Học sinh cấp 2, cấp 3 được dùng điện thoại trên lớp
Kể từ ngày 1/11/2020, học sinh cấp 2, cấp 3 được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép, theo Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT.
Trước đó, tại Thông tư 12/2011, về các hành vi học sinh không được làm, học sinh bị cấm sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học.
Tương tự, thay vì cấm giáo viên sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp, giờ đây giáo viên cũng được phép “sử dụng điện thoại di động”.
Không được phê bình học sinh trước lớp, trường
Cũng từ ngày 1/11/2020, giáo viên không còn được phê bình học sinh trước lớp, trước trường khi vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện.
Cụ thể, trước đây, nếu học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, tùy theo mức độ vi phạm, giáo viên có thể nhắc nhở, phê bình hoặc thông báo với gia đình.
Còn giờ đây, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên cũng không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.
Từ ngày 1/11/2020, giáo viên không còn được phê bình học sinh trước lớp, trước trường
Bổ sung trường hợp trẻ mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa
Cũng có hiệu lực từ 1/11/2020, Nghị định 105 quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non đã bổ sung thêm những trường hợp trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn trưa.
Giờ đây, trẻ em độ tuổi mẫu giáo, không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số, sẽ được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng mỗi tháng nếu có cha, mẹ hoặc sống tại địa phương đặc biệt khó khăn, vùng ven biển, hải đảo; không có nguồn nuôi dưỡng; là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo; là con liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, bệnh binh; là trẻ em khuyết tật học hòa nhập.
Thời gian hỗ trợ được tính theo số tháng học thực tế, tối đa 9 tháng trong một năm.
Nhiều giáo viên mầm non được hỗ trợ 800.000 đồng/tháng
Cũng kể từ ngày 1/11/2020, giáo viên mầm non tại các trường dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp sẽ được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng.
Điều kiện để được hỗ trợ bao gồm: có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non; có hợp đồng lao động với người đại diện trường; trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân tại khu công nghiệp.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng
Kể từ ngày 15/11/2020, sinh viên từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của trường, tiền sinh hoạt phí mỗi tháng 3,63 triệu đồng, theo Nghị định 116.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Sinh viên đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ. Trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình đào tạo cũng phải bồi hoàn.
Tăng mức thưởng với học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế
Từ ngày 1/11/2020, mức tiền thưởng đối với học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế sẽ tăng lên, theo Nghị định 110.
Cụ thể, Nghị định quy định học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế các môn học được thưởng theo mức như sau: Huy chương Vàng hoặc giải Nhất: 55 triệu đồng; huy chương Bạc hoặc giải Nhì: 35 triệu đồng; huy chương Đồng hoặc giải Ba: 25 triệu đồng; Khuyến khích: 10 triệu đồng.
Học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic châu Á các môn học, kỳ thi kỹ năng nghề châu Á được thưởng theo mức sau: Huy chương Vàng: 35 triệu đồng; huy chương Bạc: 25 triệu đồng; huy chương Đồng: 10 triệu đồng; Khuyến khích: 8 triệu đồng.
Học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia được thưởng theo mức sau: Giải Nhất: 4 triệu đồng; giải Nhì: 2 triệu đồng; giải Ba: 1 triệu đồng.
Chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm
Có hiệu lực từ ngày 20/11/2020, Thông tư 36 quy định chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính).
Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.
Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.
Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính). Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.
Thúy Nga
Bộ GD-ĐT cho phép học sinh dùng điện thoại di động trong giờ học
Bộ GD-ĐT cho rằng, thay đổi này nhằm phù hợp với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Tuy nhiên, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập và được sự đồng ý của giáo viên.