- Giáo dục đang trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Chỉ có cải cách giáo dục toàn diện, triệt để mới đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của cuộc sống, chứ không thể tiếp tục đổi mới liên miên nhưng vụn vặt, chắp vá, hao tốn tiền của, công sức mà rốt cục gần như quay về điểm xuất phát, với triền miên những khó khăn, bế tắc kéo dài không dứt.
Điều nguy hiểm khó thấy hơn là giáo dục của ta đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Dù dễ dãi và lạc quan đến đâu, ai cũng phải thừa nhận sự lạc hậu của giáo dục. Nhưng điều nguy hiểm khó thấy hơn là giáo dục của ta đang đi lạc hướng ra xa con đường chung của nhân loại, đang phát triển lạc điệu với thế giới văn minh. Đã đi lạc hướng, đã phát triển lạc điệu thì làm sao đuổi kịp được người ta, làm sao hội nhập được với thế giới văn minh. Mà trong thời đại này, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược, nước nào không hội nhập được, không thich nghi được, tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi lại sau, “chết lâm sàng” rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ.
Cho nên có thể khẳng định sự lạc hướng, lạc điệu, không giống ai đó của giáo dục là cái căn bệnh gốc, cái nguyên nhân sâu xa từ đó đẻ ra mọi khó khăn, sai lầm của giáo dục.
Mà lạc hướng, lạc điệu trước hết từ tư duy cơ bản về mục tiêu, đường lối, phương pháp giáo dục, nói gọn lại, từ triết lý giáo dục. Đánh giá sự sa sút trầm trọng của chất lượng giáo dục, nhiều ý kiến thường nhấn mạnh khuyết điểm lớn nhất của nhà trường là chỉ chú ý dạy chữ (dạy kiến thức) mà lơ là dạy người. Điều đó theo tôi có lẽ chỉ mới đúng một nửa. Trên thực tế nhà trường của ta dạy người có khi còn chặt chẽ, quyết liệt hơn ai hết. Chỉ có điều cái nội dung và cách dạy người của ta sai, lệch hướng. Sai, lệch hướng vì chỉ nhằm đào tạo ra những mẫu người hoàn toàn không phù hợp với yêu cầu cuộc sống hiện đại, thiếu những tố chất cơ bản để có thể thành công trong thế giới hiện đại: tự do, trung thực và sáng tạo.
Một thời gian dài trước đây chúng ta sống trong chế độ quản lý tập trung bao cấp. Tuy về kinh tế chế độ này đã chấm dứt với công cuộc đổi mới từ giữa thập niên 80, nhưng cho đến nay tàn tích của nó còn ngự trị trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động thiết yếu của xã hôi, đặc biệt trong các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, giáo dục.
Cứ kiểm điểm lại kỹ, chúng ta sẽ dễ thấy dấu vết chế độ bao cấp tư tưởng hiển hiện ở hầu khắp các khâu giáo dục, từ chương trình, phương pháp giảng dạy, cách thức thi cử, cho đến tổ chức giáo dục, các chính sách tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dung cán bộ, v.v.
Đặc điểm của chế độ quản lý tập trung bao cấp là từ tư duy cho đến hành động mỗi thành viên của hệ thống chủ yếu đều trông chờ, dựa dẫm vào cấp trên. Ít cần suy nghĩ, ít cần sáng kiến. Chỉ cần lĩnh hội, và thực hiện, chấp hành. Hệ lụy rõ nhất của chế độ bao cấp tư duy ấy là thủ tiêu ý thức tự chủ, tinh thần chủ động và khả năng độc lập suy nghĩ, tư duy phê phán, đầu óc sáng tạo. Ngược lại khuyến khích ỷ lại, lười suy nghĩ, chỉ quen nghĩ theo, tin theo, làm theo một cách máy móc, mất dần ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, chỉ còn lại trách nhiệm đối với cấp trên. Con người thay vì là một chủ thể tự do biến thành một phương tiện, một công cụ thực hiện một lý tưởng không phải do mình lựa chọn, tin tưởng và tự chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy.
Trong thời kháng chiến giành độc lập thống nhất, chế độ bao cấp khó tránh khỏi về kinh tế, mà về các mặt tư tưởng, văn hóa nó cũng có lý do chính đáng vì phải tập trung mọi cố gắng giành chiến thắng. Nhưng trong thời bình, đời sống có vô vàn nhu cầu đa dạng, thế giới cũng đã thay đổi nhiều, đất nước đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới, với biết bao vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chưa từng gặp trước đây. Nhiều điều mới hôm qua còn cho là đúng, là chân lý bất khả tranh luận, thì nay đều phải xem xét lại, phải nhìn nhận lại với đôi mắt khác. Ngược lại có những điều trước đây bị phê phán, bây giờ phải chấp nhận .
Giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao
dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy
độc lập, cởi mở với cái mới. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Kinh nghiệm khắp nơi trên thế giới đêu cho thấy trong những điều kiện ấy mà dạy người theo cách áp đặt, ưc chế tư duy một chiều trong khi giáo lý giảng dạy trong nhà trường trái ngược với thực tế phũ phàng ngoài xã hội thì hệ lụy tất yếu dẫn đến phát sinh và nuôi dưỡng gian dối, đạo đức giả và bạo lực, cuối cùng gây ra bất ổn trầm trọng trong xã hội. Những điều đang diễn ra trong xã hội ta không phải là ngoại lệ.
Cho nên phải từ bỏ những quan niệm, tập quán, cách suy nghĩ về giáo dục đã quen thuôc một thời, can đảm tiến lên thực hiện một nền giáo dục khai phóng, như ở mọi nước văn minh hiện nay, dạy người nhằm rèn luyện nhân cách, phẩm chất trí tuệ, năng lực cảm thụ, ý thức cộng đồng, hướng theo thang giá trị phổ quát của nhân loại đương thời. Chỉ có như thế chúng ta mới có thể hội nhập thắng lợi vào thế giới văn minh và cái mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh mới có cơ may hiện thực. Bằng không, cuộc hội nhập quốc tế của chúng ta luôn gặp khó khăn và cái mục tiêu ấy sẽ mãi mãi xa vời.
Cụ thể, giáo dục phải hướng tới đào tạo con người hiện đại có cá tính nhưng bao dung, biết giao tiếp và hợp tác, biết làm việc có hiệu quả, có tư duy độc lập, cởi mở với cái mới, thích dấn thân, không ngại đương đầu với thách thức, khó khăn, sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm vì mục đích lớn và nhất là nhân ái, lương thiện, trung thực và có đầu óc sáng tạo, là những đức tính tối cần thiết trong đời sống xã hội hiện đại. Đó mới thật sự là dạy người theo nghĩa cao quý nhất. Đó mới thật sự là sứ mạng của giáo dục tiên tiến thời nay.
Giáo dục hiện đang đứng ở ngã ba đường, giống như kinh tế những năm giữa thập kỷ 80. Nếu lúc bấy giờ ta cứ kiên trì chế độ kinh tế tập trung bao cấp mà không nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống, kịp thời nhận ra nguồn gốc bế tắc của xã hội để có can đảm thay đổi tư duy, chấp nhận chính cái cơ chế thị trưởng đã từng một thời bị phê phán trước đây, thì làm sao có đường lối đổi mới đã cứu đất nước khỏi sự sụp đổ nhãn tiền.
Ngày nay, sau mấy chục năm chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, cũng đã đến lúc giáo dục phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, khác biệt với thế giới văn minh, để ngày càng tụt hậu xa hơn, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển, phù hợp với trào lưu tiến hóa chung của nhân loại, và đáp ứng lợi ích tôi cao của dân tộc.
"Tôi lo lắng vì trẻ em ta vượt trội ở những đức tính mà ở các nước phát
triển người ta không đặt yêu cầu quá cao cho lứa tuổi tiểu học vì muốn
gìn giữ cho trẻ em tính hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ". Ảnh Lê Anh Dũng |
Để kết thúc câu chuyện triết lý giáo dục này xin kể một kinh nghiệm. Có lần báo Tin tức của TTX Việt Nam đăng tin: theo kết quả khảo sát công bố trên một tạp chí Đức thì trình độ học vấn của học sinh tiểu học ở Hà Nội cao hơn ở Munich. Theo nhận đinh của nhóm nghiên cứu đó, học sinh Đức có phần thông minh hơn, nhưng học sinh VN vượt trội về khả năng tập trung chú ý, đặc biệt về môn toán, về tinh thần kỷ luật, kính trọng thầy cô, v.v.” Cứ theo đánh giá này, nếu là người Đức, tôi chẳng có gì phải lo lắng, còn là người VN thì tôi không cảm thấy hãnh diện, trái lại có phần cảm thấy lo lắng cho tương lai đất nước. Tôi lo lắng vì trẻ em ta vượt trội ở những đức tính mà ở các nước phát triển người ta không đặt yêu cầu quá cao cho lứa tuổi tiểu học vì muốn gìn giữ cho trẻ em tính hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Nhưng trẻ em ta lại có vẻ kém trẻ em Đức về thông minh, nếu quả thật như vây thì cần suy nghĩ nguyên nhân tại sao ? Một sự quan sát kỹ hơn ở bậc đại học cũng cho thấy hình như sinh viên VN du học ở các nước phát triển thường học tốt ở vài năm đầu, nhưng càng học lên cao càng mau đuối sức khi phải cạnh tranh về sức sáng tạo. Chắc chắn cách giáo dục của ta có vấn đề gì đây, chứ không lẽ bản chất người Việt chúng ta kém thông minh, sáng tạo so với thiên hạ. Vấn đề ấy chính là cái triết lý giáo dục lạc hậu của chúng ta.
***
Chẳng hạn, năm 1968 lý thuyết “chủ nghĩa xã hội thị trường” do nhà nhà lãnh đạo Tiêp Khắc Dubcek đề xuất bị cả phe xã hội chủ nghĩa coi là phản động, nguy hiểm, nên Dubcek đã bị môt cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô lât đổ. Sau này đến giữa những năm 80 chúng ta đã chấp nhận “cơ chế thij trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa” thì thực chất cũng là “chủ nghĩa xã hội thị trường” trước đây chúng ta đã bác bỏ.
- Hoàng Tụy