- Mới đây, thông báo tuyển dụng của Viện Khoa học công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (V-KIST) ít nhiều thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu Việt Nam. Hiện tại, V-KIST đang trong quá trình tìm kiếm những nhà nghiên cứu cấp cao – nhóm lãnh đạo của Viện.
Tiến sĩ Kum Dongwha - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Thảo |
V-KIST là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ không hoàn lại số vốn 35 triệu USD cho việc xây dựng và hoạt động. Việt Nam sẽ đầu tư 35 triệu USD bao gồm vốn đối ứng là đất và chi tiêu thường xuyên trong vòng 10 năm.
Cuối tháng 11/2017, V-KIST đã chính thức được khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc. Ở giai đoạn 1, phía Hàn Quốc sẽ chi 22 triệu USD cho việc xây dựng các toà nhà.
Về cơ chế hoạt động, V-KIST được độc lập hoàn toàn về tài chính và định hướng nghiên cứu ứng dụng nhằm giải quyết nhu cầu của nền công nghiệp, của chính các doanh nghiệp thay vì định hướng học thuật.
Chia sẻ với VietNamNet, tiến sĩ Kum Dongwha – Viện trưởng V-KIST - cho rằng có thể mô hình này khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng không có gì khác biệt so với các viện nghiên cứu trên thế giới.
“Ở Việt Nam, khoảng cách giữa học thuật và nghiên cứu là rất xa. Những nghiên cứu trong trường đại học ít khi ứng dụng được vào doanh nghiệp. V-Kist nhằm lấp đầy khoảng trống đó – tức là liên kết giữa khối học thuật và doanh nghiệp trong nền công nghiêp”.
V-KIST được xây dựng theo mô hình Viện KIST của Hàn Quốc và những gì mà V-KIST đang làm thì KIST đã làm trong 53 năm qua. Ông Kum đưa một ví dụ khác cũng được xây dựng theo mô hình của KIST, đó là Viện ITRI của Đài Loan mà hiện nay đang hoạt động rất thành công và là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Đài Loan.
Tìm kiếm những người sẵn sàng làm bẩn đôi tay
Theo kế hoạch phát triển, viện hoạt động chủ yếu dựa trên nguồn thu từ các hợp đồng nghiên cứu được đặt hàng từ phía doanh nghiệp. Để làm được điều đó, V-KIST phải trang bị những máy móc, phòng thí nghiệm hiện đại nhất và đặc biệt là phải có được những con người giỏi nhất trong các lĩnh vực nghiên cứu.
Đó cũng là lý do V-KIST sẵn sàng trả cho các nhà nghiên cứu mức lương cao gấp 5-6 lần mức lương cơ bản được trả trong các viện nghiên cứu công lập.
“Chúng tôi sẽ xây dựng một cơ chế hoạt động mà các nhà nghiên cứu không phải viết các bài báo hay bài nghiên cứu, mà chỉ tập trung vào nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Khi họ tập trung nghiên cứu như vậy, đương nhiên thành quả nghiên cứu sẽ kiếm được những nguồn thu đủ để không cần phải làm một công việc gì khác ngoài tập trung vào nghiên cứu”.
Đổi lại, các nhà nghiên cứu của V-KIST sẽ phải làm việc giống như những kỹ sư – tức là phải “nhúng tay vào, phải làm bẩn đôi tay của mình để cho ra được các sản phẩm”, thay vì chỉ nghiên cứu trên lý thuyết.
“V-KIST cần các nhà khoa học có tinh thần chấp nhận thử thách và đổi mới. Họ không những phải có bằng tiến sĩ, có kinh nghiệm làm việc, mà còn phải là những người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình".
“Với những kế hoạch đã đặt ra, tôi mong muốn làm việc với người Việt Nam vì V-KIST là viện của Việt Nam, không phải là viện của tôi hay của Hàn Quốc. Những nhà nghiên cứu có bằng cấp cao, đến đây chỉ vì mong muốn một mức lương cao cũng sẽ không phù hợp với V-KIST” – ông khẳng định.
Hình ảnh đồ hoạ của V-KIST trong tương lai |
Trước câu hỏi: V-KIST có lo ngại khi phải cạnh tranh với khối doanh nghiệp tư nhân trong việc thu hút nhân sự chất lượng cao, TSĩ Kum thẳng thắn khẳng định ông không cảm thấy “bị đe doạ” mặc dù có thể V-KIST chỉ trả cho các nhà nghiên cứu mức lương bằng 2/3 so với khối doanh nghiệp.
“Việc V-KIST trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cho chúng tôi một số lợi thế. Chúng tôi có sự ổn định về nghề nghiệp lớn hơn. Các nhà nghiên cứu làm việc cho V-KIST có được sự tự do và linh hoạt trong nghiên cứu. Họ có thể lựa chọn đề tài nghiên cứu cho mình, trong khi làm việc cho khối tư nhân, nhà nghiên cứu là một phần của bộ máy khổng lồ và phải tuân theo bộ máy đó để mang lại lợi nhuận hoặc sản phẩm cho thị trường. Nếu bạn không làm được điều đó, bạn có thể bị sa thải ngay”.
Định hướng nghiên cứu ứng dụng đang là xu thế
Chia sẻ về mô hình các viện nghiên cứu ở Hàn Quốc, TS Kum cho biết, ở nước này, bên cạnh KIST còn có khoảng 25 viện GRI (government supported-research institute), tức là những viện được chính phủ hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu.
“GRI là hệ thống rất đặc biệt của Hàn Quốc. Viện GRI được Chính phủ hỗ trợ 30% tài chính hoạt động, 70% là đến từ các nguồn thu của hợp đồng nghiên cứu. Tuy nhiên, với những lĩnh vực rất đặc biệt thì việc kiếm tài chính từ dự án, từ doanh nghiệp là rất khó, thì Chính phủ sẽ hỗ trợ nguồn vốn trực tiếp lên đến 80%, còn 20% đến từ các dự án”.
Còn V-KIST đặt ra mục tiêu: 1/3 nguồn tài chính đến từ Chính phủ chi cho chi thường xuyên trong 10 năm đầu, 1/3 tài chính từ các hợp đồng của doanh nghiệp, 1/3 đến từ các chương trình nghiên cứu và phát triển quốc gia.
TS Kum cũng chia sẻ:
“Trước đây, giáo sư lương cao hơn những nhà nghiên cứu, nhưng bây giờ thì ngược lại. Đặc biệt, những người làm trong các doanh nghiệp lớn như Samsung thì lương còn cao hơn nhiều làm ở KIST. Tuy nhiên, những người trẻ sau khi học tiến sĩ xong, sau khi đã làm việc cho các doanh nghiệp, lại mong muốn về KIST để làm việc. Có nghĩa là những người hưởng lương rất cao ở doanh nghiệp lại mong muốn trở về KIST mặc dù mức lương thấp hơn nhiều. Bởi vì ở đây, họ có sự tự hào khi được đóng góp cho sự phát triển của nền khoa học công nghệ. Họ có cơ hội để phát triển nghề nghiệp ở một tầm cao hơn”.
Trong khi đó, theo ông quan sát, ở Việt Nam có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng hầu hết làm việc trong lĩnh vực học thuật, nghiên cứu cơ bản. “Để định hướng lại việc đó không phải là dễ” – ông nói.
Nguyễn Thảo
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dẫn đầu cả nước về nghiên cứu khoa học
Theo bảng xếp hạng Nature Index 2018 do tổ chức Nature Research vừa công bố, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị dẫn đầu danh sách các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu trong nước về nghiên cứu khoa học.
Khai mạc triển lãm kết quả nghiên cứu KH&CN đồng bằng sông Hồng
“Triển lãm kết quả nghiên cứu khoa học & công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng năm 2018” đã được khai mạc sáng 28/9 tại Trường ĐH Hàng hải Việt Nam. Triển lãm sẽ diễn ra trong 2 ngày 28-29/9.
Vương quốc Anh cam kết phát triển các chương trình nghiên cứu là lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam
Thời gian qua, Chương trình Newton Việt Nam đã có nhiều thành công đáng ghi nhận. Hai bên đã cùng tài trợ 5 dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực
GS Vũ Hà Văn làm Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Vingroup
Tại hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018, GS. Vũ Hà Văn (ĐH Tổng hợp Yale, Mỹ) đã trình bày phần giới thiệu về Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn của Tập đoàn Vingroup do ông là Giám đốc khoa học.
Thưởng gần 300 triệu đồng cho nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm gây xôn xao y khoa thế giới
Trường ĐH Y dược TP.HCM vừa ký quyết định khen thưởng cho bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, tác giả chính nghiên cứu về thụ tinh ống nghiệm của Việt Nam gây xôn xao y khoa thế giới vừa qua.