Trang đang là sinh viên K62 Tiên tiến Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).
Trong bài báo, Thuỳ Trang đề cập tới khả năng xử lý hợp chất hữu cơ gây ô nhiễm trong nước thải y tế bằng phương pháp hấp phụ sử dụng vật liệu Nanosilica chế tạo từ vỏ trấu biến tính bằng polyme tự tổng hợp.
Phương pháp này giúp loại bỏ dư lượng kháng sinh trong nước thải y tế, ngăn chặn tình trạng phát thải kháng sinh gây ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt, vật liệu dùng để hấp phụ hướng tới phát triển xanh, bền vững, thân thiện với môi trường. Nguyên liệu chế tạo vật liệu tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu.
Trương Thị Thùy Trang là tác giả của 2 bài báo đăng trên tạp chí Q1 với chỉ số IF cao. Ảnh: NVCC |
Biến ước mơ nghiên cứu thành sự thật
Hồi còn nhỏ, nhìn thấy dòng nước thải xả thẳng ra kênh, Thuỳ Trang mơ ước sau này mình có thể “xử lý môi trường làm sạch dòng nước”. “Ban đầu em nghĩ điều đó xa vời. Cho tới khi em vào học khoa Hoá và có cơ hội làm việc tại phòng thí nghiệm tìm hiểu các cách để làm sạch môi trường nước. Em nghĩ nghiên cứu khoa học sẽ giúp mình thực hiện được ước mơ lúc bé”, nữ sinh nói.
Cuối năm thứ hai, mong muốn được tìm hiểu chuyên sâu hơn về nghiên cứu, Trang xin làm việc tại phòng thí nghiệm của TS Phạm Tiến Đức (Bộ môn Hoá Phân tích, khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội).
“Em bắt đầu có cơ hội tìm hiểu để tài cách chế tạo vật liệu Nanosilica từ vỏ trấu, dưới sự hướng dẫn của thầy Phạm Tiến Đức. Em thấy đây là đề tài rất hay, khi tận dụng được lượng vỏ trấu thải ra trong sản xuất nông nghiệp để chế tạo vật liệu mới hỗ trợ cho việc làm sạch môi trường”, Trang chia sẻ.
Trang cùng bạn bè trong nhóm nghiên cứu do TS Phạm Tiến Đức hướng dẫn. Ảnh: NVCC |
Thuỳ Trang chăm chỉ đọc và tham khảo bài viết của các anh chị đi trước, các nghiên cứu, bài báo quốc tế. Sau khi tìm hiểu kỹ, nữ sinh lên phương án thực hiện thí nghiệm, xây dựng quy trình chế tạo,… Trang cho hay cảm thấy may mắn vì trong suốt quá trình này đã luôn nhận được sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình của thầy và anh chị trong phòng thí nghiệm.
“Để chế tạo ra được vật liệu, em phải mất hàng tiếng đồng hồ thực hiện các công đoạn đun, sấy nhiệt vỏ trấu. Đặc biệt, để đảm bảo kết quả có độ tin cậy cao, thầy luôn yêu cầu các thí nghiệm phải được lặp lại, làm tỉ mỉ từng công đoạn. Bởi một sai sót nhỏ sẽ dẫn đến chênh lệch kết quả toàn bộ thí nghiệm”, Trang nói
Sau một thời gian bền bỉ thực hiện, Trang và nhóm đã thành công và dự án cũng đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường và giải khuyến khích trong cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Thầy Tiến Đức cũng khuyến khích em, tổng hợp số liệu để viết thành một bài báo hoàn chỉnh.
“Bản thảo đầu của em, thầy nhận xét chưa nhấn mạnh được tính mới – một yếu tố thuyết phục để bài báo có thể được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín. Em đã không ngừng đọc báo cáo, đề tài khoa học hoàn thiện hơn. Sau 3 – 4 lần hai thầy trò cùng chỉnh sửa, bài báo được đăng trên tạp chí Progress in Organic Coatings (ISI, Q1, IF 4.469)”, nữ sinh cho biết.
Vượt qua thất bại
Nói về quá trình thực hiện dự án, Trang không nhớ mình đã làm lại bao nhiêu lần khi thử nghiệm chế tạo vật liệu nhưng em luôn quyết tâm vượt qua.
“Sáng em đi học, chiều chỉ mong chạy thật nhanh đến phòng thí nghiệm để thực hiện bằng được thí nghiệm chưa làm được. Có những hôm 9h tối em mới bắt đầu về. Hơn một tháng ròng thử nghiệm của em không có kết quả gì. Em thấy hơi nản nhưng vẫn khó chịu nhiều hơn, vì chưa biết lý do tại sao mình làm không được”, Thuỳ Trang bộc bạch.
Những lúc như vậy, Thầy Đức thường khuyên Trang xem lại quy trình, có sai ở bước nào không. Ngồi lại rà soát từng công đoạn, Trang phát hiện mình nhầm một bước nhỏ nên không thu được kết quả. Sau những lần đó, Trang càng có thêm động lực để hoàn thành dự án.
Kết quả Trang nghiên cứu cho thấy, khả năng hấp thụ xử lý kháng sinh của vật liệu đạt hơn 90% (trong điều kiện môi trường thí nghiệm). Hiệu quả loại bỏ kháng sinh với nước thải của bệnh viện đạt hơn 75%. Đặc biệt có thể tái sử dụng vật liệu lên tới 3 lần mà hiệu quả giảm không đáng kể.
Khi hoàn thiện được kết quả, công đoạn viết thành bài báo “trắc trở” không kém. Trang cho biết, để viết được bài đăng tải trên tạp chí quốc tế chỉ số ảnh hưởng cao rất khó. Bởi vì bài phải thể hiện được “tính mới” của công trình nghiên cứu, không được trùng lặp từ các bài khác. Theo Trang, yếu tố quan trọng nhất là vốn tiếng Anh phải tốt thì mới giúp diễn đạt được đúng ý, đúng thuật ngữ chuyên ngành.
“Em đã cố gắng mỗi ngày học một ít để cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình. May mắn là toàn bộ môn chuyên ngành Khoa Tiên tiến Hoá đều dạy bằng tiếng Anh và cơ hội viết bài báo của khoa giúp em có động lực hơn”.
Trương Thị Thùy Trang (thứ 3 từ phải sang) nhận giải Nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên năm 2020. Ảnh: NVCC |
Đam mê nghiên cứu là thế nhưng Thuỳ Trang luôn giữ phong độ tốt với điểm GPA trong 4 năm học đạt loại giỏi 3.5/4.0.
Tháng 6 này, Thuỳ Trang sẽ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Trong tương lai, nữ sinh có dự định sẽ học thạc sĩ chuyên ngành Hóa phân tích tại Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và theo đuổi chặng đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu.
Nhận xét về cô học trò của mình, TS. Phạm Tiến Đức cho biết: Trang là sinh viên giỏi và có đam mê khoa học. Chính sự quyết tâm khám phá, chinh phục tri thức mới bằng nghiên cứu khoa học đã mang lại trái ngọt trong nghiên cứu. Có thể nói rằng Trang là tấm gương về nữ sinh từng học chuyên Hóa, say mê nghiên cứu khoa học để vươn tới đẳng cấp quốc tế với 2 bài báo ISI-Q1 rất uy tín với chỉ số ảnh hưởng IF cao, trong đó 1 bài báo là tác giả chính.
Ngọc Linh
Nghiên cứu sông Tô Lịch giúp cô gái 22 tuổi nhận học bổng TS tại Mỹ
Chưa tốt nghiệp đại học nhưng Nguyễn Bảo Ngọc (sinh năm 1999) đã được Trường ĐH California, Berkeley cấp học bổng toàn phần cho 5 năm theo học tiến sĩ.