Thời gian gần đây, không ít phụ huynh đổ xô cho con đi luyện viết chữ đẹp. Chưa biết tác dụng của việc làm này đến đâu nhưng nhiều trẻ đã phải nhập viện do không chịu được áp lực tâm lý.
'Chữ xấu làm khổ người khác'
Trường học Đức thích ứng với kiểu chữ mới
Mối lo thật sự từ phong trào luyện chữ đẹp
Rèn chữ đẹp, cô bắt trò xé vở
Rèn chữ đẹp là luyện Nhẫn, Tĩnh, Kỹ....
Viết chữ đẹp đã lỗi thời?
Văn hay chẳng liên quan chữ tốt
Điều quan trọng nhất với trẻ khi tập viết là cầm bút và ngồi viết đúng tư thế |
Người bảo cần, người nói không
Chị Hoàng Cẩm Anh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) có cậu con trai mới vào lớp 1 tâm sự, dù mới là năm học đầu tiên nhưng hàng ngày con trai chị phải tập viết khá nhiều. Cháu không chỉ tập viết ở lớp mà buổi tối nào khi về nhà, cũng phải luyện viết thêm 1 trang vở nữa. Thời gian đầu khi viết bút chì, mỗi khi viết sai hay viết xấu, con trai chị Cẩm Anh lại tẩy đi viết lại, nhưng nay do đã viết bút mực nên khi viết bị lỗi cu cậu rất lo sợ thậm chí nhiều lần còn định xé vở: “Hầu như tối nào cháu cũng phải cặm cụi viết đến khuya nên hết kêu mỏi tay lại đau cổ. Tôi bảo con không cần viết nữa thì cháu khăng khăng viết hết vì sợ cô phạt. Cháu còn muốn đi luyện chữ thêm vì “các bạn trong lớp đã đi học hết, chữ đẹp nên toàn được cô khen”. “Chắc sẽ phải đăng ký cho con đi luyện chữ” – chị Cẩm Anh than phiền.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, một tuần 3 buổi, sau khi đón con ở trường về, chị Đào Thị Phương ở khu đô thị mới Trung Hoà – Nhân Chính, quận Thanh Xuân lại tất tả đưa cô con gái đang học lớp 2 đến trung tâm luyện viết chữ. Chị Phương cho biết, so với các bạn trong lớp, con gái chị chỉ đứng ở tốp giữa, chữ viết tuy rõ ràng nhưng chưa đẹp nên ảnh hưởng đến thi đua chung của lớp, bị cô phàn nàn suốt. “Tôi chỉ sợ nếu không được luyện chữ sớm, con sẽ viết cẩu thả rồi hỏng chữ nên đã đăng ký cho cháu luyện chữ thêm ở trung tâm. Cháu không thích nhưng không dám trái lời mẹ nên miễn cưỡng đi học. Thôi thì được chữ nào hay chữ đấy” – chị Phương lo lắng.
Đối lập với quan điểm trên, một số phụ huynh lại cho rằng việc cho con luyện chữ đẹp là không cần thiết. Họ khẳng định, đối với trẻ, điều quan trọng nhất là cách cầm bút và tư thế ngồi viết đúng đắn, còn chữ đẹp hay xấu là thuộc về… năng khiếu của từng em. “Vợ chồng tôi chỉ yêu cầu con viết chữ rõ ràng, sạch sẽ là được, còn chữ có đẹp đến mấy mà viết quá chậm cũng không ổn. Theo tôi, bản chất của các cuộc thi viết chữ đẹp là tốt song vấn đề nằm ở chỗ nó có biểu hiện bệnh chạy theo thành tích của một số trường. Hiện tượng học sinh xé vở khi viết sai, viết lỗi là hệ quả của căn bệnh đó”- anh Lê Trung Thắng ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa bày tỏ quan điểm.
Không nên làm khổ trẻ
Thông thường, vào cuối năm học, các phòng giáo dục sẽ tổ chức thi vở sạch chữ đẹp tại các trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – một giáo viên Tiểu học quận Ba Đình đã nghỉ hưu cho rằng, để tìm được “gà nòi”, ngay từ đầu năm lớp 1, giáo viên chọn ra khoảng 3, 4 em có nét chữ đẹp để tập trung rèn. Do vở sạch chữ đẹp là một trong nhiều tiêu chí để đánh giá xếp loại thi đua của giáo viên và nhà trường nên nhiều thầy, cô đã phải tìm mọi cách để đạt được khiến cả cô và trò đều mệt nhoài. Để khắc phục tình trạng này, mỗi thầy cô cần hiểu rằng mục tiêu chính của môn Tập viết là thanh toán chữ xấu chứ không phải yêu cầu tất cả các em đều viết chữ đẹp. Do vậy, học sinh chỉ cần viết chữ đúng chính tả, ngữ nghĩa, đủ nét, đủ dấu là được. Nhà trường và phụ huynh chỉ nên coi viết chữ đẹp là một hoạt động ngoại khóa, khuyến khích học đối với những em có năng khiếu.
Cũng theo bà Hòa, không ai có quyền ép trẻ phải luyện chữ và các thầy cô cũng không đủ sức làm việc đó. Có một thực tế đáng buồn là không ít phụ huynh nhận thức về điều này không đầy đủ nên đã tìm mọi biện pháp bắt con phải ra sức luyện viết chữ đẹp. Điều này trở thành phản tác dụng bởi nếu bị o ép quá trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực, không muốn đến trường.
Còn theo bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E, việc phải luyện viết chữ thường xuyên, trong thời gian dài sẽ khiến mắt trẻ quá tải, ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực, dẫn đến cận thị, loạn thị. Bên cạnh đó, nếu ngồi không đúng tư thế, trẻ sẽ có nguy cơ bị đau cơ, ảnh hưởng tiêu cực đến xương, đặc biệt là cột sống. Do vậy, với những trẻ chưa vào lớp 1, phụ huynh nên cho trẻ vừa học vừa chơi, nhận biết con chữ, con vật bằng những dụng cụ hoạt hình. Việc rèn chữ cho trẻ phải dựa trên khả năng của từng em chứ không nên gượng ép. Bởi với trẻ dưới 6 tuổi, hệ thống cơ xương khớp ở tay chưa phát triển thành thục nên việc luyện chữ nhuần nhuyễn theo các ô ly là rất khó khăn. Còn với trẻ đã đi học, việc phải luyện viết ngoài giờ sẽ làm cho trẻ mệt mỏi, sợ đi học. Khi bị ép quá, trẻ thường biểu hiện căng thẳng, toát mồ hôi, đau bụng và ngủ mơ, lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.
Do đó, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ, các bậc cha mẹ và nhà trường không nên ép con đi học luyện chữ đẹp, kẻo “lợi bất, cập hại”.
(Theo Huệ Linh/ An Ninh Thủ Đô)