{keywords}

 

{keywords}
{keywords}

Phóng viên: Trong cơn loay hoay tìm hướng ra của giáo dục VN nói chung và giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng, thì yếu tố tài chính luôn được cho là một trong những “cái khó bó cái khôn”. Giờ, đứng trước cơ hội “thoát nghèo” này, anh có cho rằng “có thực sẽ vực được đạo”?

GS Phan Dương Hiệu: Để trả lời câu hỏi của bạn, cần xác định rõ: Tài chính có phải là yếu tố duy nhất thiếu cho sự phát triển khoa học ở VN?

Rõ ràng, nếu ta có vô hạn tài chính, ta có thể làm những điều tuyệt vời.

Chẳng hạn như: Xây dựng một cơ chế đãi ngộ xứng đáng với công sức, chất xám của những người làm khoa học/giảng viên, giúp đảm bảo cuộc sống và nuôi giữ cảm hứng làm nghề ở họ. Phải có một lực lượng giảng viên nghiên cứu mạnh thì mới khả dĩ cải thiện được chất lượng ĐH. Những đề tài khoa học, chương trình đào tạo xứng đáng cần được đầu tư mạnh để không bị “cớm nắng”, chết yểu.

ĐH phải là những môi trường nghiên cứu thực sự, nơi có những lab nghiên cứu mạnh với phương tiện và phòng làm việc cho các giảng viên/nghiên cứu viên, không gian trao đổi học thuật và các hoạt động khoa học thường xuyên. Có vậy, những người làm khoa học mới có thể toàn tâm toàn ý tập trung cho nghiên cứu, đào tạo, thay vì bị phân tâm, tán lực.

Ta thường nói đến việc "trải thảm đỏ" thu hút người tài trở về đóng góp cho đất nước. Ta có thể không cần khẩu hiệu đó nữa. Khi đối xử thật xứng đáng với những người tài trong nước, tự khắc sẽ có nhiều sự đóng góp đến từ khắp mọi nơi...

Nhưng để đi đến thay đổi cơ bản, để có thể tiến ngang các nước phát triển, thì tài chính không phải là yếu tố duy nhất, không phải là điều kiện đủ. Một truyền thống khoa học lâu dài, một môi trường nghiên cứu tự do, một hệ thống lựa chọn người tài công bằng minh bạch là cái không thể dùng tiền mà có thể cải thiện ngay được.

Liệu ta có thể bỏ mọi quy trình tuyển chọn giảng viên, tuyển chọn người lãnh đạo nghiên cứu, mà không phải thông qua các ban bệ, mà độc lập với quan điểm chính trị, và chỉ dựa trên khả năng? Liệu ta có thể xây dựng các chương trình đào tạo đại học hướng tới việc phát triển những tư tưởng tự do, không định hướng? Bởi lẽ, chỉ khi có một môi trường học thuật tự do đúng nghĩa, mới hy vọng "trăm hoa đua nở", đưa nền khoa học thực sự khởi sắc để hòa vào dòng phát triển của thế giới.

Tiền – tuy rất cần, nhưng quả đúng không thể là “cây đũa thần” để giúp “hô biến” ngay lập tức mọi thứ, nhất là trong một lĩnh vực đặc thù, cần đến sự nghiên cứu nghiêm túc, bài bản và thận trọng như giáo dục. Tuy vậy, để tiền tỷ không bị lãng phí, theo anh, cần một nghệ thuật “liệu cơm gắp mắm” thế nào?

Thực ra thì vài nghìn tỉ tuy lớn nhưng cũng không phải quá lớn để có thể thay đổi toàn bộ diện mạo nền khoa học (mỗi năm Mỹ hay Trung Quốc đầu tư tầm 500 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển R&D- tức là hàng chục triệu tỉ đồng). Nhưng nếu ta tiêu đúng cách, hiệu quả có thể rất lớn. Như Viện VIASM, mỗi năm thực sự nhận 15-16 tỉ cho mọi hoạt động, nhưng đã thay đổi được khá nhiều không khí toán học trong nước, tạo được nhiều khởi sắc hơn hẳn.

Theo tôi, với một khoản đầu tư đáng kể, đẩy mạnh khoa học cần tập trung 2 yếu tố: đẩy mạnh một số nghiên cứu mũi nhọn làm đầu tàu và chuẩn bị một nền tảng để sự phát triển là lâu dài.

{keywords}

Cần đẩy mạnh nghiên cứu mũi nhọn theo phương hướng nào, thưa anh?

Chúng ta cần lựa chọn những nhóm nghiên cứu mạnh nhất, với những đề tài có ý nghĩa nhất trong dòng chảy của thế giới (cả đề tài cơ bản lẫn ứng dụng, nhưng phải là những hướng được thế giới quan tâm, tránh đi vào những ốc đảo lỗi thời, có thể sản xuất được nhiều bài nhưng chỉ là đi vào ngõ cụt và không được quan tâm). Với những đề tài đó cần đầu tư thật mạnh, để người đứng đầu có thể phát triển nhóm, hợp tác với thế giới với điều kiện không kém những nơi tốt nhất.

Cách thưởng nóng, quy điểm cho các công trình SCI, SCIE trong việc nghiệm thu đề tài, phong chức danh... có tác dụng nhất định, nó cũng thường là bước đầu các nước đang phát triển hay làm để nâng số lượng người làm khoa học có chuẩn chất lượng.

Nhưng bên cạnh đó cần phải có những cách khác hẳn để đẩy mạnh những hướng mũi nhọn, nơi có thể kết quả không dựa trên số lượng những công trình mà là một số ít công trình đột phá. Để có thể biết được đâu là những hướng đi như thế, ta không thể đánh giá qua hệ thống tính điểm, mà cần có một hội đồng những người làm khoa học uy tín, có tầm nhìn để có thể đánh giá những nhóm có hướng phát triển nhiều triển vọng, những công trình chất lượng được đăng ở những tạp chí hay hội nghị thuộc top đầu thế giới.

Ta có thể lập một hội đồng như thế với sự cộng tác của những chuyên gia nước ngoài, vì số lượng chuyên gia của ta còn hạn chế trong mỗi chuyên ngành hẹp. Suy cho cùng, khi đã đạt đến một ngưỡng nào đó, làm khoa học cần có niềm vui và hứng thú vào những hướng đi có ý nghĩa nhất, chứ không phải là tập trung làm ra làm nhiều công trình nhất. Khi ta tạo động lực cao (incentive) cho những công trình chất lượng, những nhà khoa học đang đạt phong độ cao sẽ yên tâm tập trung vào phát triển những hướng đi tiên phong, những công trình lâu dài (một số ngành lý thuyết có thể vài năm mới có kết quả) mà không cần chạy đua với số lượng.

Còn về việc chuẩn bị nền tảng, nên bắt đầu từ đâu?

Tôi cho rằng chúng ta cần tập trung vào đào tạo. Bước chuẩn bị cho phát triển khoa học là các chương trình đào tạo ở mức Cao học và Tiến sỹ đang gặp khó khăn lớn.

Trong khi nguồn đầu tư cho các chương trình cao học bị hạn chế thì ở mặt khác, các công ty sẵn sàng trả lương cao cho các sinh viên giỏi tốt nghiệp ĐH. Việc thu hút sinh viên giỏi tiếp tục học cao lên nữa là rất khó khăn. Mặt khác, dù khó khăn nhưng ngay trong mỗi lĩnh vực, mỗi trường vẫn lập một Master riêng, dẫn đến chuyện vừa thiếu thầy dạy vừa ít sinh viên. Chúng ta cần tạo văn hoá kết hợp giữa các trường trong việc đào tạo ở bậc cao học.

Nói riêng trong ngành khoa học máy tính mà tôi biết khá rõ, ở Paris, hơn 10 trường đứng đầu hợp lực xây dựng một Master chất lượng về khoa học máy tính từ hơn 20 năm và hầu hết các nhà nghiên cứu về KHMT đều học qua Master này, nơi những giáo sư được mời dạy cũng coi việc được dạy những sinh viên giỏi nhất cũng là một vinh dự và là một cơ hội quý để tìm kiếm những nghiên cứu sinh giỏi.

Chúng ta cần có cơ chế để ủng hộ và khuyến khích các trường ngồi lại với nhau để cùng tổ chức những chương trình cao học chất lượng. Khi hợp lực, chất lượng dạy sẽ tăng lên rất cao với những GS phù hợp nhất từ các nơi cùng dạy.

Nhà nước hay các Quỹ khoa học cần khuyến khích những sự hợp lực này bằng cách ủng hộ thật mạnh về tài chính cho cả người giảng dạy và đặc biệt cho cả sinh viên với chế độ học bổng thật tốt, để sinh viên giỏi quyết tâm học lên cao chứ không chạy theo những công việc có thể có thu nhập ngay nhưng không phát huy hết tiềm năng của họ.

Tạo ra 1000 học bổng Cao học (cho các ngành) với mức 100 triệu/năm (tổng là 100 tỉ, chấp nhận được nếu có những tập đoàn ủng hộ nghìn tỉ cho khoa học) có thể thu hút được một lực lượng lớn sinh viên chất lượng cao học cao học, và đó là bước chuẩn bị nền tảng cho việc phát huy các chương trình đào tạo tiến sỹ, nơi đào tạo những nhà khoa học thế hệ kế cận. Các chương trình Master, PhD cần được hỗ trợ để kết hợp mời các giảng viên quốc tế, vừa giúp cho việc giảng dạy, đồng thời trao đổi nghiên cứu.

Và để hoà nhập cùng thế giới, chúng ta cũng không chỉ mời họ đến mà có thể gửi những nhà nghiên cứu trẻ đi sang những Lab mạnh nhất của thế giới với thời hạn ngắn (3-6 tháng). Sống trong môi trường đỉnh cao có tác dụng rất lớn cho việc phát triển và nhìn nhận những hướng nghiên cứu ý nghĩa.

{keywords}

Hiện tại có những tập đoàn lớn cũng muốn phát triển các Viện nghiên cứu, họ có thể trả lương rất cao để thu hút các nhà khoa học. Đâu là cách phát triển tích cực, nếu nhìn nhận tổng quan cho cả nền khoa học?

Việc thu hút nhân lực của các tập đoàn lớn, xét trên nguyên tắc thị trường là rất tốt.

Tuy vậy, đối với lực lượng khoa học mỏng hiện nay của nước ta thì cũng rất dễ làm ảnh hưởng lớn đến các trường: mỗi chuyên ngành ở mỗi khoa chỉ có 1,2 trụ cột, nếu một tập đoàn trả gấp 3,4 lần lương rồi kéo họ đi thì khoa rất dễ rơi vào khủng hoảng, việc đào tạo có thể bị gián đoạn. Nếu làm theo cách đó, các tập đoàn sẽ gây ảnh hưởng xấu đối với nền khoa học.

Có thể có những cách phát triển tập đoàn, đồng thời phối hợp phát triển giữa các tập đoàn R&D và các ĐH một cách hiệu quả mà nhiều nước hay làm.

Một là, cố gắng kéo một số ít chuyên gia đầu ngành từ nước ngoài về và trao cho họ toàn quyền tổ chức nhóm nghiên cứu, tuyển những người nghiên cứu trẻ mới tốt nghiệp PhD, đặc biệt từ nước ngoài trở về.

Hai là, đối với các giảng viên cơ hữu của các trường ĐH thì ký kết hợp với các trường. Nếu giảng viên phải lên lớp 300h/năm thì có thể ký kết với ĐH là trả 150 giờ dạy của giảng viên cho nhà trường (với mức hậu hĩnh để họ hài lòng) và đổi lại, giảng viên tham gia 1/2 số lượng giờ dạy đó vào Viện của các tập đoàn: đến Viện nghiên cứu, đào tạo PhD...

Lâu nay, bộ phận nghiên cứu của các tập đoàn công nghệ của ta chưa mạnh, các công ty chưa cần nhiều đến nghiên cứu khoa học nên họ chỉ cần tuyển sinh viên ĐH giỏi là đủ, điều đó vô hình trung kéo mất những sinh viên giỏi không học tiếp lên cao.

Tới đây, đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn quan tâm đến phát triển khoa học, phát triển những công nghệ tiên tiến nhất, bản thân họ sẽ cần đến nhân lực chất lượng cao ở trình độ thạc sỹ và tiến sỹ, điều đó cũng sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy và phát triển đào tạo ở bậc này.

Đây là lúc nhà nước cần có sự phối hợp khuyến khích phát triển cả về nghiên cứu và đào tạo giữa các cơ sở hàn lâm, ĐH và khối công nghệ.

{keywords}

Trong bài phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng cho rằng: “Tự chủ ĐH nhằm tạo điều kiện cho các trường được tự chủ hơn về học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính (...) đào tạo sinh viên với tư duy phản biện. Tuy nhiên, tự chủ ĐH không có nghĩa là các trường phải "tự túc" hoàn toàn. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu (...) để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề, lĩnh vực khó xã hội hóa và đất nước đang rất cần”. Liệu với tâm thế tự chủ đó, các trường ĐH đã đủ bàn đạp để cất cánh? Đâu là các bước cần thiết để chuyển mình?

Tôi cho rằng dự luật GDĐH (sửa đổi) như vậy là tích cực.

Việc để các trường ĐH tự chủ nhưng nhà nước vẫn đầu tư để đảm bảo nghiên cứu và đào tạo những ngành quan trọng, cơ bản nhưng khó hút sinh viên là một phương hướng đúng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần phải có sự hỗ trợ sinh viên hợp lý (thông qua chế độ học bổng, tín dụng sinh viên), vì nếu không, có nguy cơ một lượng lớn sinh viên nhà nghèo không còn có khả năng chi trả học phí để theo học.

Tự chủ ĐH với tinh thần «tự chủ về học thuật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính, đào tạo sinh viên với tư duy phản biện...” - nếu thực sự được cho phép thì theo tôi, các trường ĐH sẽ có thể làm nhiều bước để thay đổi và phát triển.

Khoan hãy nói về việc tăng thêm nguồn thu, với tinh thần trên, các trường Đại học hoàn toàn có thể sử dụng nguồn kinh phí hiện có một cách hiệu quả hơn.

Chương trình ĐH với tinh thần tự chủ về học thuật sẽ có thể tối giản những môn học lạc hậu, không cần thiết, những môn làm cản trở tư duy phản biện của sinh viên. Nó sẽ tiết kiệm chi phí giảng dạy và nhất là thời gian cho sinh viên để tập trung vào các môn thực chất.

Khi bớt bị ràng buộc về các thủ tục hành chính, các trường có thể tự chủ trong việc tuyển giảng viên dựa hoàn toàn trên chuyên môn, giảm hay bỏ hẳn vai trò các phòng ban trong việc can thiệp vào chuyên môn khoa học.

Đặc biệt, các trường có thể tự chủ trong việc tuyển chọn GS/PGS, có thể theo mô hình “trường tự chủ tuyển những GS/PGS đạt chuẩn nhà nước”. Vòng xét chuẩn nhà nước như hiện nay có thể làm nhẹ đi hơn, thay vào đó vòng tuyển thực sự vị trí GS/PGS còn khuyết ở từng trường ĐH thì mới là quan trọng và phải trao cho các trường tự quyết, mỗi vị trí phải rộng mở cho tất cả những ai đã đạt chuẩn và xét qua một hội đồng xét tuyển minh bạch chỉ bao gồm những người am hiểu chuyên môn. Chúng ta cần quan niệm GS/PGS là các chức vụ chứ không phải là chức danh, học hàm.

Bộ máy gọn nhẹ thanh thoát, chương trình đào tạo phù hợp với xu thế của thế giới - những điều đó sẽ giúp các trường chuyển mình.

Xin cảm ơn anh!

Thư Quỳnh (Thực hiện)

Thiết kế: Diễm Anh

GS Phan Dương Hiệu lấy bằng Tiến sĩ và Tiến sĩ khoa học về Mật mã tại trường ĐH hàng đầu nước Pháp Ecole Normale Supérieure (ENS). Từ năm 36 tuổi, anh là giáo sư tại Viện nghiên cứu XLIM, ĐH Limoges, Pháp, thành viên liên kết của Nhóm Mật mã tại ĐH ENS. Nghiên cứu của anh tập trung vào việc sử dụng các phương pháp toán học trong việc thiết kế các chương trình mã hóa. Là thành viên của Ủy ban điều hành hội mật mã châu Á từ năm 2013, đồng chủ tịch hội nghị Asiacrypt 2016 tại Hà Nội cùng GS Ngô Bảo Châu. Đồng thời là giám đốc chương trình Master 2 Mathematics - Cryptis - chương trình Thạc sĩ chuyên về mật mã đầu tiên ở Pháp, được lập ra từ hơn 30 năm trước.