Với tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới corona (nCoV) diễn biến phức tạp, hiện rất nhiều các cơ sở nhà nước cũng như tư nhân, và cả tự phát đã và đang pha chế các loại dung dịch diệt khuẩn tay theo nhiều công thức khác nhau. Song có phải hóa chất nào có tác dụng diệt khuẩn cũng có thể sử dụng để pha chế và thành phẩm được cấp phép thương mại hóa?
Ảnh minh họa: Quang Tùng |
Theo Viện Kỹ thuật Hóa học, năm 2016, FDA đã ban hành lệnh cấm sử dụng 19 hoá chất trong sản xuất xà phòng diệt khuẩn, trong đó nổi bật nhất là chất triclosan và triclocarbon… bởi có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe như kháng vi khuẩn hay ảnh hưởng tới nội tiết tố, thậm chí gây xơ gan, ung thư gan...
Triclosan là chất sát khuẩn đã được dùng từ năm 1972, được gọi là chất sát khuẩn vì triclosan có tác dụng diệt khuẩn và diệt vi nấm. Đây là hợp chất hữu cơ với công thức khá đơn giản là 5-cloro-2-(2,4-diclorophenoxy) phenol. Triclosan được dùng như là một thành phần trong các sản phẩm gia dụng như: xà bông (hàm lượng triclosan từ 0,1 - 1%), kem đánh răng, nước súc miệng, kem cạo râu, nước rửa tay, chất khử mùi (deodorants) hoặc làm chất tẩy uế dùng cho nhân viên y tế rửa tay trong phòng mổ.
Về khía cạnh khoa học, Triclosan là chất có thể phá vỡ nội tiết của con người, tác dụng ảnh hưởng đến sự điều hòa chức năng một số hoóc-môn trong cơ thể. Nghiên cứu thực hiện trên một loài ếch (bullfrog) ở Bắc Mỹ cho thấy triclosan dùng ở liều thấp có thể ảnh hưởng đến hoóc-môn tuyến giáp bằng cách gắn vào các thụ thể làm cho hoóc-môn tuyến giáp không có chỗ gắn vào để phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, triclosan có thể làm một số chủng vi khuẩn đề kháng chéo, khi vi khuẩn tiếp xúc triclosan có đề kháng một số với một số loại kháng sinh.
Đây thực sự là nguy cơ gây ra kháng kháng sinh mà chúng ta đang gặp phải hiện nay. Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, triclosan không hoà tan trong nước và ở điều kiện môi trường, triclosan có thể kết hợp với clo chứa trong nước máy để tạo hợp chất cloroform - một hợp chất có thể là tác nhân gây ung thư.
Triclocarban là một chất hóa học phổ biến khác có trong các loại xà phòng diệt khuẩn. Rất nhiều khuyến cáo cũng như lo ngại về triclosan cũng được áp dụng cho triclocarban.
Ảnh minh họa: Thanh Hùng |
Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thông tin về danh sách 19 hóa chất bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm trong thành phần nước rửa tay, diệt khuẩn, diệt trùng gồm:
Cloflucarban
Fluorosalan
Hexachlorophene
Hexylresorcinol
Iodophors (Iodine-containing ingredients)
Iodine complex (ammonium ether sulfate and polyoxyethylene sorbitan monolaurate)
Iodine complex (phosphate ester of alkylaryloxy polyethylene glycol)
Nonylphenoxypoly (ethyleneoxy) ethanoliodine
Poloxamer-iodine complex
Povidone-iodine 5 to 10 percent
Undecoylium chloride iodine complex
Methylbenzethonium chloride
Phenol (greater than 1.5 percent)
Phenol (less than 1.5 percent)
Secondary amyltricresols
Sodium oxychlorosene
Tribromsalan
Triclocarban, Triclosan
Triple dye.
Thanh Hùng
Ngày mai, 25.000 sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân chuyển sang học trực tuyến
- Để phòng tránh dịch bệnh từ virus corona, Trường ĐH Kinh tế quốc dân triển khai phương pháp học Blended Learning từ ngày 10/2/2020 cho hơn 25.000 sinh viên.