Mới đây nhất, ngày 25/11, Tổ chức giáo dục QS (Vương quốc Anh) công bố kết quả xếp hạng các đại học tốt nhất Châu Á 2021. Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng, tăng 3 trường so với năm 2020 (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế TPHCM).
11 trường đại học của Việt Nam lọt top tốt nhất Châu Á của bảng xếp hạng QS (Ảnh chụp màn hình) |
Trước đó, hồi tháng 2, có 3 trường được vào top 500 trường hàng đầu ở các nền kinh tế mới nổi của Times Higher Education (THE) là ĐH Quốc gia Hà Nội (nhóm 201-250); Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 251-300); ĐH Quốc gia TP.HCM (nhóm 401-500).
Còn trong bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2021 của THE, ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1000, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 1000+.
Trong khi đó, theo xếp hạng các ĐH xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020 do ARWU (Trường ĐH Giao thông Thượng Hải) công bố, Việt Nam có một trường duy nhất là Trường ĐH Tôn Đức Thắng vào top 701-800.
Có thể thấy, những trường đại học Việt Nam ghi danh trên các bảng xếp hạng nói trên đa phần đang thực hiện tự chủ.
Vị trí xếp hạng càng cao, quyền tự chủ càng nhiều
GS Philip G. Altbach (ĐH Boston, Mỹ) nhận định rằng một trường đại học xuất sắc, có vị trí cao trên các bảng xếp hạng là trường có hoạt động nghiên cứu khoa học xuất sắc, sở hữu các giáo sư hàng đầu, có môi trường học thuật tự do, khơi gợi được sự phấn khích trong việc sáng tạo tri thức mới, sở hữu mô hình quản trị hiệu quả, có đầy đủ cơ sở vật chất và các quỹ tài chính hùng hậu.
Theo ông Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: “Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối tương quan giữa tự chủ đại học và vị trí trên các bảng xếp hạng. Trường đại học càng có vị trí cao trên các bảng xếp hạng thì có nhiều quyền tự chủ hơn về quản trị và tổ chức bộ máy, về tài chính và về học thuật”.
“Tự chủ về về quản trị và tổ chức bộ máy sẽ giúp cho trường đại học chủ động tuyển dụng được những giảng viên giỏi, nhà khoa học xuất sắc, xây dựng và vận hành được hệ thống chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động (KPI). Tự chủ về tài chính giúp đa dạng hóa nguồn thu: từ việc khai thác tài sản trí tuệ, cơ sở vật chất, đến việc chủ động hợp tác với các doanh nghiệp, hình thành và vận hành các quỹ tài trợ, chủ động quyết định các khoản chi. Tự do học thuật là nhân tố quan trọng nhất để đảm bảo trường đại học thực sự trở thành nơi sáng tạo ra tri thức mới, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Trường đại học phải được quyền quyết định các vấn đề học thuật như tuyển sinh, đào tạo, mở ngành mới, quyết định về phương pháp, ngôn ngữ giảng dạy, các vấn đề về đảm bảo và kiểm định chất lượng…” – ông Quân phân tích.
Năm 2020, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức cho thí sinh làm bài kiểm tra tư duy để lấy kết quả xét tuyển kết hợp với điểm các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT |
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng chia sẻ, cách đây 3 năm, trường bắt đầu được tự chủ trong việc thuê và ký hợp đồng với giảng viên nước ngoài. Hiện, có hơn 10 giảng viên nước ngoài được ký hợp đồng. Ngoài ra, mỗi năm có khoảng 50 cán bộ đến trao đổi, làm việc 3–6 tháng (chiếm khoảng 0,3% giảng viên).
Theo ông Thắng, việc này có ảnh hưởng rất tốt đến giảng viên về tác phong làm việc, tiếng Anh giao tiếp.
Từ năm 2018, trường bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.
“2 năm nay, chúng tôi thực hiện trả lương dựa trên mức độ đãi ngộ phù hợp để tất cả giảng viên của nhà trường có thể làm việc được và cũng sử dụng các cơ chế đặc biệt để thu hút nhân tài (là những giảng viên nước ngoài có chỉ số H –index cao, các giảng viên là Việt kiều có mong muốn về nước)”...
Các chính sách này đã giúp trường lọt Top 300 trong bảng xếp hạng các trường đại học tại các nước có nền kinh tế mới nổi của THE. Trong các đại diện đến từ Việt Nam, trường đứng đầu về chỉ số ảnh hưởng nghiên cứu.
Còn ở Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ông Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng cho biết, từ khi tự chủ, số bài báo ISI tăng gấp ba.
“Nếu trước đây trường phụ thuộc cơ chế khen thưởng của Bộ, thì hiện nay trường thưởng một bài báo ISI là 100 triệu đồng. Vì tự chủ, trường cũng có chính sách thu hút người giỏi về công tác bằng các chính sách hấp dẫn”.
Có cần thiết tham gia xếp hạng?
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định, việc hội nhập trong bảng xếp hạng quốc tế là cần thiết, phải tham gia vào việc đánh giá xếp hạng để biết chúng ta đang ở đâu.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng không phải chạy đua theo các tiêu chí đó mà đó chỉ là thước đo để biết điểm yếu của mình và có chính sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để khắc phục. Từ đó, các trường sẽ đẩy mạnh, làm tốt hơn những điểm trong hệ thống quản trị của mình.
Đồng quan điểm, ông Quân cho rằng, việc có tên trên các bảng xếp hạng là cần thiết.
“Khai thác triệt để quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiên phong trong giáo dục đại học của Việt Nam như về số lượng các chương trình đạt chuẩn quốc tế, vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế, dẫn đầu cả nước về số lượng chương trình đạt chuẩn khu vực và quốc tế…
Để có được thứ hạng cao và bền vững, Nhà nước cần xây dựng chiến lược ưu tiên phát triển một số trường đại học như cách mà các quốc gia khác trên thế giới đã làm. Tuy nhiên, ở thời điểm này, nhiệm vụ đào tạo nhân lực trình độ cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước vẫn phải là nhiệm vụ quan trọng nhất” – ông Quân nhấn mạnh.
Ngân Anh - Lê Huyền - Thúy Nga
Muốn tự chủ đúng nghĩa, hiệu trưởng phải 'vượt rào'?
Hiệu trưởng nhiều trường đại học đang thực hiện tự chủ sử dụng những so sánh, ví von mạnh mẽ khi chia sẻ về công việc đang làm.