Để thông tin đa chiều, VietNamNet đăng tải ý kiến của thầy giáo Hồ Tuấn Anh. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Thời gian gần đây, cộng đồng giáo viên rất xôn xao và lo lắng về chuyện bổ nhiệm, xếp hạng, xếp lương nếu chiếu theo những thông tư mới được Bộ GD-ĐT ban hành.
Tôi nghĩ phía Bộ GD-ĐT cần có một công văn hướng dẫn cụ thể hoặc giao các Sở GD-ĐT hướng dẫn thật chi tiết để tránh dẫn đến các tình trạng sau:
Thứ nhất, giáo viên đỡ hoang mang. Việc này cũng giúp thủ trưởng các đơn vị, trường học phải có trách nhiệm giải thích được cho giáo viên đó là việc đương nhiên phải làm theo Luật Viên chức.
Tuy nhiên, cần giải thích được rõ khi nào thì giáo viên cần học và học như thế nào. Còn nếu không làm rõ, thì không chỉ giáo viên mà hiện nay kể cả các cán bộ quản lý, thủ trưởng cơ quan, cán bộ sở, phòng đôi khi cũng chưa nắm được hết tinh thần, thông quan điểm. Như vậy rất khó để có thể thuyết phục được đội ngũ nhà giáo đồng thuận.
Thứ hai, để tránh giáo viên mất tiền oan.
Dù sao thì giáo viên là nhóm yếu thế nên hay lo lắng. Lợi dụng việc này, các trung tâm, đơn vị không biết hợp pháp hay chưa, đã nhảy vào mời chào, lôi kéo giáo viên. Điều này có thể dẫn đến việc giáo viên vì lo lắng quá mà đăng ký học và tạo điều kiện cho những trung tâm không hợp pháp trục lợi, tốn kém tiền của nhưng không chắc có kết quả.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần có chỉ đạo các Sở, phòng, thậm chí các trường phải phân loại ra để hướng dẫn từng nhóm đối tượng giáo viên cụ thể về tính cần thiết với các chứng chỉ này.
Như giáo viên có chứng chỉ cao nhất có thay thế được cho các chứng chỉ các hạng thấp hơn được hay không? Có chứng chỉ hạng 1 có phải học chứng chỉ hạng 3 không, hay cứ bắt buộc phải đi học cả 3 loại chứng chỉ.
Ngoài ra cũng cần có lộ trình sau bao lâu không đủ các chứng chỉ đó mới bị tụt hạng.
Rồi với những trường hợp còn vài năm nữa sẽ nghỉ hưu, khi đang ở hạng này rồi, có cần thiết bổ sung thêm chứng chỉ hay không. Hay nếu trong trường hợp không cần học cũng được thì cần nói rõ, tránh ra thông báo đại trà, khiến người không biết vẫn đăng ký và mất tiền oan.
Thứ tư là việc quản lý chất lượng đào tạo lỏng lẻo. Cần phải làm sao để khi tổ chức các lớp học chứng chỉ vừa đảm bảo hài hòa vừa tạo điều kiện nâng cao trình độ, hiểu biết cho nhà giáo nhưng phải tổ chức được các lớp học một cách chất lượng. Còn nếu như ra thông tư yêu cầu, nhưng không quản lý được chất lượng khóa học sẽ dẫn đến "nếp quen xấu" cho những đợt tập huấn chuyên đề khác và rất khó làm việc.
Tôi mong Bộ GD-ĐT sớm có hướng giải đáp việc này. Bởi ngay như ở trường tôi, qua nắm bắt, hiện đã có rất nhiều đơn vị tìm cách liên hệ, “tiếp thị” giáo viên chuyện đi học, khiến giáo viên rất hoang mang.
Hồ Tuấn Anh
(Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An)
Ý kiến, góc nhìn của bạn đọc về việc bổ nhiệm và thăng hạng giáo viên, cũng như các vấn đề của giáo dục, xin vui lòng gửi cho chúng tôi qua địa chỉ email: [email protected]. Những bài viết phù hợp sẽ được biên tập và đăng tải. Xin trân trọng cảm ơn.
Bộ GD-ĐT trả lời về điều kiện bổ nhiệm giáo viên hạng I, hạng II
Đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) vừa giải đáp cụ thể những câu hỏi băn khoăn của nhiều giáo viên liên quan đến việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo các thông tư mới ban hành.
Bộ GD-ĐT trả lời việc bổ nhiệm và thăng hạng giáo viên
Liên quan đến việc bổ nhiệm và thăng hạng giáo viên, câu hỏi mà nhiều thầy cô đặt ra là có nhất thiết cần đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay không.