- Trên trang cá nhân, nhà báo Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ trò nghèo vùng cao - vừa nêu ý kiến về ý tưởng "không còn cơ chế công chức, viên chức đối với giáo viên". Dưới đây là góc nhìn của ông về vấn đề này.

{keywords}

Lò Thị Minh tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Điện Biên, ngành sư phạm mỹ thuật năm 2015. Ra trường, cô gái trẻ từng có 1 năm làm nhân viên tư vấn bán hàng; đến cuối năm 2016 mới thi tuyển lên làm giáo viên ở Nậm He (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Ảnh: Lê Văn

Tôi không muốn nói điều này, vì ít nhiều nó sẽ tổn thương những người tôi quý trọng. Nhưng cần phải nói.

Tôi đã gặp nhiều người rất trẻ, quê ở đồng bằng, lên tận những bản xa xôi làm giáo viên. Rất thiếu thốn, rất cực khổ. Nhất là các cô giáo trẻ. Không những thiếu thốn về điều kiện sống, mà còn dễ lỡ làng cả hạnh phúc riêng tư. Có câu "Chim khôn, chim đậu cành mai- Gái khôn gái đậu cầu vai biên phòng..." là nói về những cô giáo may mắn có hạnh phúc lứa đôi với chiến sỹ biên phòng. Nhưng không phải ai cũng được thế. Có những vùng, chỉ các đồn biên phòng mới có những chàng trai người Kinh. Do khác biệt văn hoá, việc thành đôi với trai bản địa là rất hiếm.

Tại sao họ vẫn lên và ở lại, có khi hàng chục năm, có khi là mãi mãi? 

Nếu nói do hoài bão, do tấm lòng với trẻ vùng cao, như là trong các bài ca, trong các áng văn, thì cũng không sai. Sau những ngày tháng cực khó khăn ban đầu, họ dần gắn bó với trẻ, họ yêu thương, họ thích nghi dần. 

Nhưng phải nói thật là họ khi đi lên vùng rừng xa núi thẳm, phần quan trọng là do được vào biên chế. Thiệt thòi nhiều, nhưng đổi lại có một vị trí và công việc ổn định. Rồi đa số họ hy vọng được dần luân chuyển về những vùng trung tâm hơn. Lý thuyết thì từng có chế độ nam 5 năm, nữ 3 năm ở vùng sâu thì được luân chuyển về quê hương tiếp tục làm giáo viên. Nhưng chế độ ấy ít khi thành hiện thực. 

Ở quê họ luôn không thiếu giáo viên. Nhưng sau nhiều năm ở bản, dịch chuyển dần về các thị trấn, trung tâm của tỉnh, tiện đường về quê hơn, đã là may mắn. 

Thời gian gần đây, do giao thông miền núi tốt hơn nhiều, sự cô đơn ngăn cách giảm đi, số giáo viên cuối tuần về nhà ở thị trấn tăng lên. Nhưng vẫn còn cơ cực lắm, nhất là với giáo viên quê ở tận các tỉnh đồng bằng và chưa lập gia đình.

Giáo viên người dân tộc ngày một nhiều lên, nhưng như chúng tôi thấy, gánh nặng chủ yếu nghề dạy học vùng cao hiện nay vẫn trên vai giáo viên người gốc miền xuôi lên công tác. Nhiều nơi, 100% giáo viên Mầm Non là người gốc xuôi. Ở tiểu học tỷ lệ này cũng nhiều nơi gần như vậy.

Tôi không có ý kiến về việc chuyển sang tự chủ nhân sự, bỏ chế độ biên chế với những trường học công lập ở thành phố, khu vực đông đúc dân cư. Dù rằng việc đó cũng rất cần thận trọng. Nhưng trong tương lai còn rất dài, có biên chế nhà nước là một bù đắp với người lên bản làng xa dạy học. Họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi rồi, nếu không trong biên chế, mọi cái do Hiệu trưởng quyết định, hãy đặt mình vào vị trí họ mà cảm nhận. Sắp xếp ai đi bản nào đã là một quyền rất lớn của Hiệu trưởng. Đa số các Hiệu trưởng là những người còn hy sinh nhiều hơn, và thương đồng nghiệp. Nhưng nếu quyền giữ hay sa thải cũng do Hiệu trưởng quyết định, thì ở đâu thiếu chút công tâm, ở đó có bi kịch của những giáo viên rời quê hương lên vùng cao.

{keywords}
Hiện nay, việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên đang thực hiện theo Luật Viên chức. Trong bảng là tóm tắt sự khác nhau của 3 loại lao động. Biểu đồ: Phạm Thị Ly

Có thể nói nhiều về chất lượng giáo dục. Nhưng ở nhiều bản làng xa xôi, chất lượng hiện nay là vấn đề trẻ có đi học không và có người vững tâm dạy trẻ không.

Những đêm đông, cô đơn bên bếp lửa, trong những căn phòng chi chít khe hở lạnh, giáo viên cắm bản sẽ nghĩ gì khi biết bất cứ lúc nào cũng có thể lại tay trắng về quê, nơi từ đó họ ra đi với nguồn động lực là gian khó nhưng thành người của nhà nước, không phải lo mất việc?

Tôi biết mọi cái còn ở ý định, còn ở thử nghiệm. Nhưng với giáo viên vùng cao, tôi cho rằng hiện giờ- và rất lâu nữa- chuyện bỏ biên chế chỉ nói đến cũng không nên. Không được. Và thí nghiệm thế nào ở các thành phố là việc của Bộ Giáo dục, nhưng Bộ trưởng nên nói rõ ràng một điều: Những vấn đề này chưa đặt ra, và sẽ không đặt ra trong không chỉ một nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Giáo dục, với khu vực dạy học vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Cho đến lúc việc phục vụ trong quân đội cũng theo hợp đồng tự nguyện, khi đó hãy nói đến chuyện bỏ biên chế giáo viên vùng đó.

  • Trần Đăng Tuấn

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Thí điểm chuyển dần viên chức sang hợp đồng lao động ở những nơi có điều kiện"
Thời gian qua, chúng ta bàn nhiều đến tự chủ giáo dục đại học mà chưa đề cập sâu tới tự chủ đối với giáo dục phổ thông. Đây là băn khoăn của ngành. Chính vì vậy, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD-ĐT đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông.

Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, tôi chưa đề cập tới vấn đề tự chủ tài chính vì vấn đề này còn phải bàn thêm. Ở đây, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.

Về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền rồi nhưng thực tế sự chủ động vẫn chưa nhiều. Nếu như không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa thì vai trò chủ động của các nhà trường và tính linh hoạt của các thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt và khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng sẽ can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.

Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đây là vấn đề “thiếu” tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Rõ ràng, các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu ra sao nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng giáo viên. Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay do các sở đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường, dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Để nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Nếu chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra được động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được “đột phá” cho quá trình đổi mới giáo dục.

Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, và tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên.

Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng.

Để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng tạo ra một lối suy nghĩ khác - coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất, tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra một thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu, năng lực của người giáo viên được thể hiện qua thu nhập - là việc cần phải làm.

Ban đầu sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, sẽ có người băn khoăn, thậm chí là phản đối, nhưng về lâu dài việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền với quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo, vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng một lúc toàn ngành giáo dục chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.

Những nơi nào có điều kiện thì thí điểm. Chẳng hạn như một số trường phổ thông có thương hiệu, điều kiện thì cho họ thí điểm từng bước một, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra.

Việc này vẫn đang trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành Giáo dục.

(Cổng Thông tin điện tử Bộ GD-ĐT)