Hội nghị có sự tham gia của 19 phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành và đại diện lãnh đạo 63 Sở GD-ĐT trên cả nước.
Bộ GD-ĐT cho biết, sau 3 năm triển khai rà soát, sắp xếp, cả nước giảm 2.302 trường, tương đương 6,06% tổng số trường; trong đó: mầm non giảm 4,25%, tiểu học giảm 12,73%, THCS giảm 9,82%, THPT giảm 1,96%, trường phổ thông có nhiều cấp học tăng 88,64% (do sáp nhập để hình thành các trường liên cấp).
Cùng đó, giảm 2.708 điểm trường, tương đương 6,65% số điểm trường hiện có. Giảm số lượng các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện từ 3 xuống còn 1 trung tâm/huyện.
Theo Bộ GD-ĐT, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn. Tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao đã dần được khắc phục. Hàng nghìn điểm trường đã được dồn ghép, sáp nhập vào các trường chính; nhiều trường có quy mô nhỏ được sáp nhập thành hệ thống các trường liên cấp có quy mô lớn hơn.
Nhờ đó, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy, giảm số lượng cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên phục vụ gián tiếp, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Song, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình triển khai tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cũng còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Tại một số địa phương, việc sắp xếp dựa trên mục tiêu giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập được chú trọng hơn các yếu tố liên quan đến duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sức ép cho ngành giáo dục khi thực hiện. Việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường, sáp nhập điểm trường vào trường chính làm tăng tỷ lệ học sinh/lớp, tăng số lượng học sinh bán trú tại trường chính gây khó khăn trong công tác tổ chức dạy học, quản lý học sinh…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ tổ chức, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị.
Trong đó, một trong những yêu cầu đối với các địa phương là phải xây dựng nguyên tắc, phương án thực hiện sắp xếp phù hợp với điều kiện thực tế và tuân thủ các quy định hiện hành có liên quan như Điều lệ trường học của các cấp (quy mô trường/lớp, sỹ số học sinh/lớp,…), tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, tiêu chuẩn về tỷ lệ giáo viên/lớp.
Việc dồn lớp, sáp nhập hoặc xóa các điểm trường, sáp nhập điểm trường vào trường chính, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ phải đảm bảo khoảng cách và điều kiện giao thông đi lại. Sau khi sắp xếp quy mô mạng lưới trường, lớp không làm giảm học sinh ra lớp ở các độ tuổi, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần, không để tình trạng gia tăng học sinh bỏ học so với trước khi sắp xếp.
Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên song song với quá trình sáp nhập, tách trường, thành lập trường mới theo hướng sử dụng những người có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mong muốn mỗi địa phương khi quyết định thực hiện tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên cũng như trong các vấn đề về giáo dục cần đặt câu hỏi rằng: “Làm như vậy có tốt hơn không?”
Theo ông Sơn, cần rà soát kỹ hơn việc sắp xếp, tái cấu trúc các cơ sở giáo dục trong thời gian 3 năm qua xem công tác này đã mang lại kết quả gì, thực trạng ra sao, đâu là vấn đề cần khắc phục, đâu là thành quả cần phát huy.
Về phía Bộ GDĐT, ông Sơn cho biết, lãnh đạo Bộ sẽ có thêm các cuộc làm việc cụ thể hơn với một số tỉnh, thành phố để rà soát các vấn đề, tập hợp thông tin, phân tích tình hình, kiến nghị ở từng địa phương, qua đó cùng tháo gỡ.
Riêng về kiên cố hóa trường lớp, Bộ trưởng đề nghị, cần thực hiện có trọng tâm trọng điểm, có mục tiêu cụ thể, những gì làm được thì làm ngay, trong đó “ưu tiên số một” cho kiên cố hóa trường lớp ở bậc mầm non, bởi các cháu ở cấp học này rất nhỏ và rất nhiều nơi đang phải học tập trong điều kiện khó khăn.
“Những vấn đề được bàn hôm nay đều là thách thức lớn, vượt qua được những thách thức này cần sự ráo riết, quyết tâm, kiên trì, đồng sức, đồng lòng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đồng thời ông Sơn yêu cầu, vấn đề nào thuộc thẩm quyền ngành Giáo dục có thể giải quyết phải lên kế hoạch giải quyết ngay, những việc vượt quá thẩm quyền sẽ có kiến nghị ở tầm vĩ mô.
“Việc lớn phải bắt đầu từ việc nhỏ, cố gắng giải quyết và cố gắng làm những gì tốt nhất có thể cho nền giáo dục”, Bộ trưởng nêu rõ.
Hải Nguyên
Tân Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Thách thức và kỳ vọng
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn vừa chính thức trở thành tân bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Các chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành giáo dục kỳ vọng gì?