- “Tổng số tiền dành cho đổi mới chương trình ước tính khoảng 144 tỷ đồng và chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam” - GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trong buổi thuyết trình về những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông mới sáng 15/9.

Tại buổi toạ đàm do Hội Truyền thông Số tổ chức, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, Việt Nam đã trải qua ba lần cải cách và một lần đổi mới giáo dục. Cả ba lần cải cách giáo dục trước đây đều không có chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, lần đổi mới lần này được coi là lần xây dựng chương trình bài bản nhất.

Chương trình phải là "một cơ thể sống"

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để xây dựng chương trình mới, Bộ GD-ĐT đã trải qua 4 lần đánh giá chương trình hiện hành để tìm ra những ưu, nhược điểm. Trên cơ sở đó, ban soạn thảo mới có thể đề xuất chương trình mới.

{keywords}

GS Nguyễn Minh Thuyết khẳng định chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn. Ảnh: Thuý Nga

 

 “Tuy nhiên, nếu chúng tôi ngồi trong phòng máy lạnh đề xuất thì dù việc đánh giá có xác thực đến đâu, chương trình vẫn xa thực tế. Cho nên cần phải có bước quan trọng tiếp theo là đánh giá về sự tác động” – GS Thuyết nói.

GS Thuyết cho biết, việc đánh giá này dựa trên ý kiến của những người có liên quan, cụ thể là các Sở GD-ĐT, các chuyên gia và nhân dân.

Sau khi có ý kiến đánh giá, ban soạn thảo sẽ soạn một số bài có nội dung và phương pháp mới đem dạy thử ở các trường phổ thông.

Những đánh giá về tác động này sẽ là căn cứ để điều chỉnh lại chương trình.

“Việc đánh giá tác động này là cần thiết. Khi chúng tôi bắt đầu soạn chương trình, có nhiều vị đại biểu đã gửi ý kiến đến đóng góp rằng:

“Các anh phải nhớ chúng ta đang sống trong thời đại CMCN 4.0, chương trình giáo dục của anh phải phù hợp với thời đại”. Một vị đại biểu Quốc hội thì nói: “Việt Nam chưa thực sự hòa vào thế giới phẳng. Do vậy, chương trình lần này cần phải khắc phục được khoảng cách số giữa các vùng miền. Phải làm sao cho miền núi nhanh chóng bắt kịp miền xuôi, nông thôn nhanh chóng đuổi kịp đô thị. Đấy là con đường ngắn nhất, rẻ nhất để nâng cao nhận thức của bà con ở những vùng trũng về thông tin”.

"Tôi cho rằng, chương trình phải là một cơ thể sống và cần cập nhật chứ không thể đông cứng hàng chục năm".

Chi phí cho đổi mới là 144 tỉ đồng

GS Nguyễn Minh Thuyết tiết lộ, tổng số tiền dành cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông ước tính khoảng 144 tỷ đồng và chỉ bằng 180m đường Kim Liên – Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam. Toàn bộ nguồn kinh phí này được vay từ Ngân hàng thế giới (WB), trong một dự án tổng thể về đổi mới giáo dục phổ thông trị giá 80 triệu USD.

“Có ý kiến cho rằng “các ông chỉ nghĩ ra dự án để ăn tiền”, nhưng WB làm rất chặt. Vì thế mới có chuyện những anh em từ miền Nam, Cần Thơ bay ra Hà Nội để làm. Cứ triệu tập là phải ra, có những đợt tuần nào cũng ra họp thì coi như chẳng có đồng nào” – GS Thuyết cho hay.

Phát triển phẩm chất và năng lực học sinh là linh hồn của chương trình

GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, điểm mới đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông lần này là ở mục tiêu. Mục tiêu của chương trình nhằm chuyển từ nền giáo dục nặng về trang bị tri thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học.

“Đó là điều quan trọng nhất và cũng là linh hồn của chương trình này. Có thể nói, chương trình phổ thông hiện hành trả lời cho câu hỏi: Học xong chương trình học sinh biết được gì. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trả lời cho câu hỏi: Học xong chương trình học sinh làm được cái gì”.

Người ta ghét nhau chỉ vì tranh cãi chuyện ăn trứng

Khi được hỏi về vấn đề một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, GS Thuyết cho rằng, ông hoàn toàn ủng hộ: “Nhiều nơi trên thế giới vẫn đang thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa. Chúng ta đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thì cũng nên đổi mới điều này. Nó sẽ tạo điều kiện cho việc huy động trí lực của xã hội trong việc viết SGK. Từ đó, các nhóm tác giả có thể cạnh tranh nhau đẩy chất lượng đi lên”.

GS Thuyết kể, một lần ông tham dự hội thảo có sự tham gia của giáo sư người Mỹ. Khi ông hỏi vị chuyên gia về một cuốn sách khá nổi tiếng thì người này lắc đầu không biết.

“Tôi băn khoăn rằng ông ấy sẽ dạy bằng gì? Câu trả lời khiến tôi bất ngờ, rằng ở Mỹ, giáo viên có quyền dạy sách do chính mình viết. SGK chỉ là tài liệu tham khảo và giáo viên có quyền tổng hợp từ nhiều nguồn. Còn ở Việt Nam ta, ở trên sợ dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cứ phải cầm tay chỉ việc. Tất nhiên một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa nó sẽ có những phức tạp nhưng không vì phức tạp mà không làm”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Còn về những tranh luận gần đây xoay quanh sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, GS Thuyết bày tỏ: "Nhiều khi cuộc đời ta chỉ ghét nhau vì đập đầu to hay đầu nhỏ để ăn quả trứng. Quan điểm của tôi dạy chương trình mới tôn trọng sự khác biệt miễn chương trình ấy không vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật”.

80 triệu USD đổi mới giáo dục phổ thông

Dự án hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông trị giá 80 triệu USD (khoảng 1.800 tỷ đồng - tính theo tỷ giá hiện hành) trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng.Dự án được phê duyệt từ năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8/8/2016 và kết thúc vào năm 2020.

Kinh phí thực hiện dự án như sau: (đơn vị tính: nghìn đồng)

Các thành phần dự án Kinh phí
1.Thành phần Hỗ trợ phát triển chương trình 16,431,850
1.1 Xây dựng chương trình (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học) 6,414,900
1.2 Thực hiện chương trình 10,016,950
Thành phần 2: Hỗ trợ biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo chương trình mới 20,568,150
2.1 Biên soạn một bộ sách giáo khoa (do Bộ GD-ĐT tổ chức thực hiện) 16,068,150
2.2 Cung cấp sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn 4,500,000
Thành phần 3: Hỗ trợ đánh giá và phân tích kết quả học tập để liên tục cải tiến chương trình và sách giáo dục phổ thông 37.545,000
3.1.Xây dựng Trung tâm Quốc gia Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông và Trung tâm Quốc gia Khảo thí ngoại ngữ 18,535,700
3.2 Tăng cường năng lực phát triển chương trình và đánh giá giáo dục học sinh 15,509,300
3.3 Triển khai đánh giá diện rộng quốc gia kết quả học tập của học sinh 3,5000,000
Thành phần 4: Quản lý dự án 2,4550,000
Dự phòng 3,000,000
Nguồn: Ban Quản lý dự án

 

 

Thúy Nga