Jean Piaget (1896-1980), học giả của thế kỷ 20, là người tạo ra các lý thuyết có ảnh hưởng lớn tới các giai đoạn phát triển nhận thức của trẻ em. Ông trở thành một trong những tên tuổi đi đầu trong lĩnh vực lý thuyết nhận thức và tâm lý học phát triển.
Theo Jean Piaget, mục tiêu sau cùng của giáo dục là tạo ra những con người đủ khả năng làm những điều mới mẻ. |
Sinh ra ở Neuchâtel, Thụy Sĩ, Jean Piaget trở thành một chuyên gia nghiên cứu động vật thân mềm ngay từ khi còn ở tuổi niên thiếu. Trong quá trình nghiên cứu sau này về tâm lý trẻ em, ông đã xác định được 4 giai đoạn phát triển nhận thức của trẻ em – quá trình ghi lại hành trình của những đứa trẻ từ nhận thức vật thể cơ bản tới tư duy trừu tượng bậc cao.
Ông nhận được hàng loạt các danh hiệu và qua đời vào năm 1980 ở Geneva, Thụy Sĩ.
Nền tảng và tuổi thơ
Mẹ ông – bà Rebecca Jackson là người có ảnh hưởng đáng kể tới niềm đam mê khoa học của ông thời nhỏ và khuynh hướng thần kinh học của ông sau này. Tuy nhiên, bố ông, một giáo sư văn học Trung Cổ, chính là tấm gương cho ông về niềm đam mê với công việc nghiên cứu.
Năm 10 tuổi, sở thích của ông với động vật thân mềm đã đưa ông tới bảo tàng lịch sử tự nhiên địa phương, nơi ông phải theo dõi các mẫu vật hàng giờ liền.
Năm 11 tuổi, Piaget theo học Trường Phổ thông Neuchâtel Latin. Ông viết một bài báo khoa học ngắn về một loài chim. Bài báo của ông đã được đăng tải rộng khắp. Độc giả không hề biết tuổi của tác giả bài viết và coi ông như một chuyên gia về chủ đề này.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Piaget theo học ngành động vật học tại ĐH Neuchâtel. Ông nhận bằng tiến sĩ về khoa học tự nhiên vào năm 1918. Cùng năm đó, Piaget dành một học kỳ để nghiên cứu tâm lý học dưới sự hướng dẫn của Carl Jung và Paul Eugen ở ĐH Zurich – nơi mà Piaget đã dần quan tâm sâu hơn tới phân tâm học. Trong năm tiếp theo, ông nghiên cứu tâm lý học bất thường ở ĐH Sorbonne, Paris.
Năm 1920, hợp tác với Théodore Simon ở Thư viện Alfred Binet (Paris), Piaget đánh giá kết quả bài kiểm tra lý thuyết chuẩn mà Simon đã thiết kế. Bài kiểm tra này nhằm đo lường trí thông minh của trẻ và thu nhập các mối liên hệ giữa độ tuổi của trẻ với bản chất các lỗi sai của đứa trẻ đó. Với Piaget, kết quả này đặt ra những câu hỏi mới về cách mà trẻ học tập.
Cuối cùng Piaget quyết định rằng bài kiểm tra quá cứng nhắc. Trong một phiên bản đã chỉnh sửa, ông cho phép trẻ giải thích tính logic của những câu trả lời “không đúng”. Khi đọc giải thích của bọn trẻ, ông nhận ra rằng lập luận của trẻ không phải là không có lý. Ở những vấn đề mà trẻ thiếu trải nghiệm cuộc sống thì chúng đã sử dụng trí tưởng tượng của mình để bù đắp. Từ đó, ông kết luận rằng kiến thức thực tế không nên được đánh đồng với trí thông minh hay sự hiểu biết.
Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu dài 6 thập kỷ của ông về tâm lý trẻ em, Piaget cũng xác định 4 giai đoạn phát triển nhận thức.
Giai đoạn đầu tiên được gọi là “giai đoạn cảm giác vận động” – liên quan đến việc học tập thông qua các hành động vận động và diễn ra khi trẻ từ 0-2 tuổi.
Trong suốt “giai đoạn tiền thao tác cụ thể” - trẻ từ 3-7 tuổi phát triển trí thông minh thông qua việc sử dụng ngôn ngữ biểu tượng, chơi bằng trí tưởng tượng và trực giác tự nhiên.
Ở “giai đoạn thao tác cụ thể” - trẻ từ 8-11 tuổi phát triển nhận thức thông qua việc sử dụng logic dựa trên các bằng chứng cụ thể.
“Giai đoạn thao tác hình thức” là giai đoạn thứ tư và cũng là cuối cùng – liên quan đến việc trẻ 12-15 tuổi hình thành khả năng suy nghĩ trừu tượng với những hiểu biết về logic, nguyên nhân và hậu quả phức tạp hơn.
Piaget không đồng ý với ý tưởng cho rằng trí thông minh là một đặc tính cố định |
Ông không đồng ý với ý tưởng cho rằng trí thông minh là một đặc tính cố định. Ông coi sự phát triển nhận thức là một quá trình xảy ra do sự trưởng thành về mặt sinh học và sự tương tác với môi trường.
Piaget làm việc ở Viện Binet vào những năm 1920, nơi mà công việc của ông là phát triển các bản câu hỏi tiếng Pháp của các bài kiểm tra trí thông minh bằng tiếng Anh. Ông bị mê hoặc bởi những lý do mà bọn trẻ đưa ra cho những câu trả lời sai về tư duy logic. Ông tin rằng những câu trả lời sai này tiết lộ sự khác biệt rất quan trọng giữa suy nghĩ của người trưởng thành và trẻ em.
Điều mà Piaget muốn làm là không đo lường khả năng đếm, đánh vần hay giải quyết vấn đề của trẻ để chấm điểm IQ.
Cái chết và di sản
Jean Piaget qua đời không rõ nguyên nhân vào ngày 16/9/1980 tại Geneva, Thụy Sĩ ở tuổi 84.
Ông là nhà tâm lý học đầu tiên thực hiện nghiên cứu có hệ thống về phát triển nhận thức. Những đóng góp của ông gồm có: lý thuyết về các giai đoạn phát triển nhận thức ở trẻ, các nghiên cứu quan sát chi tiết về nhận thức ở trẻ em, và một loạt bài kiểm tra đơn giản nhưng khéo léo để những khả năng nhận thức khác nhau được hé lộ.
Trước khi có những nghiên cứu của Piaget, người ta vẫn đưa ra một giả thuyết phổ biến trong tâm lý học là, trẻ em chỉ là những người có tư duy kém hơn người lớn. Piaget đã cho thấy trẻ em nghĩ theo những cách khác biệt so với người lớn.
Tuy nhiên, những ý tưởng của ông không phải là không có những tranh cãi. Một số học giả cho rằng nghiên cứu của ông không tính đến sự khác biệt về địa lý/ văn hóa xã hội giữa mỗi đứa trẻ. Ngoài ra một số người trưởng thành trong các nghiên cứu này không đạt đến giai đoạn thứ tư trong bảng các giai đoạn phát triển của ông.
Piaget nhận được nhiều tấm bằng danh dự và bằng khen, trong đó có giải thưởng Erasmus danh giá (1972) và Balzan (1978). Ông cũng là tác giả của hơn 50 cuốn sách và hàng trăm bài viết.
Nguyễn Thảo (dịch)
Người thầy thành lập ngôi trường đầu tiên trong lịch sử nhân loại
Ông cũng là người viết những tác phẩm triết học có ảnh hưởng lớn tới hệ tư tưởng phương Tây.
Cuộc đời và cái chết của triết gia "khôn ngoan nhất" thành Athens
Socrates (470-399 TCN) là một triết gia thời Hy Lạp cổ đại và là người khởi nguồn chính cho tư tưởng phương Tây. Thông tin về cuộc đời ông ít được biết đến ngoài những ghi chép của chính những học trò, trong đó có triết gia vĩ đại Plato.
Aristotle, trụ cột của văn minh Hy Lạp cần phải biết
Cùng với hai tiền bối là Socrates và Plato, nhà triết học Aristotle là một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lạp cổ đại, là những người đặt nền móng cho triết học phương Tây.
Nhà giáo dục khai sinh ra trường mầm non
Là một triết gia về giáo dục, Friedrich Froebel nổi tiếng nhất với việc khai sinh ra khái niệm “trường mầm non”.