Tại hội thảo "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục" diễn ra ngày 8/5, ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie nói rằng những thay đổi trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đã "gần như tước đoạt quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư". Nếu xảy ra tình huống như vậy, ông sẽ phải "bán trường và có mặt ở cầu Thăng Long".
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) phiên bản ngày 12/4/2019, các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục đã gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị về các điều 49, 56 và 100.
Ông Nguyễn Xuân Khang, hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội). |
Các nhà đầu tư cùng thống nhất lên tiếng đề đạt kiến nghị này gồm của Trường THCS và THPT Marie Curie - Hà Nội, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Ba Đình, Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu, Trường THCS và THPT Lômônôxôp, Trường THPT Bình Minh, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường THPT Kinh Đô, Trường THPT Marie Curie - Hải Phòng.
Kiến nghị liên quan tới vấn đề hội đồng trường, quyền sở hữu...
Cụ thể, về Hội đồng trường, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (12/4), Khoản 3 của Điều 56 ghi: “Hội đồng trường của trường tư thục và tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan. Thành viên của hội đồng trường bao gồm: a) Đối với trường tư thục, bao gồm đại diện nhà đầu tư, thành viên trong và ngoài trường do hội nghị nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; b) Đối với trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, bao gồm đại diện nhà đầu tư do các nhà đầu tư bầu, quyết định theo tỷ lệ vốn góp; thành viên trong và ngoài trường;
Thành viên trong trường gồm có các thành viên đương nhiên là bí thư cấp ủy, chủ tịch công đoàn, đại diện ban chấp hành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là người học của trường (nếu có), hiệu trưởng; thành viên bầu là đại diện giáo viên và người lao động do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu;
Thành viên ngoài trường là đại diện nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh do hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường bầu”.
Về điều này, các chủ đầu tư cho rằng một hội đồng như thế không thể đại diện cho quyền sở hữu trường, có quyền quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục thay cho Hội đồng quản trị theo Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành.
Các nhà đầu tư có tên trong bản kiến nghị cho rằng những quy định nói trên trong Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Là cơ sở để các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân bởi quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ.
Nhóm các nhà đầu tư bày tỏ mong muốn những quy định nói trên được kế thừa và bổ sung trong Luật Giáo dục sửa đổi, để bảo vệ quyền điều hành hợp pháp của nhà đầu tư đối với trường tư thục và để giáo dục tư thục phát triển lành mạnh.
Đại diện nhà đầu tư của nhiều trường tư thục đã đồng loạt kiến nghị bảo vệ quyền sở hữu và điều hành của họ - điều có thể bị mất đi theo như nội dung Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản mới nhất. |
Về quyền sở hữu, theo các vị này, là nội dung quan trọng sống còn đối với giáo dục tư thục, bởi chỉ khi nào quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư được luật pháp bảo hộ, thì các nhà đầu tư mới thực sự yên tâm đầu tư vào giáo dục.
Luật Giáo dục hiện hành, Điều 67 về Quyền sở hữu tài sản, rút vốn và chuyển nhượng vốn, quy định: “Tài sản, tài chính của trường dân lập thuộc sở hữu tập thể của cộng đồng dân cư ở cơ sở; tài sản, tài chính của trường tư thục thuộc sở hữu của các thành viên góp vốn. Tài sản, tài chính của trường dân lập, trường tư thục được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật.
Việc rút vốn và chuyển nhượng vốn đối với trường tư thục được thực hiện theo quy định của Chính phủ, bảo đảm sự ổn định và phát triển của nhà trường”.
Theo họ, quy định như trên là rõ ràng, chính xác, phù hợp với cam kết của Nhà nước về việc bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà đầu tư vào giáo dục cũng như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi ở Điều 49 - Nhà Đầu tư lại không có dòng nào đề cập đến “quyền sở hữu” của Nhà đầu tư, trong khi “quyền sở hữu” lại được đưa vào Điều 100.
Theo Dự thảo thì: “Tài sản của trường dân lập, tư thục thuộc sở hữu của pháp nhân nhà trường. Các nhà đầu tư có trách nhiệm chuyển quyền sở hữu phần tài sản góp vốn cho nhà trường theo quy định”.
Vậy nhưng, “pháp nhân nhà trường”, “nhà trường” là ai thì Dự thảo Luật Giáo dục không giải thích, còn các Nhà đầu tư ở Điều 49 không có “quyền sở hữu”. Điều này khiến các trường tư thục, các nhà đầu tư vô cùng lo lắng băn khoăn về những rủi ro đối với khối tài sản, tâm huyết, sức lực, trí tuệ đã đầu tư vào trường tư thục và xây dựng nên những thương hiệu có chỗ đứng trong xã hội.
Qua đó, nhóm kiến nghị Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi điều chỉnh nội dung các Điều 56, Điều 100 trong Dự thảo Luật Giáo dục, phiên bản ngày 12/4 năm.
Cụ thể, giữ nguyên quy định về Hội đồng quản trị trường tư thục trong Điều 53 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho Khoản 3 Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản 12/4/2019. Cùng đó, giữ nguyên nội dung Điều 67 Luật Giáo dục hiện hành, thay cho Điều 100 Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bản ngày 12/4/2019.
Thanh Hùng
Trường tư thục có nhiều học sinh giỏi
Trường THCS - THPT Trần Cao Vân, TP.HCM có 4 học sinh giỏi cấp thành phố, 4 huy chương các loại trong kỳ thi Olympic tháng 4.