- Một số vấn đề của ngành giáo dục như thực hiện các tiêu chuẩn mới cho giáo viên, hiệu trưởng; “cắt” bệnh hình thức, biểu diễn trong giáo dục; mô hình trường chất lượng cao; sáp nhập trường học...đã được đặt ra trong buổi làm việc của Bộ trưởng GD-ĐT tại tỉnh Yên Bái ngày 17/12.

Giáo viên thay đổi mà hiệu trưởng không thay đổi sẽ rất rủi ro”

Để giáo viên thay đổi thì hiệu trưởng phải thay đổi, cán bộ quản lý giáo dục phòng, sở phải thay đổi, tôi và những người làm ở Bộ GD-ĐT cũng cần phải thay đổi”.

Đó là cụm từ mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thường nhắc đi nhắc lại trong các buổi làm việc tại trường học vào buổi sáng hay đối thoại tại trụ sở UBND tỉnh vào buổi chiều.

Ông Nhạ cho biết ngành giáo dục đã ban hành chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng; các bộ chuẩn này rất khác chuẩn đã có từ 10 năm trước. Chẳng hạn như chuẩn giáo viên nhấn mạnh đến phẩm chất nhà giáo, nhấn mạnh đến khía cạnh thiết thực của giáo dục, trong đó chuẩn trình độ đào tạo (tốt nghiệp ĐH, CĐ...) chỉ là 1 tiêu chí.

{keywords}
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ghi lại địa chỉ email và số điện thoại của mình cho một học sinh lớp 9B, Trường Dân tộc nội trú THCS Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: HA

Người đứng đầu ngành giáo dục lưu ý để triển khai có hiệu quả các “chuẩn” này thì trước hết phải thực hiện dân chủ trong nhà trường:

“Học trò hiện nay biết nhiều thông tin, có tư duy phản biện, biết phản ứng; trong khi đó một số thầy cô không dân chủ, dễ áp đặt, dẫn đến những vấn đề bức xúc”.

Ông Nhạ cũng trấn an giáo viên rằng việc bồi dưỡng đào tạo lại không phải là đưa những kiến thức cao siêu, mà là chú trọng những kỹ năng cần thiết trong môi trường sư phạm.

Ông cũng “đánh giá cao vai trò quan trọng của cấp quản lý trung gian là các phòng giáo dục đào tạo, trước thông tin rộ lên một thời về việc giải tán bộ phận này”.

Trong công cuộc “chuẩn hoá” mới, Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh vai trò của người quản lý: “Nếu hiệu trưởng chưa thay đổi, các giáo viên thay đổi thì sẽ rất rủi ro”.

Thi đua phải lành mạnh

Khi đến các trường học tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên (có nơi đến bất ngờ không báo trước như trường Tiểu học – THCS Vạn Thành), các giáo viên đã trao đổi với người đứng đầu ngành giáo dục những áp lực mà họ gặp phải; chẳng hạn như cuộc thi giáo viên giỏi còn nhiều hình thức. Có cô giáo đề nghị nếu thi giáo viên giỏi thì cứ làm “bất ngờ” chứ không câu nệ như lâu nay.

{keywords}
Bộ trưởng Giáo dục lưu ý các thầy cô giáo ở trường nội trú chú ý rèn kỹ năng cho học sinh tự tin, bớt rụt rè. Ảnh: Bá Hải

Tại buổi làm việc chiều ở UBND tỉnh, cô giáo mầm non Nguyễn Tuấn Anh phản ánh thêm về hiện tượng làm sổ sách quá nhiều, hay làm sáng kiến kinh nghiệm không cần thiết; rồi việc ít thời gian để sinh hoạt chuyên môn,v.v...

Đồng cảm với những chia sẻ đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói:

Tôi đang yêu cầu các vụ, cục rà soát đẻ cắt giảm, nhiều cuộc thi hình thức, gây áp lực, không nâng cao được chất lượng cho giáo dục. Thi đua dạy tốt, học tốt nhưng phải tốt thật chứ không phải áp lực theo hướng xấu. Chứ thi mà không thiết thực, diễn là chính thì rất phản cảm. Năm ngoái đã cắt một loạt các cuộc thi rồi, năm nay tiếp tục rà soát. Cố gắng đưa thi đua thành việc thiết thực và hiệu quả”.

Lương khởi đầu của giáo viên có thể thay đổi

Ông Vũ Tô Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Yên nêu vấn đề một số cán bộ quản lý được điều động về phòng, sở không được chế độ thâm niên.

Bộ trưởng Nhạ nói rằng đây là vấn đề phổ biến, cử tri đề cập nhiều lần, Bộ cũng đã làm việc nhiều lần với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ. Thực hiện Nghị quyết trung ương, tới đây đề án lương sẽ trả theo vị trí việc làm chứ không phài chức danh, mức lương khởi đầu của giáo viên cũng sẽ được xem xét thay đổi.

"Việc đề nghị chuyển phụ cấp thâm niên giáo viên sang cán bộ quản lý đến thời điểm này không còn khả thi. Mà sẽ chờ để xây dựng thang bảng lương mới. Tôi sẽ cố gắng hết sức để đề nghị nhằm điều chỉnh thang bảng lương của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Lương, chế độ đãi ngộ của giáo viên là vấn đề rất quan trọng nhưng cũng rất nan giải. Vì vậy, cần có lộ trình".

Xen kẽ mô hình chất lượng cao trong đại trà là không bình đẳng

Tại buổi đối thoại, ông Trần Quốc Bình, Phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Nghĩa Lộ cho biết 13/15 trường của thị xã đã đạt chuẩn quốc gia, còn việc thí điểm mô hình trường chất lượng cao (CLC) thì gặp khó khăn về hành lang pháp lý, nhất là thu học phí điểm học phí, hay tiêu chuẩn mô hình. Ông Bình đề nghị Bộ ban hành bộ tiêu chuẩn công nhận trường chất lượng cao.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải thích hiện nay chưa có khái niệm trường CLC mà chỉ có “trường thực hiện chương trình CLC”. Riêng Hà Nội thì mô hình này được vận dụng theo Luật Thủ đô.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết cần tiếp cận theo toàn trường chứ không tiếp cận theo chương trình ở khái niệm này. Cụ thể là phân tầng chất lượng, đối tượng; ở đó giáo dục đại trà phổ thông là trách nhiệm của nhà nước, còn phân khúc “CLC” thì đẩy mạnh xã hội hóa. Trong lúc quá độ thì chấp nhận giải pháp tạm thời, chứ còn về bản chất việc xen kẽ mô hình này trong một môi trường giáo dục đại trà là không bình đẳng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện Văn Bàn) bày tỏ sự phấn khởi với chủ trương cho trường xây dựng chủ động chương trình, kế hoạch học tập.  Khó khăn mà trường ông gặp phải là sắp tới đây triển khai đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Ông Hồng cũng đề nghị xem xét vai trò của hội đồng trường ở trường công lập vì còn hình thức. 

Bộ trưởng cho biết đang chuẩn bị Nghị định hướng dẫn về cơ chế tự chủ trong trường phổ thông, cơ sở pháp lý đang được Bộ cân nhắc xây dựng hướng dẫn trên nguyên tắc trường nào có điều kiện sẽ được tự chủ một phần, tự chủ cao hơn các trường đại trà khác. 

Rà soát thường xuyên đạo đức nhà giáo

 

 

Tôi kêu gọi các thầy chỉ đạo các nhà trường rà soát thường xuyên đạo đức của nhà giáo, thấy có hiện tượng gì, dấu hiệu gì phải giải quyết ngay; tránh trường hợp báo chí nêu mới đi rà soát, kiểm tra, phải rà soát tận gốc, thảo gỡ tận gốc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

 Hạ Anh