- Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chú trọng dạy học sinh cách tôn trọng bản quyền của người khác. Ngay từ lớp 4, lớp 5 học sinh sẽ được dạy cách thu thập thông tin; lên các lớp trên, học sinh sẽ biết được cách trích dẫn khi viết bài văn, bài luận khoa học để tránh đạo văn. PGS.TS. Bùi Mạnh Hùng, Điều phối viên chính Ban Xây dựng Chương trình Giáo dục Phổ thông (Bộ GD-ĐT), Thành viên Ban Xây dựng Chương trình môn Ngữ văn chia sẻ với VietNamNet.

{keywords}
PGS Bùi Mạnh Hùng

Phóng viên: Thời gian gần đây, câu chuyện đạo văn trong giới khoa học đang được quan tâm. Có ý kiến cho rằng một trong những khởi nguồn của vấn đề này là vì chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành không chú ý dạy cho người học ngay từ sớm ý thức và những kĩ năng liên quan. Vậy, trong chương trình GDPT mới học sinh được dạy ý thức tôn trọng bản quyền và tránh đạo văn như thế nào thưa ông?

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Giáo dục cho học sinh tôn trọng bản quyền và tránh đạo văn là vấn đề rất được quan tâm trong chương trình GDPT mới.

Trước hết, nội dung giáo dục này cần được xét trong định hướng chung là giúp học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi, trong đó có phẩm chất trung thực, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ý thức tôn trọng bản quyền và tránh đạo văn không thể giáo dục tách rời với các phẩm chất và năng lực quan trọng đó.

Đi vào nội dung các môn học cụ thể trong chương trình GDPT mới, có thể thấy vấn đề tôn trọng bản quyền đã được đề cập trong môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (cấp trung học phổ thông), thể hiện cụ thể ở nội dung "sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ" trong chuyên đề Pháp luật dân sự, một chuyên đề tự chọn cho học sinh lớp 11.

Tuy nhiên, trong chương trình GDPT mới, giáo dục ý thức và kĩ năng tránh đạo văn được thể hiện tập trung nhất ở môn Ngữ văn. Chương trình môn Ngữ văn được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Trong dạy học đọc, viết có dạy học đọc, viết văn bản thông tin.

Các nội dung liên quan đến giáo dục ý thức và kĩ năng tránh đạo văn được thể hiện chủ yếu qua một số yêu cầu cần đạt về tiếp nhận, sử dụng tư liệu khi đọc và viết văn bản thông tin, trong đó có những yêu cầu liên quan đến trích dẫn.

Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về mục đích của những yêu cầu cần đạt này trong chương trình GDPT mới là gì được không?

- Chương trình GDPT mới được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Giáo dục cho học sinh ý thức và kĩ năng có liên quan đến tôn trọng bản quyền và tránh đạo văn sẽ góp phần đào tạo nên những công dân có khả năng sống và làm việc hướng đến chuẩn mực quốc tế. Tôn trọng kết quả lao động của người khác và biết cách tiếp thu, kế thừa theo đúng quy định và thông lệ không chỉ góp phần tạo nên những sản phẩm sáng tạo mà còn bồi dưỡng cho học sinh tính trung thực, niềm say mê tìm tòi, khám phá cái mới. Quả đúng là tình trạng đạo văn khá phổ biến, ngay cả trong giới học thuật, như đang diễn ra ở Việt Nam có phần là do lâu nay nhà trường của chúng ta chưa quan tâm giúp cho người học hình thành, phát triển ý thức tôn trọng bản quyền và kĩ năng trích dẫn.

Đất nước New Zealand đã dạy học sinh trích dẫn từ cấp tiểu học. Nhiều quốc gia khác cũng rất quan tâm việc dạy cho học sinh kĩ năng này. Vậy chương trình phổ thông mới của Việt Nam sẽ dạy học sinh cách trích dẫn khi viết bài văn, bài luận khoa học ra sao thưa ông?

- Đúng vậy, không chỉ New Zealand mà nói chung các quốc gia phát triển đều chú trọng dạy cho học sinh ý thức và kĩ năng trích dẫn từ rất sớm, chủ yếu là thông qua chương trình môn Ngữ văn (Ngôn ngữ và văn học).

Đặc biệt, nội dung giáo dục này thể hiện rất đậm nét trong các chương trình GDPT của Mỹ.

Chuẩn cốt lõi môn Tiếng Anh (Common Core State Standards) dùng chung cho phần lớn các tiểu bang của Mỹ, trong đó có những tiểu bang lớn như California, Massachusetts, New York, từ lớp 6 đến lớp 12 đều có yêu cầu học sinh tránh đạo văn và tuân thủ các chuẩn mực khi trích dẫn. Thậm chí chương trình GDPT môn Tiếng Anh của riêng Texas (Mỹ) còn yêu cầu học sinh phân biệt giữa trích dẫn và đạo văn ngay từ lớp 3 và lặp lại liên tục yêu cầu này cho đến các lớp trên. Chương trình môn Quốc ngữ cấp THCS của Hàn Quốc cũng có nội dung "nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc viết và viết với tinh thần trách nhiệm", trong đó có yêu cầu không được đạo văn và phải trích dẫn đúng quy tắc.

Tại Việt Nam, tuy không đề cập đến nội dung "tránh đạo văn" một cách hiển ngôn, nhưng chương trình GDPT mới cũng đã có một bước tiến đáng kể trong nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục cho học sinh vấn đề này, tiếp cận với chương trình GDPT của các quốc gia tiên tiến.

Cụ thể, từ lớp 4 và lớp 5, chương trình mới sẽ yêu cầu học sinh có ý thức và kĩ năng thu thập, sử dụng tư liệu, thông tin cho bài viết. Từ lớp 6 đến lớp 12, các yêu cầu cần đạt có

liên quan đến thu thập, sử dụng tư liệu, thông tin ngày càng cao hơn và cụ thể hơn. Ở một số lớp, có những nội dung liên quan trực tiếp đến việc giáo dục cho học sinh ý thức và kĩ năng tránh đạo văn.

Ở lớp 7 có yêu cầu nhận biết được các yếu tố của một văn bản thông tin như cước chú, tài liệu tham khảo.

Từ lớp 9 đến lớp 12, tất cả các lớp đều có yêu cầu viết được một báo cáo thuyết minh về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội, có trích dẫn, cước chú, chú thích nguồn trích dẫn và tài liệu tham khảo.

Để đạt được những yêu cầu về đọc và viết đó, chương trình cũng "cài đặt" một số kiến thức tiếng Việt tương ứng như là công cụ để đọc và viết, chẳng hạn: Ở lớp 9 có cách dùng dấu câu khi dẫn trực tiếp và gián tiếp; ở lớp 10 có cách chú thích trích dẫn và ghi cước chú; ở lớp 11 có cách trình bày tài liệu tham khảo trong một tiểu luận hay báo cáo thuyết minh; ở lớp 12 có những quy định khi trích dẫn.

Theo cách tiếp cận của chương trình GDPT mới, tất cả các nội dung giáo dục trong chương trình các môn học ở các lớp đều phải hướng đến và kết nối với những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được quy định trong chương trình GDPT tổng thể. Qua những nội dung giáo dục chuyên môn (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật,…), học sinh không chỉ được rèn luyện các năng lực chuyên môn mà còn được hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung.

Với tinh thần đó, khi thiết kế bài dạy để đạt đến các mục tiêu đọc, viết nói trên, sách giáo khoa và giáo viên phải giúp học sinh hiểu được vấn đề pháp lí và đạo đức đằng sau những quy định về trích dẫn.

Nghĩa là học sinh không chỉ được học kĩ năng trích dẫn mà còn được bồi dưỡng phẩm chất và hoàn thiện các quan niệm về giá trị sống thông qua kĩ năng được học.

Hiện tượng văn mẫu, sách tham khảo, thậm chí bây giờ còn có giáo án mẫu là những tác nhân thúc đẩy thói quen sao chép, không khuyến khích sáng tạo.Theo ông làm thế nào để ngăn chặn hiện tượng này?

- Cần phân biệt hai loại "mẫu".

Trong dạy học, giáo viên làm mẫu hay cho học sinh xem mẫu và học sinh bắt chước theo mẫu là một công đoạn cần thiết, nhất là ở các lớp dưới của giáo dục phổ thông, bởi yêu cầu học sinh "sáng tạo" từ đầu đến cuối thì không chắc đó là hoạt động dạy học đúng nghĩa.

Học sinh cần phải được giáo viên hỗ trợ từng bước, từ tham khảo mẫu, làm theo mẫu, rồi từng bước đi đến sáng tạo.

Tuy nhiên, nếu để cái "mẫu" đó chi phối toàn bộ việc học, học sinh chỉ biết rập khuôn làm theo mẫu thì đó là chuyện khác.

Chúng ta cần khắc phục cho được lối dạy học rập khuôn theo mẫu này. Riêng về tình trạng viết văn theo kiểu sao chép, để khắc phục, trước hết cần giúp học sinh biết cách viết.

Lâu nay chúng ta chưa chú trọng, hay nói đúng hơn chưa có giải pháp hiệu quả để dạy cho học sinh biết viết, vì vậy các em dễ sa vào sao chép. Sao chép vì không tự viết được. Thứ hai, cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá.

Nếu tập trung vào đánh giá năng lực, nhất là năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, chứ không kiểm tra khả năng ghi nhớ và lặp lại của người học thì học sinh phải thay đổi cách học, không thể và không dám sao chép.

Tuy đổi mới kiểm tra đánh giá là một quá trình dài và khó khăn, nhưng nếu không đổi mới được lĩnh vực này thì không thể đổi mới giáo dục, trong đó có giải quyết tình trạng sao chép văn mẫu.

Thứ ba, khuyến khích những ý tưởng sáng tạo của học sinh ngay trong quá trình dạy học.Không áp đặt học sinh phải theo sách giáo khoa và giáo viên mà để một "không gian mở" cho các em thể hiện suy nghĩ, chủ kiến và giải quyết vấn đề theo cách riêng của các em miễn là có căn cứ hợp lí và phù hợp với những giá trị đạo đức phổ quát.

Chính kiểu giáo dục truyền thụ kiến thức một chiều đã góp phần dung dưỡng cho sao chép.

Thứ tư, có những hình thức giáo dục ý thức về bản quyền và răn đe đạo văn từ sớm, ngay trong nhà trường phổ thông.

Việc dạy một đằng, hiện thực một nẻo trong môi trường giáo dục hiện nay đang gây ra nhiều hệ lụy. Vậy chương trình mới sẽ giải quyết việc này như thế nào thưa ông?

- Đấy là một vấn đề lớn. Ở nhiều nước, môi trường giáo dục được coi là một thành tố quan trọng của quy trình triển khai thực hiện chương trình GDPT. Chẳng hạn, Phần Lan đặc biệt coi trọng thành tố này và họ có hẳn một mục về môi trường học tập trong chương trình GDPT quốc gia. Chương trình GDPT mới quy định các phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và các năng lực cốt lõi, trong đó có các năng lực chung: tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

Khác với các năng lực chuyên môn, các phẩm chất và năng lực chung chủ yếu được hình thành và phát triển không phải thông qua những kiến thức chuyên môn cụ thể mà thông qua phương pháp, cách thức tổ chức các hoạt động dạy học trong lớp và môi trường giáo dục. Học sinh được hình thành và phát triển phẩm chất nhân ái, trung thực hay năng lực hợp tác một cách thuận lợi nếu lớp học, nhà trường, gia đình, xã hội mà các em học tập và sinh sống thấm đẫm những giá trị ấy.

Tình trạng "dạy một đằng, hiện thực một nẻo" đúng là gây nhiều khó khăn, trở ngại cho giáo dục. Nghịch lí này không chỉ riêng ở nước ta, nhưng ở ta gần đây có nhiều biểu hiện đáng lo ngại hơn. Nhà trường đang bị "lấm bùn" từ nhiều phía. Tuy vậy, nhà trường vẫn có sức mạnh của nó. Sức mạnh đó là do sứ mạng khai sáng và khai phóng mà xã hội trao cho.

Tôi nghĩ, thông qua mô hình giáo dục hợp lí, nhà trường sẽ tác động tích cực trở lại đối với xã hội. Mô hình giáo dục mới sẽ góp phần đào tạo nên nguồn nhân lực mới, từng bước khắc phục cái nghịch lí "dạy một đằng, hiện thực một nẻo".

Chúng tôi tin rằng nếu các điều kiện triển khai được đáp ứng thì mô hình giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực người học của chương trình GDPT mới sẽ có đóng góp đáng kể vào quá trình này.

Cảm ơn PGS đã trao đổi!

Lê Huyền (thực hiện)