-Giải thích với tổ công tác của Chính phủ rằng "điều kiện kinh doanh cũng là điều kiện đảm bảo chất lượng", Bộ trưởng Giáo dục nói không thể cắt giảm cơ học.

>>>Rà soát giáo sư cần có thanh tra độc lập

Sáng 28/3, Tổ công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng giao.

Trong đó, có nội dung rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không đồng bộ, bất hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

{keywords}
Buổi làm việc có bàn về nội dung rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không đồng bộ, bất hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Trung

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện luật Đầu tư năm 2014, Bộ đã rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tổng số là 241 điều kiện kinh doanh. Năm 2017, Bộ đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Ngày 21/4/2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Như vậy, tổng số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục còn lại là 212 điều kiện kinh doanh.

Ông Nguyễn Việt Lộc, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến trong năm 2018 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện kinh doanh, chiếm 42,9% (cắt giảm 75 điều kiện, đơn giản hóa 16 điều kiện). Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số điều kiện kinh doanh mà Bộ đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận đây là kết quả bước đầu sau rà soát và dự kiến cắt giảm/đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Sau khi tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ sẽ tổng hợp và trình Thủ tướng phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm/đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo quy định.

Theo đó, việc rà soát, cắt giảm/đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh của Bộ không mang tính cơ học mà được xem xét cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng về tính cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp của từng điều kiện theo quy định hiện hành. Cùng đó, gắn kết chặt với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cách nhìn nhận các vấn đề, phương thức quản lý để cắt giảm các quy định một cách thực chất hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho các tổ chức, cá nhân, gỡ bỏ các rảo cản đầu tư vào lĩnh vực.

Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là chỉ giảm về số lượng điều kiện kinh doanh mà đối với những quy định còn chưa cụ thể, minh bạch thì sẽ phải quy định rõ ràng.

Có thể lên tới 1.000 điều kiện kinh doanh?

Tham gia đoàn công tác, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đều đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, có những thay đổi căn bản, thực chất trong việc cải cách, cắt giảm điều kiện kinh doanh.

TS Nguyễn Đình Cung nhắc tới ví dụ được nêu tại một hội nghị hồi năm ngoái, đó là một doanh nghiệp phải dùng xe taxi để chở hồ sơ xin thành lập trường. “Bộ báo cáo hiện còn 212 điều kiện kinh doanh, nhưng tôi nghĩ tính ra phải lên tới gần 1.000 điều kiện, vì mỗi gạch đầu dòng lại bao gồm 3, 4, thậm chí 5 điều kiện con”, ông Cung nhận xét.

Ví dụ, một điều kiện thành lập trường mẫu giáo là phải có đề án thành lập phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, phù hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ông Cung cho rằng điều kiện này gồm ít nhất 2 điều kiện con, chưa kể các loại quy hoạch còn do nhiều cấp thực hiện như Trung ương, tỉnh, huyện.

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung tiếp tục đưa ra những ví dụ như quy định phòng học phải thoáng mát, thậm chí tường bao bên ngoài phải được làm bằng chất liệu gì, nền nhà phải láng xi măng hoặc lát gạch sáng màu… “Vậy lát nền bằng thứ khác không được à? Những quy định như thế rất nhiều, theo một tư duy hành chính, hoàn toàn tiền kiểm”, ông Cung nhận xét.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết các khâu trong quá trình thành lập một cơ sở giáo dục bị trùng lặp, nhiều quy định chung chung, không rõ ràng, cơ quan cấp phép có toàn quyền cấp phép hoặc không, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

“Ví dụ yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội thì thực hiện thế nào? Rồi yêu cầu đội ngũ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý… thì thực hiện thế nào? Rồi có đủ nguồn lực tài chính để duy trì và phát triển, đó là nhu cầu tự thân của nhà đầu tư”, ông Phòng nêu ví dụ.

"Điều kiện kinh doanh cũng là điều kiện đảm bảo chất lượng"

Trao đổi với các góp ý, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ mạnh dạn cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo hướng đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhưng "không cắt giảm một cách cơ học và không thể buông lỏng chất lượng".

Ông Nhạ cho hay, Bộ GD-ĐT đã tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc dự thảo mới rồi nhưng đến thời điểm này chưa thể ban hành "do vướng luật" -tuy Bộ cũng đã tạo điều kiện lớn cho các nhà đầu tư qua các văn bản dưới luật.

Đơn cử như lĩnh vực giáo dục mầm non, có ý kiến cho rằng cần phải bãi bỏ điều kiện tuân thủ quy hoạch, nhưng qua rà soát nhiều lần vẫn không thể bỏ vì trên thực tế nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất không đảm bảo các điều kiện quy hoạch, không dành đất cho việc xây dựng trường dẫn đến tình trạng thiếu trường mầm non như hiện nay. Cũng ở bậc học này, điều kiện hoạt động kinh doanh còn là để đảm bảo chất lượng giáo dục, đảm bảo các điều kiện nuôi dưỡng trẻ. Vì thế, không thể không tuân thủ các điều kiện xây trường mầm non để chạy theo số lượng….

Ông Nhạ cũng giải thích thêm về việc thành lập hay giải thể các trường học ở bậc cao hơn: Giải tán một doanh nghiệp có thể rất đơn giản nhưng giải tán một trường học không đơn giản.

Thanh Hùng - Thu Hằng - VGP

Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong toàn ngành

Bộ GD-ĐT yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong toàn ngành

Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các sở, các trường ĐH, học viện, CĐ, trung cấp có đào tạo giáo viên yêu cầu khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.

Kiện toàn nhân sự 6 cơ quan Trung ương

Kiện toàn nhân sự 6 cơ quan Trung ương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ KK&ĐT; Bộ Tư pháp; Bộ Y tế; Bộ Tài chính, Bộ TT&TTđã tổ chức công bố các quyết định về công tác cán bộ.