- Bi kịch học xong long đong với nghề trong những câu chuyện dưới đây là của những em đã tốt nghiệp một trường cao đẳng sư phạm ở một tỉnh miền Trung và được tuyển sinh theo chỉ tiêu từng huyện.
1. Gia đình Nguyễn Văn Quang có hoàn cảnh hết sức éo le. Bố bị bại liệt bẩm sinh một chân, đi lại dặt dẹo bằng nạng nhưng ông đã làm bất cứ việc gì có thể để nuôi con ăn học. Mong ước của ông là sau này con trai mình có một nghề trong tay.
Quang chăm chỉ học hành và thi đậu ngành Sinh hóa năm 2007. Mẹ làm ruộng không đủ chu cấp. Thế là bố phải theo Quang vào thành phố sửa xe đạp bên lề đường kiếm tiền cho em ăn học.
Niềm tin ngày ra trường được làm một giáo viên đã tăng thêm nghị lực, sức chịu đựng để hai bố con vượt qua những vất vả cực nhọc.
Rồi ba năm cực nhọc ấy cũng qua đi.
Tốt nghiệp ra trường, bố con Quang có 2 hi vọng. Một là, những năm đó huyện đang thiếu giáo viên dạy hóa; hai là, sự tật nguyền của người bố sẽ được các cơ quan tuyển dụng thương tình ưu ái.
Quang chở bố đến Phòng Giáo dục, Phòng Nội vụ và gặp cả chủ tịch huyện trình bày hoàn cảnh.
Thì ra, hai hi vọng đó chẳng có ý nghĩa gì cả.
Những năm đó mặc dù nhiều trường thiếu giáo viên dạy hóa nhưng huyện vẫn không tuyển dụng.
Lý do là tổng số giáo viên trung học cơ sở trên toàn huyện đã thừa định biên so với tổng số lớp.
Nạp hồ sơ và kiên trì chờ đợi 4 năm, cuối cùng hai bố con đành bất lực quệt nước mắt, ngậm ngùi cho số phận.
Quang đành từ bỏ giấc mơ đã ấp ủ, phấn đấu cực nhọc từ những năm học phổ thông.
Chua chát hơn, từ đó em phải theo tốp thợ xây trong làng đi làm phụ hồ để nuôi mình và an ủi bố.
2. Vũ Thị Hạnh tốt nghiệp năm 2004 ngành Ngữ văn - thời điểm mà trong huyện thừa nhiều giáo viên bộ môn này nhất, phải bố trí dạy môn khác mới đủ số tiết tối thiểu.
Biết khó, nhưng tiếc công sức tiền bạc học hành 3 năm trời nên em vẫn cứ hi vọng - dù biết hi vọng đó rất mơ hồ.
Và cái gì đến phải đến. Hi vọng mãi rồi Hạnh và gia đình cũng phải đối diện với sự thật phũ phàng đó.
Chưa hết, một sự tréo ngoe khác lại đến với em. Hạnh có người yêu ở xã bên cạnh. Gia đình người yêu không hiểu nội tình của ngành giáo dục nên đưa ra một điều kiện: lúc nào Hạnh xin được việc sẽ tổ chức lễ cưới.
Thương con, bố đã giấu em vay tiền ngân hàng và nhờ người anh con bác gặp thầy hiệu trưởng trường người anh đang dạy (1) xin cho Hạnh dạy hợp đồng một năm.
Số tiền ấy bố em gửi cho thủ quỹ để nhà trường hàng tháng trả lương cho em.
Đúng như kịch bản, Hạnh được nhà trường nhận vào dạy.
Em được nhận mức lương tối thiểu bằng lương cơ bản của nhà nước.Em không biết đó là tiền của bố. Ba tháng sau em cưới chồng.
Năm học kết thúc, Hạnh cũng kết thúc hợp đồng. Lường trước sự bất an, bố mẹ em phải góp lương hưu và vay mượn thêm giúp cho em mở quán bán hàng đúng lúc bị “thất nghiệp” (!)
3. Lê Quỳnh Nga tốt nghiệp ngành Sinh hóa năm 2010.
Giống như Quang và Hạnh, làm sao mà xin được vào dạy khi mỗi năm số lớp, số học sinh của huyện cứ giảm dần - nghĩa là số giáo viên ngày một dôi dư.
Nga tiên lượng khó khăn này khi đang học ở trường sư phạm nhưng em lại nuôi một hi vọng khác.
Có thể 10 năm sau, giáo viên lần lượt về nghỉ hưu sẽ có chỗ cho em thế chân.
Ra trường, Nga cưới chồng và chờ đợi.
Nhưng nếu cứ chờ đợi mãi như thế, Nga sẽ quên hết kiến thức, sau này khi xin được việc, còn nhớ gì mà dạy nữa.
Biết huyện đã nhiều năm không tuyển dụng, vợ chồng Nga đi gõ cửa các trường THCS trong huyện xin hợp đồng tạm thời.
Nhưng xin mãi mà chẳng có trường nào nhận. Đến tận năm 2016, vợ chồng Nga bàn bạc và đưa ra quyết định táo bạo: Xin dạy hợp đồng không lương (!).
Cảm kích trước tình cảm yêu nghề, coi trọng chuyên môn, thầy hiệu trưởng một trường (2) đã nhận Nga dạy hợp đồng không lương.
Ba mẩu chuyện của ba sinh viên tốt nghiệp sư phạm vừa kể, có lẽ không cần phải bình luận gì thêm.
- Độc giả Nguyễn Việt Hòa