Sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Yang Hăn, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông, Đắk Lắk).
Thanh tra huyện Krông Bông đã vào cuộc thanh tra và chuyển hồ sơ sang Công an huyện để điều tra, làm rõ.
Theo Nghị định 116 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ, học sinh bán trú học tại các trường phổ thông dân tộc, có bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, THCS thuộc xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, sẽ được Chính phủ hỗ trợ tiền mặt, gạo.
Mức hỗ trợ tương đương bằng 1/2 tháng lương cơ bản, cho 9 tháng trong năm học.
Trường Tiểu học Yang Hăn nơi xảy ra sự việc ăn chặn tiền của học sinh |
Anh L.V.X (dân tộc Mông, trú xã Cư Đrăm) có 2 con theo học tại Trường Tiểu học Yang Hăn.
Theo Nghị định 116, 2 con của anh sẽ được nhận số tiền hỗ trợ hơn 10 triệu đồng cho năm học 2016-2017.
Tuy nhiên, anh X. cho biết, trong năm học, 2 con của anh chỉ được nhận 4,4 triệu đồng. Số tiền chưa được một nửa theo quy định.
“Khi nhận tiền, cô giáo chỉ cho chỗ ký, còn số tiền thực nhận bao nhiêu thì mình không biết” - anh X. cho hay.
Ông N.S.M, cán bộ Trường Tiểu học Yang Hăn cho biết, năm học 2016-2017, trường có 93 học sinh thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Tổng số tiền là hơn 506 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi nhận tiền từ kho bạc về để phát cho học sinh, bà Vũ Thị Sơn (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn) chỉ chi trả 371 triệu đồng. Số còn lại bà Sơn đã tự ý chia cho các cán bộ, giáo viên trong trường.
Ông M. cho biết, bản thân được chia 3 triệu đồng, nhưng từ chối không nhận vì không thuộc đối tượng thụ hưởng.
“Tiền này là tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo khó khăn ăn bán trú. Làm sao mình bớt được của học sinh, bớt là vi phạm dù bất kỳ lý do gì” - ông M. chia sẻ.
Học sinh khó khăn tại Trường Tiểu học Yang Hăn bị ăn chặn tiền hỗ trợ |
Ông N.K.S, cán bộ Trường Tiểu học Yang Hăn xác nhận, cũng được chia 3,5 triệu đồng.
“Trong cuộc họp hội đồng, cô Sơn đề xuất, hiệu trưởng chia 4 triệu, hiệu phó 3,5 triệu, giáo viên chuyên 2,5 triệu, giáo viên thường thì 2 triệu. Các giáo viên cứ theo danh sách lập lên rồi nhận tiền” - ông S. chia sẻ.
Theo ông S., số tiền trên bà Sơn giải thích là do phụ huynh trích lại. Bản thân ông và các giáo viên không được biết và không rõ.
Ông S. cho biết, xã Cư Đrăm là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%.
Thấy việc nhận khoản tiền trên là trái quy định, ông S. nhiều lần đề xuất trả lại tiền nhưng bà Sơn không đồng ý.
Theo tìm hiểu, có 40 cán bộ, giáo viên được nhận tiền từ quyết định của bà Sơn. Tuy nhiên, có 3 giáo viên và một kế toán không chịu nhận số tiền này.
2 trong số 3 giáo viên không nhận tiền sau đó bị luân chuyển vào điểm trường ở xa, đi lại khó khăn. Kế toán thì không được xét thi đua năm học 2016-2017.
Trao đổi với ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông, ông cho biết sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Yang Hăn hơn 1 năm nay.
Khi có thông tin về sự việc, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo Thanh tra huyện đã vào cuộc thanh tra. Thanh tra huyện sau đó chuyển hồ sơ sang Công an huyện để điều tra, làm rõ.
“Do chưa có kết luận điều tra của công an nên chúng tôi chưa có căn cứ để xử lý” - ông Quý cho biết.
Theo tìm hiểu, trước khi làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn, bà Vũ Thị Sơn công tác tại Trường Tiểu học Cư Đrăm.
Tại trường này, bà Sơn từng lập khống hồ sơ thanh quyết toán sửa chữa khu vệ sinh, nhưng chỉ bị phê bình.
Khi luân chuyển đến Trường Tiểu học Yang Hăn, bà Sơn bị tố ăn chặn tiền hỗ trợ học sinh vùng khó khăn, chia cho cán bộ giáo viên.
Ngôi trường có hiệu trưởng bị tố dâm ô nhiều nam sinh giờ ra sao?
Sau hơn một tuần xảy ra vụ việc, mọi hoạt động của học sinh trong Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Thanh Sơn - ngôi trường có hiệu trưởng bị tố dâm ô nhiều nam sinh - đã quay trở lại nề nếp cũ.
Trùng Dương