Một buổi sáng mùa xuân mưa phùn rả rích. Cái rét tê tái bao trùm cảnh vật. Sân trường sáng nay trống vắng quá! Cái im lặng đến thảng thốt thấm vào tâm hồn. Mấy ngày nay, học trò phải nghỉ học để ngăn ngừa dịch virus corona lây lan. Chỉ còn đây mái trường cô đơn, ngóng đợi.

Một vài tiếng chim khắc khoải trên tán cây xà cừ. Nó cất lên thật khẽ rồi mất hút vào khoảng không của sân trường. Mưa vẫn rơi. Mưa phùn giăng mắc lạnh giá. Mưa như báo trước rằng chiều nay lại có gió bấc hun hút về.

Chao ôi là buồn! Ngôi trường trẻ trung đang độ thanh niên như thấm thía nỗi nhớ. Nhớ tiếng nói, tiếng cười rộn rã, thơ ngây và âm thanh giảng bài trong trẻo của thầy cô!

Ngôi trường nhớ lại trong tiếc nuối. Sáng mồng 6 tháng Giêng, ngôi trường thức dậy từ khi bình minh còn chưa hé, nôn nao chờ đợi giây phút hội ngộ với những người bạn nhỏ của mình sau hơn một tuần nghỉ Tết.

Với ngôi trường Tết thật buồn lắm, dù khí xuân giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa khoe sắc đua hương nhưng không gì khỏa lấp nỗi trống vắng. Thế rồi giây phút ấy cũng đến. Lúc đầu lác đác vài em, rồi chẳng mấy chốc sân trường đã đông vui, nhộn nhịp đầy ắp tiếng nói, tiếng cười.

Đó là một sớm mùa xuân đúng nghĩa nhất. Ngôi trường sực nhớ đến những câu Kiều của thi hào Nguyễn Du:

“Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi,
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”...

Nó ngắm nhìn từng gương mặt ngây thơ, đáng yêu. Những học sinh lớp 8, lớp 9 ra dáng thanh niên, nghiêm túc và đứng đắn cùng với trang vở trên tay. Học sinh lớp 6 hồn nhiên khoe áo mới rộn ràng.

Rồi tiếng trống vang lên. Tiếng trống quen thuộc hơn hai mươi năm nay vẫn thế nhưng hôm nay có sức hút kì lạ. Tiếng trống tươi vui, náo nức. Tiếng trống của một mùa xuân mới. Từng nhịp tim trẻ trung của ngôi trường hòa điệu theo tiếng trống. Thầy cô giáo lên lớp với bao cảm hứng mê say. Ngôi trường hạnh phúc quá. Nó ngây ngất, tự hào. Ngỡ như niềm vui là bất tận.

Chiều hôm ấy cũng là một ngày đáng nhớ. Ngôi trường đang thảnh thơi nằm nghe khúc chèo xuân từ radio của bác già bán nước ngoài cổng thì bỗng thấy xôn xao, hốt hoảng. Ngoài kia, bên gian hàng tạp hóa, TV đang phát tin: Dịch corona đã lây lan đến Việt Nam. Tỉnh ta hiện có ba ca dương tính với virus này.

Ôi, là cái căn bệnh quái ác ấy sao? Chẳng nhẽ nó đã về đến Việt Nam? Ngày mai bọn trẻ sẽ sao đây? Chúng còn quá nhỏ để tự bảo vệ trước một bệnh dịch mà hệ số lẫy nhiễm cao như vậy! Ngôi trường băn khăn, thao thức suốt đêm dài. Ngoài kia, gió mùa đông bắc lại tràn về. Gió bấc hun hút thổi. Cái rét tê tái luồn qua từng nếp nhà, vào từng hàng cây.

{keywords}

Sáng 31/1, bác bảo vệ lại cần mẫn ra mở cổng trường trong chiếc khẩu trang kín mít. Ngôi trường nhìn thấy rõ sự lo lắng toát ra từ ánh mắt hiền hậu của bác. Bác làm bảo vệ ở đây đã hơn hai mươi năm... Có lẽ chưa bao giờ bác có tâm trạng như hôm nay.

Rồi học sinh đến trường. Nhưng hôm nay chúng khác lắm. Không chỉ bởi chiếc khẩu trang xanh biếc, kín mít chỉ còn có hai con mắt ngây thơ mà bởi sự bẽn lẽn rụt rè ít thấy.

Mọi ngày chúng hay túm năm tụm ba hoặc nắm tay nhau vui vẻ đến trường thì nay, mỗi đứa như cố ý cách nhau ra như bảo rằng tạm thời giữ khảng cách an toàn. Nhìn lũ trẻ, ngôi trường thấy thương chúng quá. Giữa độ tuổi ham học hỏi, giao lưu mà chúng phải khuôn kín mình lại như thế chẳng phải tội lắm sao. Buổi học diễn ra khác mọi ngày, cô trò ai cũng lộ rõ vẻ lo lắng.

Qua ngày thứ Bảy, rồi Chủ nhật, ngôi trường thấp thỏm chờ đợi. Không biết tình hình như thế nào? Người ta đã dập được dịch chưa? Hay là… Ngôi trường chợt nghĩ đến kịch bản tệ nhất là người ta phải cho lũ trẻ nghỉ học để phòng chống dịch. Ngôi trường thấy một cảm giác lạnh gai người. Cái lạnh vì gió bấc. Và cái lạnh vì sợ hãi.

Rồi sáng thứ Hai, ngày 3/2, cổng trường lại rộng mở như mọi khi. Nhưng hôm nay vắng quá. Ngôi trường ngóng mãi nhưng chẳng thấy một gương mặt học trò. Ông hiệu trưởng già đi vào, dắt xe máy qua sân trường. Ông bỏ mũ ra. Vẫn cái khẩu trang xanh biếc nhưng hình như tóc ông trắng thêm mấy phần.

Ông bước vào văn phòng. Các thầy cô giáo cũng lần lượt có mặt đông đủ. Buổi họp hội đồng sư phạm hôm ấy chính thức thông báo về việc học sinh được nghỉ học dài ngày vì dịch cúm. Các thầy cô giáo lên kế hoạch ôn tập cho học trò bằng mọi hình thức liên hệ trực tuyến.

Khoảng 8 giờ sáng hôm ấy, một đoàn cán bộ của trạm y tế sang làm việc. Xong xuôi, hai cán bộ y tế, một bác bảo vệ, các thầy cô chủ nhiệm pha thuốc cloraminB với nước phun khắp khuôn viên.

Mùi thuốc hắc xì, khó chịu. Ngôi trường nhăn nhó chịu đựng, nhưng nó thấy cảm động trước sự đồng lòng của toàn xã hội trong công tác chống dịch.

Thời gian vẫn trôi đi chậm chạp. Mưa phùn vẫn không ngừng rơi trong cái tiết trời giá rét. Ngôi trường ngóng trông từng ngày những gương mặt học trò. Nhưng trong lòng nó bỗng ấm lên một niềm tin.

Ở ngoài kia, bao nhà y học tài năng nhất của nhân loại vẫn chong đèn nghiên cứu vắc-xin ngừa nCoV. Chắc chắn nhân loại sẽ thanh toán và dập được cơn bão dịch nguy hiểm này. Và hình như trên nền trời ban trưa, khí xuân ấm áp đang về. Vài cánh én nhỏ chao liệng trên nền trời tháng Giêng.

Trần Quang Thành (THCS Sơn Lôi - Bình Xuyên, Vĩnh Phúc)

Bộ Y tế: Địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học

Bộ Y tế: Địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học

Bộ Y tế vừa có ý kiến phúc đáp công văn của Bộ GD-ĐT về việc cho ý kiến chuyên môn về các điều kiện, tiêu chí cho học sinh nghỉ học.