng thời gian chuẩn bị ngắn, liệu có bất cập?
Tôi thấy Nghị định 161 của Chính phủ có nhiều điểm mới mang tính mở và yêu cầu đối với không chỉ viên chức mà cả cán bộ công chức, người lao động là phải có một trình độ chuẩn nhất định. Tôi hiểu là về số lượng thì đang được siết chặt để thực hiện đề án tinh giản biên chế; còn về chất lượng thì yêu cầu của Chính phủ, của thành phố ngày một cao hơn.
Chẳng hạn, một viên chức không thể không biết sử dụng máy vi tính. Tôi không coi đó là một bất cập mà cho rằng cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Ngoài việc tuyển dụng viên chức lần này, giáo viên còn cần phải tham gia các kỳ thi khác, ví dụ như những kỳ thi nâng ngạch.
Mà ở thi nâng ngạch, đòi hỏi về trình độ tin học và tiếng Anh còn cao hơn, chứ không chỉ ở mức đô như kỳ tuyển dụng viên chức.
“Nếu làm sai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”
- Giả sử là người có thâm niên 20 năm nhưng không được tuyển thẳng mà tiếp tục phải thi như vậy thì bản thân bà có cảm xúc và mong muốn như thế nào?
Nếu đi thi, dù là kỳ thi nào, tôi cũng mất ngủ bao nhiêu lần.
Còn là người làm việc lâu năm, đương nhiên mình cũng có mong muốn tiếp tục công việc.
Hôm UBND diễn ra buổi đối thoại, nhiều giáo viên cũng đứng lên bày tỏ mong muốn. Nhưng từ mong muốn đến thực hiện không phải dễ dàng, bởi những nội dung đó nằm ngoài tầm quản lý của huyện, thậm chí nhiều nội dung ngoài tầm quyết định của thành phố.
Quan điểm của tôi, huyện Sóc Sơn đã làm hết trách nhiệm trong phạm vi của mình. Trước đó, UBND huyện cũng đi kiểm tra và hướng dẫn các trường, động viên các giáo viên hợp đồng phải chủ động việc học tập, nâng cao trình độ nói chung và phục vụ cho thi tuyển nói riêng.
Phát biểu tại các cuộc họp, tôi cũng luôn nhấn mạnh điểm các nhà trường phải tạo điều kiện cho người lao động hợp đồng tham gia các cuộc thi này, trong đó có việc học tập để đảm bảo tiêu chuẩn về chứng chỉ, đảm bảo điều kiện đi thi tuyển và có một trình độ nhất định.
- Hôm gặp gỡ giáo viên, đồng chí Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch huyện có nhận lỗi của huyện là để những hợp đồng này quá lâu. Theo bà, trách nhiệm của huyện là như thế nào?
Tại buổi đó tôi có việc nên không nghe. Tôi xin phép không ý kiến về việc này. Còn trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề gì chúng tôi làm sai, chúng tôi sẽ phải chịu trách nhiệm với cơ quan cấp trên.
- Lúc thiếu giáo viên mình cần họ, nhưng đến khi đủ thì không thể “đá” họ ra mà không xem xét hỗ trợ. Huyện có tính tới những hệ lụy xã hội nếu sau cuộc thi, số giáo viên này không trúng tuyển và mất việc?
Với vai trò tham mưu, chúng tôi đã đề xuất phải tính đến việc này và có những giải pháp. Nhưng giải pháp cụ thể như thế nào thì đến thời điểm này chúng tôi không được phép tiết lộ. Chúng tôi sẽ phải báo cáo, xin ý kiến của các cấp.
Ví dụ xong tuyển dụng có thể vẫn có những vị trí còn thiếu hoặc là có một số giáo viên nghỉ hưu hoặc chuyển công tác,... hay căn cứ vào tình hình thực tế của việc tăng số lớp, số học sinh,... thì xem xét.
Về mặt lộ trình, có thể thiếu những vị trí việc làm nhân viên. Ví dụ một nhân viên thiết bị thí nghiệm thực ra chỉ cần có một chứng chỉ về công tác thiết bị thí nghiệm, còn nếu là giáo viên đã thành thạo hết các thủ tục và bây giờ chỉ cần có chứng chỉ để làm công việc này thì có thể bố trí vào vị trí đó nếu có mong muốn.
Những kế hoạch cụ thể như thế nào thì tôi xin phép không tiết lộ.
- Huyện có đề xuất, kiến nghị gì để tạo điều kiện, hỗ trợ cho các giáo viên hợp đồng này khi đi thi không?
Thực hiện công tác phân cấp trong công tác tổ chức bộ máy, UBND huyện Sóc Sơn hay UBND TP không thể ban hành ra một hướng dẫn khác với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Văn bản của Chính phủ là văn bản pháp quy tối cao và các cơ quan hành chính cấp dưới chỉ có tính chất chấp hành và không thể có một chế độ, chính sách gì khác ngoài chế độ ưu tiên được quy định trong Nghị định 161 (đối với anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng vũ trang đã từng công tác, chiến đấu,...)
- Xin cảm ơn bà!
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Huyện cũng đã có đề xuất lên UBND TP về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được trả lời. Việc muốn xét đặc cách cho các giáo viên hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện nữa mà phải từ thành phố. “Nếu cấp trên tạo điều kiện để có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các giáo viên hợp đồng thì tốt quá. Về phía địa phương chúng tôi cũng mong muốn làm sao để có thể giải quyết được cho anh chị em giáo viên hợp đồng lâu năm”, ông Mạnh nói. Tổng chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên toàn huyện Sóc Sơn được xác định là 685, trong đó cấp Mầm non là 206 chỉ tiêu, cấp Tiểu học là 282 chỉ tiêu và cấp THCS là 197 chỉ tiêu. |
Thanh Hùng - Thúy Nga
Có cả "quyển bằng khen", giáo viên vẫn lo sợ trượt chân viên chức
Dù chưa diễn ra kỳ thi viên chức, hơn 250 giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn không khỏi lo lắng khi phải "cạnh tranh" với giới trẻ có nhiều lợi thế hơn mình.