{keywords}
{keywords}

Chuyên gia ngôn ngữ Nga - Việt Ngô Như Bình vốn là sinh viên Khoa tiếng Nga của Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Tốt nghiệp đại học với kết quả xuất sắc, Ngô Như Bình đã được giữ lại trường làm giảng viên tại Khoa tiếng Nga.

Đến cuối năm 1978, ông rời Hà Nội sang Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Trong quá trình đó, Ngô Như Bình đã tham gia giảng dạy ngôn ngữ học và tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov.

Vào cuối những năm 80, khi xã hội Liên Xô mở cửa, ĐH Lomonosov bắt đầu mời giáo sư của các trường đại học Mỹ sang giảng dạy. Ấn tượng với một người Việt “nói tiếng Nga như người Nga”, rất quan tâm đến quan hệ Xô-Mỹ, Việt-Mỹ và ngôn ngữ học đại cương, một vị giáo sư người Mỹ đã giới thiệu cho Ngô Như Bình biết tới Học viện Đông Nam Á học mùa hè (Southeast Asian Studies Summer Institute - SEASSI) - nơi dạy ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá của các nước Đông Nam Á.

“Vị giáo sư này nói SEASSI năm nào cũng tuyển người dạy các khoá học trong vòng 10 tuần. Ông hỏi tại sao tôi không thử nộp đơn sang đó? 

Nhưng khi ấy tôi nghĩ, ở Mỹ có đến cả triệu người Việt, trong đó có những người học vị rất cao. Cơ hội cho tôi gần như không có. Dù vậy, vị giáo sư này vẫn khuyến khích tôi nộp đơn và ông nói sẽ là một trong những người viết thư giới thiệu tôi. Vậy là tôi đã thử”, GS Bình kể lại.

Mấy tháng sau, GS Ngô Như Bình bất ngờ nhận được thư của SEASSI mời ông sang ĐH Washington ở Seattle giảng dạy. Đây cũng là bước ngoặt lớn đối với chàng giảng viên trẻ người Việt.

Khi sắp kết thúc khoá học, GS Bình hay tin ĐH Harvard đang tìm người giảng dạy tiếng Việt. Lúc này, không còn sự tự ti như khi còn ở Moskva nữa, ông quyết định nộp đơn đến ĐH Harvard.

Như một cơ duyên, đơn của GS Bình được chấp nhận. Sau 12 năm làm việc tại Liên Xô, năm 1992, GS Ngô Như Bình quyết định chuyển từ Nga sang làm việc cho ĐH Harvard.

Ở ngôi trường đại học hàng đầu nước Mỹ này, GS Bình giảng dạy tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và văn minh Đông Á.

{keywords}

Trước khi GS Ngô Như Bình đến Mỹ, tiếng Việt đã được giảng dạy tại ĐH Harvard trong hơn 20 năm. Tuy nhiên khi đó, chỉ giai đoạn có nhu cầu, một giáo sư người Mỹ mới đứng lên chủ trì và thuê nghiên cứu sinh người Việt hoặc Việt kiều đến dạy. Vì vậy, sự xuất hiện của một chuyên gia ngôn ngữ và văn hoá Việt tại ĐH Harvard đã tạo ra một bước thay đổi lớn.

Sau gần 2 năm thử thách, GS Ngô Như Bình đã được giao trọng trách điều hành chương trình tiếng Việt một cách bài bản. Khi ấy, ĐH Harvard mới chính thức thành lập chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á.

Lần đầu tiên, tiếng Việt có tên trên tấm biển bộ môn, đứng ngang hàng với các tiếng Trung, Nhật, Hàn tại trường đại học hàng đầu nước Mỹ.

{keywords}

So với tiếng Trung hay tiếng Nhật, mặc dù sinh viên đăng ký học tiếng Việt ít hơn, song số lượng tương đối ổn định ở mức 20-30 người.

Khoảng thời gian 1994-1995 là giai đoạn đông sinh viên đăng ký học tiếng Việt nhất bởi đó là thời điểm Mỹ dành cho Việt Nam một sự quan tâm nhất định.

“Nhiều sinh viên chỉ đăng ký học một năm nhưng họ nói nhờ học môn này, họ đã có thể sử dụng tiếng Việt ở trình độ cơ bản. Rời Harvard, họ mang theo tình yêu đối với tiếng Việt, đối với đất nước Việt Nam. Có những người lại học với tôi 2-3 kỳ, thậm chí lâu hơn”.

GS Bình kể lại, nhiều sinh viên Mỹ biết đến Việt Nam qua các cuộc chiến tranh của thế kỷ trước. Sau khi học tiếng Việt và tự tìm hiểu, họ nghĩ rằng, cuộc chiến đó xảy ra là điều không may cho cả Mỹ và Việt Nam.

{keywords}

Cũng có một số sinh viên người Mỹ gốc Việt lựa chọn môn của GS Bình để quay về cội nguồn. Lúc đầu, nhiều sinh viên e ngại vì nghe nói “Tiếng Việt rất khó”. Nhưng sau vài tuần, họ nhận ra tiếng Việt cũng không khó hơn nhiều thứ tiếng khác. 

“Có những sinh viên Việt Nam lớn lên tại Mỹ, chỉ học đến năm thứ 3, nhiều bạn đã có những bài thuyết trình sâu sắc về văn hoá và lịch sử Việt Nam”.

GS Ngô Như Bình nhớ mãi về câu chuyện của một sinh viên Việt kiều lớn lên tại Mỹ. Anh này học đến gần hết năm thứ nhất bèn quyết định viết thư cho bà nội ở Việt Nam.

Trước đây, những bức thư anh viết gửi về Việt Nam chỉ bằng tiếng Anh, bà nội phải nhờ người khác dịch ra tiếng Việt giúp.

“Lần đầu tiên nhận được bức thư của cháu trai viết bằng tiếng Việt, người bà đã khóc vì xúc động. Dẫu cho bức thư ấy vẫn có những lỗi sai về ngữ pháp hay cách dùng từ nhưng đó cũng là bức thư được viết bằng cả trái tim của một người con xa xứ”.

Lại có những sinh viên học tiếng Việt một cách tình cờ. Chẳng hạn như một sinh viên người Mỹ năm thứ nhất đến dự thính môn tiếng Việt trong những ngày đầu tiên nhập học. 

GS Bình kể lại, cuối giờ, chàng sinh viên này đến gặp ông và nói bằng tiếng Nga: “Thưa thầy, ông em là bác sĩ từng làm việc tại Việt Nam trong thời chiến; bố em cũng là người quyết liệt phản đối chiến tranh. Em nghe nói thầy yêu nước Nga và em cũng thế. Em đã học tiếng Nga 4 năm từ thời trung học. Em quyết định sẽ học tiếng Việt với thầy”.

Nhờ cơ duyên cùng mang tình yêu tha thiết với nước Nga, cậu sinh viên này đã biết đến người thầy Việt và hiện đã trở thành người phiên dịch gắn bó với Việt Nam. Cậu cũng từng được Bộ Ngoại giao Mỹ cử đi phiên dịch cho các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai chính phủ.

Sau 28 năm công tác tại ĐH Harvard, GS Ngô Như Bình đã trở thành người bắc cầu đưa ngôn ngữ và văn hoá Việt đến gần hơn với sinh viên quốc tế. Mỗi khi bắt đầu buổi học đầu tiên, ông đều nhắn nhủ sinh viên: "Các bạn học tiếng Việt không phải chỉ học một vài từ hay cấu trúc ngữ pháp để nói dăm ba câu chuyện. Các bạn học tiếng Việt là để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cho nên, nhiệm vụ của tôi là giúp các bạn có được thứ phương tiện ngôn ngữ ấy".

{keywords}

Tiếng Việt luôn là điều khiến GS Ngô Như Bình cảm thấy trăn trở. Làm thế nào để giảng dạy tiếng Việt có hiệu quả? Làm thế nào để cho mọi người thấy cái hay và cái đẹp của tiếng Việt?

Và, tiếng Việt với ông còn là nỗi đau, bởi trong thời gian gần đây, tiếng Việt đang mất dần sự trong sáng.

“Tiếng Việt trong thời kì hội nhập đang thay đổi rất nhanh chóng và vay mượn số lượng lớn từ ngữ của nước ngoài. Có những sự vay mượn tích cực, trong tương lai có thể trở thành chuẩn mực. Nhưng cũng có những tình huống và ngữ cảnh, tiếng Việt hoàn toàn đủ phương tiện từ ngữ để diễn đạt, thế nhưng người Việt vẫn sử dụng tràn lan tiếng nước ngoài", ông nói.

GS Bình lấy ví dụ:"Vinamilk đứng thứ 2 top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. Từ “top” hiện được dùng tràn lan trong tiếng Việt, vừa lạc lõng với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, vừa sai với qui tắc cú pháp tiếng Việt. Ở câu này, cần phải viết thành “Vinamilk đứng thứ 2 trong số 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam”.

{keywords}

Bên cạnh đó, theo ông, người Việt ngày càng mắc nhiều lỗi về cấu trúc ngữ pháp và cách dùng từ. "Tôi muốn nói đến mảng tiếng Việt chuẩn, đặc biệt là báo chí.

Có nhiều lỗi về dùng từ như “Tân Hoa hậu Biển Việt Nam sinh năm 1995, sở hữu chiều cao gần 1,7m”. “Sở hữu” vốn là từ dùng để chỉ sự sở hữu đối với tài sản có giá trị lớn, không dùng để chỉ những gì mà một người nào đó vốn có. Trong câu này, cần sửa thành “Tân Hoa hậu Biển Việt Nam sinh năm 1995, cao gần 1,7m”.

Hay có những lỗi khác như dùng lẫn lộn phương ngữ trong cùng văn bản như: “Canada là quốc gia có số lượng các vụ tấn công bạo lực khá thấp và thấp hơn rất nhiều so với nước láng giềng Mỹ”; “Một con lợn mẹ đẻ được 11 con heo con”;…”.

Từ những dẫn chứng trên, GS Ngô Như Bình cho rằng, đã đến lúc vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần phải được đặt ra một cách rất nghiêm túc.

Thúy Nga

Ảnh: Tùng Tin

Thiết kế: Tú Uyên

Từ nữ sinh trường làng đến Quả Cầu Vàng 2019

Từ nữ sinh trường làng đến Quả Cầu Vàng 2019

- Lê Ngọc Liễu từ bỏ mức lương hơn 100 triệu/tháng ở trường ĐH của đức vua Abdullah (Ả Rập Xê Út) để về nước.