- Số bài báo quốc tế nghiên cứu về Việt Nam đã lên tới 40 ngàn bài, trong đó các bài của tác giả nước ngoài chiếm hơn 50%.
Thông tin trên được Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức chia sẻ tại cuộc họp báo về Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần V sẽ diễn ra vào 15-16/12 tới đây.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức (giữa) và GS Vũ Minh Giang tại họp báo Hội thảo Việt Nam học lần thứ V. Ảnh: Lê Văn. |
Theo ông Đức, trên nếu tìm kiếm từ khóa Trung Quốc trên cơ sở dữ liệu thì có khoảng 600 ngàn bài bao gồm các nghiên cứu từ khoa học xã hội, khoa học nhân văn, kinh tế; khoa học tự nhiên, y học; công nghệ và môi trường…
Tương tự đối với từ khóa “Thái Lan” cũng tìm được hơn 60.000 bài. Trong cơ sở dữ liệu này, có gần 40.000 bài nghiên cứu về Việt Nam.
"Như vậy, mặc dù số lượng bài báo thấp hơn các nước song có thể thấy, Việt Nam đã là một đối tượng nghiên cứu được các nhà khoa học trên thế giới rất quan tâm" - ông Đức cho hay.
Con số hơn 50% các bài báo quốc tế nghiên cứu về Việt Nam cũng cho thấy, các nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn không hề khó công bố trên các tạp chí quốc tế.
Một điểm đáng chú ý khác là trong 10 đơn vị có nhiều công bố quốc tế nhất về Việt Nam đã có tên 5 cơ sở của Việt Nam, lần lượt là: ĐHQGHN, Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Cần Thơ và ĐHQG TPHCM.
Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị có nhiều kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế về Việt Nam nhất cũng thuộc về nước ngoài.
Ông Nguyễn Hữu Đức cho rằng, sự quan tâm của các học giả quốc tế về Việt Nam chính là lý do ĐHQGHN muốn tăng cường kết nối, xây dựng mạng lưới các nhà nghiên cứu về Việt Nam nhằm phục vụ cho sự phát triển của Việt Nam. Đây cũng là mục tiêu tổ chức Hội thảo Việt Nam học lần thứ V năm nay.
Nếu như các hội thảo trước đây tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với nội dung Việt Nam học "truyền thống" thì hội thảo năm nay sẽ đề cập đến nội dung nghiên cứu Việt nam rộng hơn, quan tâm cả đén vấn đè giáo dục - đào tạo, chuyển giao công nghệ và biến đổi khí hậu.
Ngoài các nội dung chuyên môn, thông qua hội thảo sẽ có những đóng góp trực tiếp đến việc hoạch định ra các chủ trương, chính sách cho các cấp lãnh đạo, quản lý của Việt Nam.
Chia sẻ tại họp báo, GS Vũ Minh Giang, ĐHQGHN cho rằng, việc lắng nghe các nhà khoa học quốc tế trình bày nghiên cứu của họ về Việt Nam giống như việc chúng ta soi gương để nhìn nhận chính xác hơn về bản thân mình.
Bên cạnh đó, hội thảo quốc tế như Hội thảo Việt Nam học sẽ là kênh quảng bá hình ảnh Việt Nam hiệu quả với thế giới.
Lê Văn