Tập 2 của "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" tìm hiểu lớp học của cô giáo Hà Thu Hiền – một giáo viên dạy Toán ở Hà Nội.
Một trong những vấn đề lớn nhất của cô Hiền là áp lực do khối lượng chương trình cho mỗi tiết học, áp lực thành tích từ nhà trường, phụ huynh, khiến cô cảm thấy rất “khó để đổi mới”.
Cố vấn người Hàn Quốc – giáo sư Pech Cho, sau khi nghe những chia sẻ của cô ở đầu chương trình, dù chưa qua phiên dịch, ông đã nhận xét: “Tôi nhận thấy sự nhiệt huyết cũng như sự bức bối của cô khi bị bó buộc bởi hệ thống giáo dục”.
Trong lớp học, cô Hiền là một cô giáo rất tận tụy và quan tâm nhiều tới những học sinh yếu hơn. Cô có thói quen đi từng bàn kiểm tra vở của các em. Nhưng những lời khen ngợi, khuyến khích trong lớp học của cô rất hiếm hoi. Cô chỉ ra những lỗi sai của các em từ cách làm bài, chữ viết, giữ gìn sách vở... một cách khá nghiêm khắc và căng thẳng. Những lúc ấy, học sinh thậm chí không dám nhìn thẳng vào cô.
Cô Hiền thừa nhận điều này khi xem lại những hình ảnh trong lớp học của mình. Trong khi bản thân cô cho rằng việc cô đi lại kiểm tra bài của học sinh trong lớp là bình thường, không thấy học sinh phản ứng gì, thì chính các em lại chia sẻ rằng, mỗi lần cô kiểm tra bài, các em thấy sợ thót tim, hồi hộp, bối rối, “cạn lời”...
GS.TS Trần Thị Lệ Thu (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chỉ ra lỗi sai cơ bản của cô giáo Hiền, đó là: cô đã công chúng hóa lỗi của các em, giọng cô bắt đầu lên cao khi các em mắc lỗi, cô so sánh các em với nhau, thiếu sự tương tác với các em khi tự hỏi tự trả lời.
Giải thích cho vấn đề của mình, cô Hiền thừa nhận bản thân thiếu sự hài hước trong lớp học, ít khi cười và trở ngại lớn nhất vẫn là nỗi lo cháy giáo án. Đặc biệt, khi cô được giao dạy lớp chọn, áp lực từ phía nhà trường và phụ huynh rất lớn. Điều đó khiến cô phải gấp gáp, căng thẳng, không có thời gian giúp các em thư giãn và cảm thấy thoải mái.
Nhiệm vụ mà ban cố vấn đặt ra cho cô là tổ chức hoạt động khởi động mỗi tiết học, cười nhiều hơn và khen học sinh mỗi giờ giảng.
Dù đã cố gắng thay đổi nhưng thời gian đầu, hiệu quả thu được dường như chưa tốt khi học sinh vẫn còn tỏ ra chán nản, mệt mỏi.
Sau khi dự giờ lớp học của thầy giáo Hoàng Anh, cô Hiền đã có những trao đổi rất kỹ về nghiệp vụ với thầy. Điều thành công nhất trong giờ giảng của thầy Hoàng Anh là không khí thoải mái, sôi nổi, tương tác tốt giữa thầy và trò. Và điều mà cô Hiền muốn học tập ở thầy ở nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt thầy.
Ở khóa tập huấn dành cho các thầy cô, GS.TS Trần Thị Lệ Thu nhận xét, cô Hiền là giáo viên có một nguồn năng lượng tuyệt vời. “Cô là một người rất nhẹ nhàng, tình cảm, và mỗi khi khám phá ra một giá trị nào đó ở bản thân, cô có thể vỡ òa cảm xúc. Trong suốt khóa học, cô đã khám phá ra những giá trị và kỹ năng mà đôi khi vì áp lực công việc cô quên rằng nó sẵn có trong mình”.
Trở về từ khóa học, cô Hiền tràn đầy quyết tâm và sức mạnh để áp dụng những gì mình đã được chia sẻ vào lớp học của mình.
Sau nhiều tháng kiên trì thay đổi và tìm ra giải pháp cho vấn đề ở lớp học của mình, cô Hiền dần thay đổi được không khí lớp học. Học sinh của cô sôi nổi hơn, cô hay cười hơn, khích lệ các em nhiều hơn và sự tương tác giữa thầy và trò cũng tốt hơn. Nỗi lo cháy giáo án đã được cô tháo gỡ bằng cách cho học sinh chuẩn bị bài trước ở nhà, lên lớp cô sẽ giảng những phần cơ bản nhất.
Điều quan trọng nhất sau sự thay đổi của cô Hiền là học sinh của cô đã nói: nhờ cô thay đổi mà chúng em hiểu bài hơn. Theo giáo sư Pech Cho, đó là sự thay đổi quan trọng nhất.
Nguyễn Thảo