Bộ GD-ĐT vừa công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về một trong các hành vi mà học sinh không được làm là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Bộ GD-ĐT cho hay việc đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.
Thông tư mới này sau khi ban hành đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Phụ huynh, giáo viên có nhiều ý kiến trái chiều trước quy định cho học sinh dùng điện thoại trong giờ |
Nếu không kiểm soát chặt sẽ dễ "loạn"
Chia sẻ với VietNamNet, cô V.N, giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cho hay bản thân cô không mấy đồng tình việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học bất cứ lý do gì.
“Sử dụng điện thoại thì làm sao học sinh tập trung thật sự vào tiết học? Chưa kể những em "ghiền" điện thoại thì càng khổ giáo viên. Rồi lấy gì để bàn đến chất lượng?
Bình thường cấm sử dụng điện thoại mà nhiều khi tụi nhỏ còn lén lút sử dụng ở bên dưới, giáo viên còn khó kiểm soát được. Nếu giáo viên tinh mắt thì cũng phát hiện ngay, nhưng giải quyết xong lại "cụt" hứng dạy. Chưa kể học trò làm gì, xem gì hay đang quay hoặc ghi âm thầy cô rồi đưa lên mạng?
Giáo viên cho phép sử dụng điện thoại vào mục đích phục vụ học tập nhưng rồi liệu có chắc sẽ kiểm soát được? Giáo viên giảng, học sinh ở dưới mải tìm kiếm thông tin, thế thì khác nào giáo viên giảng với bảng và bức tường", cô giáo này nói.
Cô V.N cho hay, quy định là thế nhưng rồi sẽ lấy cái gì để đảm bảo là cả lớp bốn mươi mấy học sinh đều mở điện thoại để học tập. “Bởi liệu giáo viên có thể gọi tên hết học sinh để kiểm tra sản phẩm được không? Một tiết học 45 phút, sau khi giao nhiệm vụ học tập thử hỏi sẽ gọi kiểm tra được mấy học sinh?”.
Đồng quan điểm, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): “Điều quan trọng là khi cho phép học sinh dùng điện thoại trong một giờ học, môn học nào đó, giáo viên liệu có kiểm soát được tất cả học sinh của lớp đó về mục đích sử dụng không?”
Theo thầy Hiếu, đây là việc không hề dễ dàng và phải những giáo viên trực tiếp đứng lớp mới hiểu được.
“Dưới góc độ giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi đã chứng kiến sự tác động của việc sử dụng điện thoại đối với học sinh ra sao.
Nếu không kiểm soát chặt sẽ dễ loạn. Bởi thứ nhất, lớp học sẽ mất tập trung và tạo nên cảm giác “lệch pha” giữa thầy và trò khi thầy nói ở trên còn ở dưới học sinh bấm điện thoại.
Thứ hai, lớp học đông học sinh, ai dám chắc kiểm soát được thời gian cho học sinh sử dụng điện thoại đó, các em đều sử dụng đúng mục đích hay chơi game, nhắn tin buôn chuyện,...”
Thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) |
Ngoài ra, theo thầy Hiếu mỗi địa phương, mỗi gia đình có một điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. “Có phải nhà nào cũng có thể sắm cho con một chiếc điện thoại thông minh, đặc biệt nông thôn nhiều gia đình không có. Như vậy có thể lớp 40 học sinh nhưng chỉ một số em có điện thoại và rồi xảy ra chuyện túm tụm xem điện thoại”.
Thầy Hiếu cũng cho rằng, “chỉ có giáo viên đang trực tiếp giảng dạy ở cấp THCS và THPT mới thấu hiểu được chủ trương này là ổn hay không, lợi hay hại”.
"Đã thực hiện và rất ổn"
Thầy Hoàng Công Viêng, giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh thì cho rằng, việc dùng điện thoại hỗ trợ cho học tập là điều tốt nhưng học sinh sẽ dễ tận dụng để làm việc riêng, rất khó quản lý. “Việc dùng điện thoại có thể được dùng trong các tiết học mà có thảo luận về vấn đề nào đó hay trong các bài kiểm tra trực tuyến... Còn các tiết học bình thường thì không cần thiết”.
Một số giáo viên cho rằng nếu kiểm soát được tốt thì đây là việc này có thể mang đến hiệu quả nhất định.
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) cho hay, trên thực tế, nhà trường nhiều năm nay đã thực hiện việc này và rất ổn.
“Mỗi lớp có một ngăn tủ đựng điện thoại tự quản, học sinh đến lớp thì để điện thoại vào tủ. Giờ học nào cần sử dụng tra cứu như Ngoại ngữ, Ngữ Văn, các môn khoa học, xã hội... thì giáo viên cho phép và tổ chức cho học sinh sử dụng.
Khi dùng xong thì các em tự động cất vào tủ. Do các lớp đều có camera nên học sinh tự giác không sử dụng khi không dành cho mục đích học tập”.
Ông Tùng cho hay, hiện nay, với một số bài kiểm tra, học sinh của trường đã được sử dụng điện thoại để làm bài trên Microsoft Team ngay trong tiết học.
Hình thức này được cha mẹ học sinh rất ủng hộ.
Đông Hà
Bộ GD-ĐT nói rõ về việc cho học sinh dùng điện thoại trong lớp
"Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin.... Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực".