Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho hay, căn cứ phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT công bố, có thể nhận định mức điểm chuẩn các ngành học của Học viện năm nay sẽ không thấp hơn năm ngoái.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
“Trong các năm trở lại đây và năm nay, tôi nghĩ cũng không phải ngoại lệ, các ngành, chuyên ngành như Quan hệ công chúng; Quảng cáo; Truyền thông marketing; Truyền thông đa phương tiện; Truyền thông đại chúng, Truyền thông quốc tế, Quan hệ quốc tế vẫn duy trì độ “hot”, đồng nghĩa với việc sẽ có mức điểm chuẩn cao nhất” - bà Giang nói.
Trong khi đó, theo bà Giang, các chuyên ngành Báo chí hiện nay không còn là sự lựa chọn hàng đầu của các thí sinh, điểm chuẩn của các chuyên ngành này cũng không còn giữ vị trí “top” đầu, kể cả các chuyên ngành Báo truyền hình, Báo phát thanh, Báo mạng điện tử.
“Điều này cũng là tất yếu bởi lĩnh vực hoạt động và cơ hội nghề nghiệp báo chí ngày càng bị thu hẹp, trong khi yêu cầu tác nghiệp báo chí trong bối cảnh Cách mạng 4.0 ngày càng cao hơn, phức tạp hơn và có sự dịch chuyển sang các nhóm ngành truyền thông. Kết quả khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp thuộc các chuyên ngành Báo chí trong khoảng 4 năm trở lại đây của Học viện cho thấy, có xu hướng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành Báo chí nhưng lại làm nhiều các công việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông. Nắm bắt được xu thế này, Học viện đã tổ chức tuyển sinh 3 ngành là Truyền thông đại chúng và Truyền thông đa phương tiện, Truyền thông quốc tế từ năm 2018”, bà Giang nói.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Nhận định chung, bà Giang dự đoán, năm nay các ngành thuộc nhóm ngành Báo chí và truyền thông sẽ có điểm chuẩn tăng lên so với năm ngoái. Đặc biệt, điểm chuẩn tổ hợp xét tuyển theo khối D01 sẽ tăng mạnh nhất.
"Khả năng ngoại ngữ của các thí sinh ngày càng tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều thí sinh có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ không đi du học mà đăng ký vào các trường đại học trong nước, trong đó có cả Học viện Báo chí và Tuyên truyền”, bà Giang phân tích.
Tuy nhiên, bà Giang cũng cho rằng, đây là một trong những rủi ro đối với công tác tuyển sinh của Học viện, bởi nhóm sinh viên này thiếu tính ổn định.
“Đây cũng là lý do mà Học viện Báo chí và Tuyên truyền giới hạn dành tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành cho phương thức xét tuyển kết hợp (sử dụng chứng chỉ quốc tế môn Tiếng Anh kết hợp với kết quả học bạ 5 kỳ bậc THPT). Nếu tăng chỉ tiêu cho thí sinh xét tuyển bằng phương thức kết hợp thì câu chuyện sẽ có 2 mặt. Một mặt, đây là lượng thí sinh có chất lượng tốt, nhất là năng lực ngoại ngữ tốt, nhưng mặt khác, các em lại không “chắc chân” việc theo học lâu dài tại trường. Nhiều em có tâm lý vào trường học dự phòng 1 - 2 năm, khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ tiếp tục đi du học. Nên nếu trường lấy tỷ lệ này cao thì có thể chỉ khoảng sau 1-1,5 năm sẽ bị hụt lớn với số sinh viên này”, bà Giang phân tích.
Về điểm chuẩn đối với 8 chuyên ngành Báo chí, theo bà Giang, về cơ bản, điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều so với năm ngoái. “Tuy nhiên, các chuyên ngành Báo truyền hình và Báo mạng điện tử có thể sẽ có điểm chuẩn nhích nhẹ” - bà Giang cho hay.
Còn nhóm ngành Lý luận chính trị thì điểm chuẩn sẽ ổn định, ít biến động.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang cũng nhấn mạnh, trên đây chỉ là những phân tích mang tính lý thuyết, thực tiễn điểm chuẩn còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng ngành và chất lượng điểm thi thực tế của thí sinh. Do đó, thông tin chỉ có tính chất tham khảo.
>>> Mời quý phụ huynh và học sinh tra cứu điểm chuẩn đại học năm 2021.
Thanh Hùng
Những việc cần làm ngay sau khi biết điểm thi tốt nghiệp
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển ban đầu để có cơ hội trúng tuyển cao hơn vào những ngành học mơ ước. Thí sinh lưu ý có thể điều chỉnh tối đa 3 lần.
Điểm chuẩn ngành Báo chí khối C biến động mạnh trong 4 năm qua
Mức điểm chuẩn vào ngành Báo chí hầu hết tăng mạnh. Thậm chí, có trường mà thí sinh phải đạt hơn 9 điểm/môn mới trúng tuyển.
PGS.TS Phạm Minh Sơn làm Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc điều hành Học viện Báo chí và Tuyên truyền vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện.