“Bỏ chứng chỉ, chúng tôi vẫn làm tốt công việc của mình”

Như VietNamNet đã phản ánh, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng giáo viên đổ xô đi học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Việc học chứng chỉ này là tự phát, và học phí từ 2 – 3,5 triệu đồng do giáo viên tự bỏ tiền túi chi trả.
Anh Nguyễn Đăng, giáo viên ở An Giang cho biết, gần đây các trường sư phạm, các trung tâm đào tạo liên tục gửi thông báo tuyển sinh các lớp bổi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

“Chúng tôi đọc thông báo thấy lịch học chỉ có 5 buổi tối nhưng học phí là 2,5 triệu đồng/học viên. Nội dung chương trình gồm 10 chuyên đề, đa phần trùng lặp với các nội dung mà giáo viên đã tập huấn trong những năm qua và trong nội dung 9 mô-đun mà giáo viên đang tập huấn trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Vậy là giáo viên phải học những kiến thức cũ, quen thuộc, không có bao nhiêu kiến thức mới nhưng phải đầu tư 2,5 triệu đồng/chứng chỉ”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lực ở Trường THCS Trịnh Phong (Diên Khánh, Khánh Hòa) cũng nêu ra nhiều lý do có thể bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như: giáo viên đã học 3-4 năm tại trường cao đẳng hoặc đại học, hàng năm giáo viên vẫn phải đang tự học bồi dưỡng thường xuyên, nội dung chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức thầy cô đã được học trong các trường sư phạm...

 

{keywords}
Nhiều giáo viên đổ đi học chứng chỉ sau chùm thông tư mới của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên. 

Nhiều độc giả gửi phản hồi về VietNamNet thì cho rằng, việc học chứng chỉ hiện nay chủ yếu còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp nhưng tốn kém tiền của, thời gian, công sức.

Độc giả Nguyễn Trọng Xuân nêu quan điểm: “Cuối cùng bồi dưỡng để lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên để thăng hạng chỉ là hình thức, hoàn thiện hồ sơ, học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, học lại những gì trong trường sư phạm đã được đào tạo, quá tốn kém (hơn 2 triệu/một học viên, học có 3 - 4 ngày)...

Hàng triệu giáo viên nếu bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng…”.

Trao đổi với phóng viên, một cô giáo dạy tiếng Anh cấp tiểu học gần 20 năm ở Hà Nội cho biết ngoài chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng III đã có, chị còn đang chờ để học lấy chứng chỉ hạng II để làm hồ sơ xét lên hạng.

Những nội dung trong chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh, theo cô giáo này chỉ cần các trường đứng ra tự tổ chức hoặc giáo viên có thể dành thời gian tự học, tự đọc rồi tham gia bài kiểm tra chứ không cần thiết phải đi học mất 2 – 3 triệu đồng.

"Tôi nghĩ rằng bỏ chứng chỉ đi thì chúng tôi vẫn làm tốt được công việc của mình, lại còn đỡ mất thời gian và tốn kém".

Cân nhắc tích hợp, nâng cao chất lượng đào tạo

TS Nguyễn Hoàng Chương là người đã có hơn 30 năm công tác giảng dạy và quản lý trong ngành giáo dục ở Lâm Đồng, cho biết trong thời gian làm lãnh đạo ở một trường phổ thông, hầu như lần kiểm tra nào ông cũng phát hiện có trường hợp sử dụng chứng chỉ giả. Còn lại, đa phần đi học “cho có” để lấy chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp một cách hợp pháp.

Theo TS Chương, có thể bỏ hết yêu cầu chứng chỉ. Tuy nhiên, nếu không bỏ hết được, thì: “Bộ GD-ĐT hãy xây dựng chương trình sao cho người học cảm thấy hữu ích. Và hãy thực sự là đào tạo, chứ không phải bồi dưỡng, để giáo viên có động lực học thật, thi thật, làm thật".

Còn TS Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, bản thân các chứng chỉ không có lỗi. Do đó, có 3 điểm cần quan tâm đối với việc giữ hay bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với giáo viên.

Thứ nhất, nên cân nhắc để tích hợp các chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp vào các chương trình đào tạo giáo viên và bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Đối với sinh viên sư phạm, chương trình bồi dưỡng để trở thành một viên chức hạng III có thể tích hợp trong chương trình đào tạo để khi các em ra trường là đủ điều kiện để có thể dự tuyển viên chức, và khi được tuyển dụng thì có thể đủ điều kiện để trở thành giáo viện hạng III luôn mà không cần phải bổ sung chứng chỉ.

Thứ hai, đối với hạng II là theo nhu cầu của cá nhân và theo nhu cầu vị trí việc làm của từng địa phương, đơn vị. Vì vậy, thay vì yêu cầu có chứng chỉ thì tích hợp các chương trình đó vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên hàng năm của giáo viên.

"Hiện nay, chương trình bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên hàng năm cũng yêu cầu đơn vị bồi dưỡng cấp chứng chỉ, vì vậy khi tích hợp vào và giáo viên đã tích luỹ đủ các chứng chỉ đó thì đủ điều kiện để xét lên hạng II chứ không cần phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp riêng".

Thứ ba, đối với chức danh hạng I, cũng giống hạng II, cần tuỳ theo nhu cầu nâng hạng của giáo viên và nhu cầu của địa phương. Nếu hạng I cần phải có yêu cầu cao hơn và cần có chương trình bồi dưỡng chuyên sâu thì có thể thiết kế chương trình bồi dưỡng riêng. Thực tế thì tỷ lệ hạng I thấp nên có thể áp dụng được.

Ông Thăng lưu ý thêm rằng cần rà soát toàn bộ chương trình bồi dưỡng để thiết kế và tích hợp các nội dung cho phù hợp và đảm bảo các nội dung đó tránh lặp lại, chồng chéo... Ngoài ra, nhu cầu bồi dưỡng là nhu cầu tự thân, khi giáo viên thấy thiếu kiến thức gì thì tự thân họ sẽ có mong muốn được cập nhật kiến thức, vì vậy các chương trình bồi dưỡng phải luôn cập nhật, hữu ích, thiết thực.

"Một chương trình bồi dưỡng mà giáo viên đi học với tinh thần “học để lấy chứng chỉ” chứ không phải học để lấy kiến thức thì thất bại, lãng phí thời gian và tiền bạc" - ông Thăng khẳng định.

Bộ GD-ĐT: “Muốn bỏ phải sửa Luật”

Đem những đề xuất của giáo viên tới Bộ GD-ĐT, ông Đặng Văn Bình – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định việc quy định có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, không riêng gì ngành giáo dục.

{keywords}
Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng phụ trách Cục nhà giáo, Bộ GD-ĐT

Ông Bình cho hay, yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập (và tại các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây) là thực hiện quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP.

“Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần phải sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP” – ông Bình nói.

Trước đó, trả lời VietNamNet, một lãnh đạo khác của Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ này đã từng có văn bản đề nghị được thay các chứng chỉ này bằng các chứng chỉ chuyên ngành nhưng đây là quy định của Luật Viên chức và Nghị định số 101 thì không thể làm khác được.

Thanh Hùng - Lan Anh

Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ, lo 'giữ hạng, giữ lương'

Giáo viên ồ ạt đi học chứng chỉ, lo 'giữ hạng, giữ lương'

Chưa kịp vui mừng vì thông tin bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên tiếp tục tâm tư chuyện chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sau chùm thông tư mới đây của Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên các cấp.