- Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa hoàn thành đợt thực nghiệm các chương trình môn học kéo dài trong 1 tháng.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, việc này nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình các môn học đến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.

Ban soạn thảo chương trình đã phối hợp với các sở GD-ĐT chọn 48 trường tại 6 tỉnh, thành phố có tính chất đại diện cho các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, gồm Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. 

{keywords}
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.

Việc thực nghiệm chương trình được thực hiện dưới 3 hình thức: Ban soạn thảo trực tiếp khảo sát điều kiện dạy học ở các trường, lấy phiếu trưng cầu ý kiến giáo viên về chương trình các môn học và tổ chức dạy thử một số bài học.

“Bài học thực nghiệm có thể là bài học có nội dung mới, bài học đã có trong SGK hiện hành nhưng được dạy theo phương pháp mới và áp dụng phương pháp đánh giá mới”, GS Thuyết nói.

Sau khi tổ chức tập huấn về chương trình từng môn học, giáo viên được chỉ định bài dạy kèm theo tài liệu hướng dẫn dạy học, sau đó sẽ tự xây dựng bài dạy. GS Thuyết chia sẻ, qua thực nghiệm, cả những giờ dạy thành công cũng như những giờ học chưa thành công đều giúp Ban soạn thảo rút ra được những điều bổ ích trong việc điều chỉnh chương trình và tập huấn, bồi dưỡng giáo viên.  

GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán cho hay, do là lần đầu tiên ở nước ta thực hiện việc thực nghiệm chương trình theo định hướng phát triển năng lực người học nên không ít giáo viên còn bỡ ngỡ.

{keywords}
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán

“Trong quá trình thực nghiệm, chúng tôi đã chọn ra những bài có nội dung mới để xem giáo viên, học sinh tiếp nhận thế nào. Bên cạnh đó có những bài học có trong SGK hiện hành nhưng được hướng dẫn dạy theo phương pháp dạy học mới. Những bài học này giúp chúng ta lượng định được sức ì của lối dạy cũ. Lượng định để có biện pháp khắc phục. Bởi trên có chuyển động mà ở dưới không chuyển thì cũng không thể làm được”.

GS Thái cho rằng, một trong những điều giáo viên bỡ ngỡ là quan điểm tích hợp trong dạy học. “Tôi đến một trường THCS vào đúng ngày giáo viên dạy bài về tứ giác. Tôi đề nghị giáo viên dạy bài tập về tứ giác Long Xuyên trong SGK. Đến lúc họp góp ý kinh nghiệm, cô giáo nói với tôi là cố chưa có điều kiện vào Nam, cho nên không hề biết tứ giác Long Xuyên, cô không hiểu tại sao cô phải dạy về vùng đó. Qua trường hợp này, có thể thấy không chỉ ý thức tích hợp mà ý thức vận dụng lý thuyết vào thực tiễn ở giáo viên ta cũng chưa cao”, GS Thái nêu thực trạng. GS Thái cho rằng, dạy Toán không chỉ là dạy phép toán mà còn là dạy những cái bên ngoài Toán học, cần đến sự lý giải của Toán học.

“Các giáo viên cần nhận thức đổi mới chương trình là công việc của bản thân mỗi người chứ không phải chỉ là một quyết định đóng dấu đỏ trên tờ giấy A4. Phải làm sao để đổi mới trở thành nhu cầu tự thân của giáo viên. Do đó, phải tập huấn để mỗi giáo viên hiểu rõ con đường đang đi. Khi hiểu, giáo viên tự khắc sẽ vận động những trải nghiệm, kinh nghiệm, trình độ để giải quyết bài toán”.

GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình Lịch sử cho rằng điểm khác hẳn so với trước đây là tổ chức giờ dạy. “Trước đây, bài nào quy định 2 tiết mà trong vòng 2 tiết chưa dạy xong thì bị coi là “cháy giáo án”. Bây giờ dạy chương trình mới, điều quan trọng nhất là bài học phải giúp học sinh đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất và năng lực, còn việc thực hiện bài đó trong thời gian bao lâu thì hoàn toàn để giáo viên được chủ động sắp xếp”.

{keywords}
GS Phạm Hồng Tung, Chủ biên chương trình Lịch sử.

Ông Tung đánh giá đợt thực nghiệm rất thành công và có những điều nằm ngoài mong đợi. “Ban đầu, chúng tôi nghĩ rằng những trường có điều kiện dạy học tốt ở những địa bàn phát triển thì các bài dạy sẽ thành công, còn vùng sâu vùng xa thì khó. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Như Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), không phải là trường có điều kiện tốt, thậm chí là trường top dưới của TP, nhưng giáo viên và đặc biệt là học sinh tương tác rất tốt. Với kết quả thực nghiệm, tôi tin chúng tôi đang đi đúng hướng và chương trình khi áp dụng sẽ khả thi và mang lại đổi mới thực sự cho giáo dục lịch sử”.

GS Tung kể, qua chia sẻ với học sinh trước khi bắt đầu giờ thực nghiệm, một số học sinh thẳng thắn bày tỏ không thích học môn Lịch sử. “Có em đặt câu hỏi tại sao phải học những chuyện đã xảy ra tử mấy trăm năm trước. Em thì nói đơn giản là sợ phải học thuộc. Các em nói nếu không phải học thuộc và nếu hiểu việc học Lịch sử cho biết em có thể làm gì trong cuộc sống hôm nay thì sẽ đón nhận môn học này”.

Ông Tung cho rằng giáo viên đóng vai trò rất then chốt trong triển khai chương trình mới. “Ở đâu giáo viên hiểu đúng chương trình thì vận dụng rất thành công. Nhưng hiểu sai thì càng nhiệt tình lại càng sai”.

Do đó, việc tập huấn giáo viên, rất quan trọng. “Nếu tập huấn hời hợt thì chính chúng ta tạo ra sức ì.”   

Ông Tung cũng chia sẻ tâm tư của một số giáo viên: “Anh chị em nói dạy Lịch sử theo chương trình này thì thích, nhưng nếu khi thi vẫn chỉ hỏi chiến dịch này chiến dịch nọ bắt đầu ngày nào, kết thúc ngày nào, chết bao nhiêu địch thì việc dạy theo hướng mới khó thành công”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên chia sẻ: “Đúng là giáo viên có những tâm tư lo lắng nhưng khi được giải thích một cách khoa học, ngọn ngành thì anh em rất phấn khởi”.

Nhưng để đảm bảo điều đó, chương trình phải được thiết kế làm sao để giáo viên có thể thực hiện được. “Cần đảm bảo tất cả giáo viên hiện nay dù năng lực thế nào cũng có thể đồng hành trong quá trình đổi mới, chứ không để ai rớt lại đằng sau. Nhưng muốn được vậy thì giáo viên phải được tập huấn chu đáo, phải nắm được phương pháp dạy học mới”.

{keywords}
PGS.TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình môn Khoa học

Ông Tuấn cho rằng, chương trình có soạn tốt là mấy cũng chỉ như bản thiết kế của một ngôi nhà, chất lượng xây dựng thế nào phụ thuộc vào người thợ, ở đây là các giáo viên.  Ông Tuấn đánh giá tình hình chung là khả quan, khi nhận thấy nhiều giáo viên từ chỗ bỡ ngỡ ban đầu, sau khi được hướng dẫn đã làm chủ được phương pháp dạy học mới, tạo ra không khí hoạt động tích cực trong lớp học.

“Cách dạy học tích hợp không phải là giáo viên này dạy một phần, giáo viên kia dạy một phần, cái nào cũng mờ mờ, mà sẽ là từ kiến thức này để học kiến thức kia. Như kiến thức Hóa học được vận dụng trong Sinh học. Như vậy, có những bài giáo viên dạy chính Vật lý sẽ thuận lợi hơn, có bài thì giáo viên Hóa học thuận lợi hơn,… Nhưng không có chuyện một bài mà 3 giáo viên cùng lên lớp”, ông Tuấn nói.

“Khó khăn mà hầu hết giáo viên phản ánh là về các thiết bị dạy học, nhưng cái khó nhất theo tôi chính là năng lực đổi mới phương pháp dạy học. Tôi dự giờ của một thầy giáo, thầy phát vấn học sinh rất nhiều và quan niệm rằng cho trả lời nhiều tức là các em hoạt động. Nhưng không phải vậy, mà phải tổ chức sao cho từ hoạt động của bản thân và nhóm các em khám phá và vận dụng được kiến thức. Rồi có cô giáo không biết cách tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh. Nhưng chỉ mất ít giờ chỉ dẫn thì các thầy cô đã dạy một giờ học rất ưng ý”.

{keywords}
PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn.

PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn đánh giá việc chuyển từ phương pháp dạy học nội dung sang năng lực cực kỳ khó khăn đối với các giáo viên Ngữ văn. “Giáo viên trước nay quen thuyết trình cách hiểu, cách cảm của mình về một bài văn, bây giờ phải tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm ra là cực kỳ khó. Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận những lúng túng, chệch choạc ban đầu. Được tập huấn tốt, chắc chắn giáo viên dần dần sẽ thực hiện chương trình tốt hơn”.

{keywords}
TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên Tiểu ban soạn thảo Chương trình môn Giáo dục công dân

TS Nguyễn Thị Thu Hoài, thành viên Tiểu ban soạn thảo Chương trình môn Giáo dục công dân cho rằng việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. “Nếu giáo viên hiểu đúng, hiểu rõ những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học trong chương trình lần này thì sẽ thực hiện được và ngược lại nếu không hiểu đúng và không chịu đầu tư, tự đổi mới mình thì sẽ khó thành công. Đối với môn Giáo dục công dân, qua quá trình tập huấn ở 6 tỉnh/thành, đại đa phần giáo viên và học sinh tỏ ra rất tự tin khi triển khai áp dụng nội dung chương trình mới. Các nội dung chương trình đưa vào thực nghiệm được giáo viên nhận xét, phản hồi là gắn với thực tiễn và dễ triển khai trong các nhà trường”.

Còn TS Bùi Phương Nga, Chủ biên Chương trình môn Khoa học chia sẻ: “Ban soạn thảo chúng tôi không muốn ăn bánh vẽ nên phải tổ chức thực nghiệm bảo đảm khách quan nhất có thể. Yêu cầu thực nghiệm của chúng tôi là giáo viên được tập huấn rồi tự soạn bài và triển khai kế hoạch thực nghiệm. Qua thực nghiệm, điều làm chúng tôi yên tâm là ngay cả những trường ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn cũng thực hiện bài thực nghiệm đạt yêu cầu”.

{keywords}
TS Bùi Phương Nga, Chủ biên Chương trình môn Khoa học.

Bàn về những việc cần làm để tạo động lực đổi mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần cải thiện điều kiện làm việc cho giáo viên. “Trong khi chưa tăng lương được cho giáo viên thì đừng bắt anh chị em phải dạy những lớp nhồi nhét đến 60 học sinh. Một lớp quá đông thì rất khó có thể đạt được hiệu quả mong muốn và phải nói thật là rất vất vả cho giáo viên. Vì nhiệm vụ, người ta có thể chịu “kiễng chân” cả tuần, cả tháng, nhưng không nên buộc người ta phải “kiễng chân” cả năm, cả đời”. Các cơ sở giáo dục phổ thông, các địa phương cần phải thực hiện đúng quy định của điều lệ trường học về sĩ số: tối đa 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 40-45 học sinh/lớp ở trung học”.

Cùng đó, cần trao quyền tự chủ cho giáo viên. “Giáo viên có được chủ động thì mới sáng tạo được, chứ suốt ngày lo tổ chuyên môn, cấp trên dự giờ, bắt bẻ dạy thiếu câu này, thừa câu kia trong SGK thì làm sao còn hứng thú để đổi mới, sáng tạo!”.

Theo GS Thuyết, kết quả thực nghiệm sẽ giúp Ban soạn thảo chương trình có những điều chỉnh để hoàn thiện chương trình. Dự kiến cuối tháng 4 – đầu tháng 5 này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết đợt thực nghiệm.

Thanh Hùng

Lớp đông học sinh, sao dạy được chương trình phổ thông mới?

Lớp đông học sinh, sao dạy được chương trình phổ thông mới?

Tại hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 20/1, nhiều lo ngại về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất đã được các đại biểu chỉ ra.

Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên THCS cho chương trình phổ thông mới

Thiếu giáo viên tiểu học, thừa giáo viên THCS cho chương trình phổ thông mới

Thiếu hàng ngàn giáo viên tiếng Anh, tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật và điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo là những khó khăn khi tiến hành chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020

Chương trình phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020

Bộ GD-ĐT xác định thời gian bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019-2020.

Chương trình phổ thông mới: Quyết làm từ 2019, nhất định đổi mới thi cử

Chương trình phổ thông mới: Quyết làm từ 2019, nhất định đổi mới thi cử

Buổi họp báo giới thiệu dự thảo chương trình môn học phổ thông mới diễn ra từ 16h chiều ngày 19/1 thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo giới.

Những thay đổi của môn Toán ở chương trình phổ thông mới

Những thay đổi của môn Toán ở chương trình phổ thông mới

Nội dung chương trình môn Toán ở chương trình phổ thông mới sẽ tinh giản nhiều so với chương trình hiện hành, chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế.