“Lớp mình đâu hết cả rồi? Ở “đầu cầu” bên, Linh Nhi cho cô và các bạn biết tình hình hiện tại bên đó ra sao?”, cô Nguyễn Thị Huệ “khởi động” tiết học môn Hóa của lớp 11A7 bằng cách hỏi thăm các học sinh diện F1.

{keywords}

Cô Huệ úp ngược chiếc thau để làm bàn dạy học

Thuộc diện F1, được đưa đi cách ly tập trung tại Trường Mầm non Trí Quả từ đêm 11/5, ngay khi vừa ổn định, cô Huệ đã lập tức chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến đầu tiên.

“Thời khóa biểu đã được mình lên từ trước và gửi tới từng lớp 11 và 12, vì thế các em đều rất chủ động tham gia. Mình cũng lập riêng một nhóm có 5 học sinh F1 do mình chủ nhiệm để kịp thời trao đổi, chia sẻ và động viên các em trong thời gian cách ly”.

Việc dạy học trực tuyến tại khu cách ly, theo cô Huệ, cũng không mấy khó khăn do đã có sự chuẩn bị từ trước.

{keywords}

Một số học sinh trong khu cách ly tập trung

Lo lắng mạng sẽ chập chờn, vì thế, trước khi đi, cô giáo sinh năm 1986 đã cài sẵn 4G trong điện thoại. Tại khu cách ly không có chỗ ngồi làm việc, cô Huệ bèn nghĩ ra cách… úp ngược chiếc chậu để làm bàn.

Những học sinh khối 11 dường như cũng cảm nhận được giai đoạn khó khăn của cả cô và trò nên đều tích cực tham gia vào bài giảng. Từ khu cách ly, một số học sinh còn tích cực phát biểu, xây dựng bài.

“Biết thích nghi với hoàn cảnh như vậy là rất tốt đấy”, cô Huệ động viên lại học trò.

Tuy rằng còn những khó khăn nhất định, nhưng theo cô Huệ, đây sẽ là những tiết dạy đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình.

{keywords}

Cô giáo Nguyễn Thị Hương đang chữa đề cho học trò qua Zoom

Đi cách ly khi chỉ kịp mang theo điện thoại và máy tính xách tay, hai ngày đầu tiên, cô giáo Nguyễn Thị Hương vừa chờ kết quả xét nghiệm, vừa soạn đề.

“Sau khi soạn xong, mình gửi ra hàng in rồi nhờ người nhà gửi vào khu cách ly giúp. Khi đã có tài liệu, cô trò cùng nhau chữa đề qua Zoom. Học trò sẽ thay phiên nhau giải thích, cô là người chốt đáp án cuối cùng”.

Là giáo viên dạy Vật lý phụ trách khối 12, cô Hương cho rằng, đây là khoảng thời gian quan trọng nhất của học trò vì kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề.

“Mình biết học trò rất hẫng hụt khi nghe tin thầy cô phải đi cách ly. Các em cũng sắp thi tốt nghiệp nên rất cần thầy cô ở bên trong giai đoạn này. Do đó, cả cô và trò đều phải tranh thủ từng phút, không cho mình có nhiều thời gian ngơi nghỉ”.

{keywords}

Cô·Bích Hạnh, giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Thuận Thành số 1 đang cách ly tại Trường Mầm non Thị trấn Hồ. Xác định sẽ dạy online, cô Hạnh đã mang theo sách vở, tài liệu, máy tính, điện thoại có sẵn 4G vào khu cách ly.

Ở khu cách ly, cô giáo trẻ dậy từ 6 giờ. Sau khi vệ sinh cá nhân, ăn sáng sẽ tiếp tục soạn bài để chuẩn bị dạy trực tuyến vào buổi chiều. Không giống như những giờ lên lớp trực tiếp, cô Hương ăn vận đơn giản, đôi lúc khiến học trò thích thú vì “trông cô thật khác mọi ngày”.

Để hoàn thành việc chữa một đề bài kéo dài 1,5 tiếng, thậm chí là 2 tiếng, cô Hương chủ động đề xuất với đồng nghiệp cùng trường cho “xin tiết dạy” nếu môn học đó đã kết thúc chương trình.

“Tất nhiên, mình cũng phải báo trước giờ giấc để học trò còn chuẩn bị. Mặc dù tiết học kéo dài hơn thông thường, nhưng các em đều rất ủng hộ và tích cực cho việc ôn luyện”.

Thi thoảng, sợ học trò mệt vì chữa đề liên tục, cô Hương lại tạo ra “khoảng nghỉ” bằng cách trò chuyện, kể cho các em nghe về việc sinh hoạt hay những bữa ăn trong khu cách ly.

“Nhờ thế, cô trò đều cảm thấy gần gũi hơn rất nhiều mặc dù không được gặp nhau trực tiếp” - cô Hương nói.

{keywords}{keywords}

Thầy Nguyễn Hữu Sơn, giáo viên môn Toán, đang giúp học sinh ôn tập để chuẩn bị kiểm tra học kỳ II. 

Từng nhiều lần đi công tác xa nhà, nhưng với cô Hương, đây có lẽ là chuyến đi “công tác” đặc biệt nhất.

“Trước khi đi, mình đã làm công tác tư tưởng cho chồng con. Hai bạn nhà mình cũng rất tự giác, dù có mẹ ở nhà hay không vẫn 2 lần mỗi ngày báo cáo tiến độ học tập.

Ở khu cách ly, mình cũng nhận được sự động viên của đồng nghiệp, lãnh đạo. Nhờ vậy mình cũng cảm thấy yên tâm và an ủi hơn rất nhiều”, cô Hương nói.

Xây dựng phần mềm làm bài thi trực tuyến

Đi cách ly ở khu vực không có wifi, mạng 4G cũng rất chập chờn, không còn cách nào khác, cô Nguyễn Thị Thắm - giáo viên môn Toán đành giao và chữa bài tập cho học trò ngay trên các nhóm Facebook.

“Thực ra học trò lớp 12 đã hoàn thành hết chương trình, do đó chỉ tập trung vào việc luyện đề”.

Là giáo viên trẻ, có lợi thế về kỹ năng công nghệ, cô Thắm nhờ một học trò cũ phát triển và xây dựng phần mềm làm bài thi trực tuyến.

Thông qua phần mềm này, hàng trăm học sinh có thể truy cập cùng một lúc. Điểm thi cũng sẽ được cô Thắm chấm trên phần mềm ngay sau khi học sinh kết thúc thời gian làm bài. Phần mềm thậm chí có thể cập nhật cả ID của máy nên giáo viên dễ dàng kiểm soát.

Đối với những học sinh thuộc diện F1 đang trong khu cách ly mà không thể tham gia làm bài, cô gửi tài liệu, sau đó học trò nhờ người in và làm ngay tại khu cách ly. Hoàn thành bài làm, học trò sẽ gửi để cô chấm điểm trực tiếp.

{keywords}

 

{keywords}

Cô Thắm thường xuyên kết nối với phụ huynh

“Thực ra, ở giai đoạn hiện tại, sự chủ động của học trò vẫn là điều quan trọng nhất. Giáo viên chỉ là người hỗ trợ, định hướng và giải đáp khi các em có khúc mắc”, cô Thắm nói.

Thầy Lê Nho San, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1 cho biết, trong số 37 thầy cô của trường thuộc diện F1 phải cách ly tập trung, nhiều người là giáo viên phụ trách lớp 12.

“Tuy nhiên, các giáo viên đều rất chủ động. Gần như 100% giáo viên đã dạy trực tuyến để gấp rút hoàn thành chương trình học vào ngày 22/5 tới đây”.

Bản thân thầy Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành số 1 cũng thuộc diện phải đi cách ly tập trung. Dù vậy, những ngày qua, thầy thường xuyên làm “công tác tư tưởng” cho đồng nghiệp và học trò bằng cách chia sẻ những thông tin tích cực và hỏi han, động viên mọi người phải thật bình tĩnh, vững tâm. Theo thầy Thanh, cũng chính từ thử thách trong hoàn cảnh dịch bệnh, giáo viên và học sinh sẽ càng trở nên gắn bó, ấm áp.

Thuộc diện F1, phải đi cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Như Quỳnh (học sinh lớp 12, Trường THPT Thuận Thành số 1) cho biết, em từng rơi có cảm giác rất tội lỗi vì đã khiến cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp vô tình trở thành F2. Nhưng sau đó, nữ sinh cảm thấy rất ấm áp vì cô giáo và các bạn không ai trách cứ, ngược lại còn động viên và dặn dò em nhớ mang theo sách vở vào khu cách ly để tiện cho việc ôn tập.

“Trong suốt thời gian này, các thầy cô và bạn bè thường xuyên nhắn tin động viên, cổ vũ em. Vì đi gấp quá nên em thiếu đủ thứ, nhưng may mắn là cô giáo đã gửi cho em một ít sách vở và đồ ăn từ bên ngoài vào”.

Mỗi khi có thời gian rảnh, nữ sinh lại tương tác với cô giáo qua Facebook, nhờ cô gửi thêm bài tập, sau đó làm ra giấy, chụp lại và nhờ cô sửa.

“Những sự quan tâm dù là nhỏ nhất của các thầy cô trong hoàn cảnh này đều khiến em cảm thấy rất xúc động. Điều này cũng giúp em cảm thấy vững vàng hơn để tuân thủ tốt quãng thời gian cách ly này” - Quỳnh nói.

Thúy Nga

(Hình ảnh sử dụng trong bài viết đã được sự cho phép của các thầy, cô giáo Trường THPT Thuận Thành số 1)

Đêm không ngủ của nữ sinh trong khu cách ly: 'Mọi thứ ập đến nhanh quá'

Đêm không ngủ của nữ sinh trong khu cách ly: 'Mọi thứ ập đến nhanh quá'

Sớm ngày 8/5, Quỳnh chỉ kịp cầm túi quần áo, mang theo tệp đề cương rồi cùng gia đình tới trạm xá khai báo trước khi vào khu cách ly. Nữ sinh cũng vội nhắn tin thông báo cho cô giáo và các bạn về chuyện mình trở thành F1.

Nam sinh mắc Covid-19 vì bê cỗ thuê: 'Em lo gia đình bị kì thị'

Nam sinh mắc Covid-19 vì bê cỗ thuê: 'Em lo gia đình bị kì thị'

Em T,  học sinh lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc - nam sinh mắc Covid-19 do đi bê tráp cho 1 đám cưới ở Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) cho hay phải nhận nhiều lời đả kích.

Thúy Nga