- Chất liệu chính của một triết lý giáo dục là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước. Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường.

Diễn đàn: Vì Việt Nam hùng cường

Diễn đàn: Vì Việt Nam hùng cường

Hãy cùng tham gia Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” của chúng tôi bằng những bài viết, những góp ý trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai đất nước.

{keywords}
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Minh Thăng

Hàng chục khẩu hiệu, sao chưa thấy triết lý?

Có lẽ không quá khó để tìm một câu khẩu hiệu trong các trường học hiện nay, nhưng từ "ngôi trường là nhà, cô giáo là mẹ, các cháu là con" ở cấp học mầm non đến "học để biết, học để làm, học để khẳng định mình, học để cùng chung sống" ở các cấp học còn lại. Trong hàng chục khẩu hiệu được quy định tại Công văn 282 của Bộ GD-ĐT, có khẩu hiệu nào đủ cô đọng và khái quát ở tầm tư tưởng để trở thành triết lý giáo dục của Việt Nam?

Triết lý giáo dục vốn được xem là kim chỉ nam trong toàn bộ hoạt động giáo dục được xây dựng trên 4 trụ cột chính là đối tượng, mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục.

Nếu như Phần Lan với triết lý phải có niềm tin vào con người, Singapore với nền tảng trường học tư duy, quốc gia học tập thì giáo dục Nhật Bản vận hành theo triết lý mỗi người học sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức.

Trên nền tảng đó, những cơ chế, chính sách được ban hành nhằm thỏa mãn các điều kiện của 4 trụ cột, nhờ đó mà nền giáo dục của các quốc gia trên đạt trình độ phát triển được cả thế giới thừa nhận.

Từ triết lý giáo dục của các nước, không ít lần các học giả, nhà nghiên cứu đặt câu hỏi: Vậy triết lý giáo dục của Việt Nam là gì, liệu từ mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục được chế định trong dự luật lần này soi rọi được gì để có thể khái quát thành triết lý giáo dục của Việt Nam.

"20 năm dường như không thay đổi nhiều"

So sánh mục tiêu nội dung và phương pháp giáo dục của dự thảo lần này với Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua cách đây 20 năm, dường như không thay đổi gì nhiều.

Đành rằng những giá trị được xem là phổ quát phải được gìn giữ nhưng trong từng thời kỳ phát triển khác nhau, yêu cầu khác nhau đòi hỏi những trụ cột của triết lý phải được vận hành theo hướng đổi mới để thích ứng với thời cuộc, vì đầu ra của giáo dục chính là những con người quyết định cho sự hưng thịnh hay tồn vong của một quốc gia, dân tộc.

Nội dung, phương pháp giáo dục từ nhiều năm qua vấp phải không ít những phản ứng của xã hội, nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng thừa nhận phương thức giáo dục của chúng ta hiện nay như 50-60 năm qua, tức là tiền bối dạy sao ta dạy lại thế hệ sau như thế.

Từ nhận định trên, có thể thấy cỗ máy giáo dục của những tư duy về nội dung và phương pháp giáo dục vẫn chưa có nhiều thay đổi để thích ứng với gia tốc ngày càng nhanh của xã hội. Do đó, sự bất tương xứng giữa yêu cầu đòi hỏi của xã hội và năng lực quản lý nhà nước về giáo dục là một điều tất yếu.

Rõ ràng tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại của nội dung giáo dục và tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của người học trong phương pháp giáo dục vẫn chưa đạt được, mặc dù đã được đặt ra suốt 20 năm qua nhằm xây dựng những giá trị, phẩm hạnh cần có của người học nói riêng và hướng tới hình mẫu công dân của quốc gia nói chung.

Phải chăng, sự kiên trì đeo đuổi phương pháp giáo dục 20 năm qua vẫn chưa thể phát huy được các đức tính cần có của người học?

Không hiếm trường hợp sinh viên ra trường không viết nổi một văn bản hay nhiều doanh nghiệp than phiền khi phải đào tạo bổ sung nếu tuyển dụng sinh viên vào đơn vị.

Việc chưa dành nhiều thời gian để đào tạo kỹ năng mềm từ nhà trường và tính chưa tự giác của người học đã cho ra đời những sản phẩm giáo dục khó đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng và xã hội.

Việc cắp sách đến trường chỉ mới dừng lại ở nghĩa vụ mà chưa phải là một niềm vui, niềm khao khát được hướng dẫn để tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại.

Sứ mệnh của giáo dục với mục tiêu hội nhập quốc tế sẽ được thực hiện như thế nào khi điểm trung bình môn tiếng Anh 3 năm vừa qua của kỳ thi THPT quốc gia không vượt qua nổi con số 5?

Nhìn các bạn trẻ sinh năm 2000 khi đất nước đã đi được một chặng đường hội nhập khá dài, phải vất vả bập bẹ tiếng Anh mới có thể giới thiệu được tên, tuổi và dự định tương lai trong một số video clip mới thấy mục tiêu hội nhập quốc tế của giáo dục còn nhiều chông gai. Sẽ còn chông gai hơn nếu không chế định tiếng Anh là công cụ bắt buộc trong hệ thống giáo dục như Singapore hay Philippines từng làm.

Phá vỡ tư duy, thói quen cũ kỹ

Bốn trụ cột để hình thành triết lý giáo dục trong dự luật đã rõ ràng, có nhiều điểm hay; nhưng các điều khoản sau đó không xoay quanh 4 trụ cột này mà hầu như chỉ tập trung giải quyết các sự vụ, sự việc.

Đây có phải là nguyên nhân tuy đã minh định mục tiêu, phương pháp, nội dung giáo dục từ rất lâu nhưng quốc gia vẫn chưa có được một nền giáo dục như mong muốn của xã hội?

Lẽ ra, trong bối cảnh mới, với sự thay đổi chóng mặt của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thì một trong những phương pháp giáo dục phải là khai phóng, hướng đến từng người học giúp các em chủ động trong nhận thức, độc lập trong tư duy sáng tạo để có thể tự kết nối, tự kiểm soát và thích ứng với những thay đổi khó đoán định của thế giới hiện nay.

Để vượt lên trên, sứ mệnh của giáo dục chỉ có thể là mạnh dạn phá bỏ những tư duy, thói quen cũ kỹ, ăn sâu vào tiềm thức trong dạy và học.

Đời người chỉ có một quãng thời gian ngắn ngủi ngồi trên ghế nhà trường. Do đó, những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ.

Hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc

Các trụ cột được diễn giải và đổi mới thế nào cũng không vượt qua khỏi hai phạm trù cơ bản là đạo đức và tri thức. Đó cũng là sứ mệnh, hồn cốt triết lý của giáo dục.

Nói cách khác, chất liệu chính của một triết lý giáo dục chỉ có thể là sự hướng thiện con người đi cùng với suy tư, trăn trở về trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh thịnh, suy của đất nước.

Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu một ngọn hải đăng dẫn đường. Thiếu triết lý, giáo dục cũng đồng thời làm đất nước thiếu đi một bộ phận cấu thành triết lý phát triển vì tất cả khởi thủy từ giáo dục.

Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện thì cần thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn tư duy, nhu cầu và điều kiện của cuộc cách mạng lần này.

Xã hội chờ đợi đủ lâu cho một triết lý giáo dục đúng tầm, đúc kết từ văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc và hơi thở của thời đại để định hướng cho 4 trụ cột bằng những cam kết, chính sách nhất quán trong toàn bộ hệ thống pháp luật, đảm bảo vận hành đúng tinh thần triết lý ấy, dù ngắn gọn hay là gì đi nữa nhưng tựu chung lại là làm cho sự học của mỗi người, cốt để hướng thiện, học để thành nhân và kiến quốc.

Đại biểu Quốc hội Phan Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) - Phát biểu góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi tại Quốc hội ngày 15/11

 

Cần phát triển tư duy độc lập...

 

Tôi thiết nghĩ cần quan tâm hơn nữa tới việc bồi dưỡng và phát triển tư duy độc lập đối với người học. Đây là phẩm chất quyết định sự phát triển, năng lực sáng tạo và đổi mới của nguồn lao động trong tương lai. Tư duy độc lập được xem là gốc của tri thức con người và phát triển xã hội.

 Đại biểu Hồ Thanh Bình (tỉnh An Giang)

 

Đang nghiên cứu cẩn thận...

Chúng tôi đã chỉ đạo một nhóm nghiên cứu ở đề tài cấp quốc gia và nghiên cứu thật sự cẩn thận để tạo sự thống nhất cao về triết lý giáo dục trong mục tiêu và nguyên lý giáo dục để có định hướng trong chỉ đạo các hoạt động của giáo dục tới đây

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ

 

Thu Hằng (Ghi)

"Đừng bắt triết lý giáo dục phải ôm tất cả"

"Đừng bắt triết lý giáo dục phải ôm tất cả"

Các số liệu cho thấy không phải cứ cần cù là sẽ phát triển. Muốn phát triển thì điều quan trọng là phải có tư duy sáng tạo. Mà muốn sáng tạo thì phải có bản lĩnh thoát ra khỏi mọi khuôn mẫu.

Nho giáo và triết lý giáo dục

Nho giáo và triết lý giáo dục

...Tất cả như quyện lại với nhau, như cùng có một nguyên nhân sâu xa nào đó liên quan đến triết lý giáo dục, mà cũng hình như liên quan đến  chuyện “tiên học lễ...” trong nhà trường mà chúng ta đang tranh luận.