Một bài báo học thuật trung bình có khoảng 10 người đọc. Để có thể can thiệp vào việc đưa ra các chính sách, cáo giáo sư nên bắt đầu tham gia bình luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Sinh viên trong một giờ giảng ở Trường Wharton thuộc ĐH Pennsylvania (San Francisco) |
Nhiều nhà tư tưởng tài năng nhất thế giới có thể là giáo sư đại học, nhưng thật buồn là hầu hết trong số họ chẳng đưa ra tranh biện nào trên truyền thông đại chúng hay chẳng thể can dự vào các chính sách của Chính phủ.
Trên thực tế, các học giả thường tỏ ra khó chịu khi buộc phải xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. “Viết một bài xã luận để chia sẻ quan điểm của mình với công chúng ư? Nghe giống như chủ nghĩa tuyên truyền” – một giáo sư chia sẻ như vậy trong một hội nghị được tổ chức bởi ĐH Oxford mới đây.
Sự vắng mặt của các giáo sư trong việc xây dựng chính sách và tạo dựng những cuộc tranh luận trở thành vấn đề trầm trọng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở lĩnh vực khoa học xã hội.
Vào những năm 1930, 1940, 20% bài báo trên tạp chí danh tiếng The American Political Science Review tập trung vào bình luận các chính sách. Trong số mới nhất, con số này giảm xuống còn 0,3% ít ỏi.
Thậm chí, tranh luận của các học giả ngày nay có vẻ còn không đúng chức năng. 1,5 triệu bài báo chuyên ngành được xuất bản mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều bài viết bị lờ đi thậm chí là trong cộng đồng khoa học – 82% bài viết về khoa học nhân văn được xuất bản thậm chí còn không được trích dẫn một lần nào. 32% bài viết chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và 27% bài viết trong lĩnh vực khoa học tự nhiên thậm chí còn không được ai đề cập tới.
Một bài viết được trích dẫn không có nghĩa là nó thực sự được đọc. Theo một ước tính, chỉ có 20% bài viết được trích dẫn là thực sự được đọc. Chúng tôi ước tính rằng một bài viết trung bình ở một tạp chí chuyên ngành được đọc bởi không quá 10 người. Vì thế, ảnh hưởng của các ấn phẩm chuyên ngành nhất ngay cả trong cộng đồng khoa học là rất nhỏ.
Nhiều học giả mong muốn đóng góp kiến thức học thuật của mình và tạo ảnh hưởng tới việc đưa ra quyết định của những người có quyền hành.
Tuy nhiên, những người làm chính sách lại rất hiếm khi đọc các bài báo in trên những tạp chí chuyên ngành. Chúng ta đều biết những nhà hoạch định chính sách cấp cao hay những chủ doanh nghiệp cấp cao không thường xuyên đọc những bài viết chuyên ngành trên các tạp chí uy tín như Nature, Science hay Lancet.
Ngay cả khi việc tiếp cận những tạp chí này ngày càng dễ dàng hơn thì những thuật ngữ khó hiểu cùng với độ dài và nội dung nặng nề của các bài báo (thường là không cần thiết) cũng khiến những người ngoài giới rất khó đọc và hiểu chúng.
Ngắn gọn rất quan trọng. Nhiều quan chức hiện nay yêu cầu mỗi buổi sáng phải có một báo cáo tóm tắt dài khoảng 2 trang về những gì truyền thông đang viết về họ và những chính sách của họ. Ở Ấn Độ, cựu Thủ tướng Indira Gandhi cũng từng làm việc này. Nhiều Bộ trưởng ở Canada tập trung vào việc điểm báo với mục đích tương tự. Các Chính phủ ở Trung Đông thậm chí còn yêu cầu tóm tắt các cuộc thảo luận trên những phương tiện truyền thông xã hội mới nổi.
Chúng ta chưa từng thấy một Bộ trưởng nào ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới muốn có một bản tóm tắt thường xuyên các ấn phẩm báo chí học thuật.
Nếu các học giả muốn tiếng nói của mình được các nhà hoạch định chính sách lắng nghe, họ phải làm quen với các phương tiện truyền thông đại chúng mà từ trước tới nay họ từng lờ đi mặc dù nhiều công ty truyền thông đã phát triển những mô hình kinh doanh sáng tạo để giúp các học giả tiếp cận dễ dàng hơn.
Một trong số các mô hình đó là Project Syndicate (PS) – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp bình luận của các nhà lãnh đạo tư tưởng trên thế giới cho hơn 500 tờ báo có lượng phủ sóng tới 300 triệu độc giả ở 154 quốc gia. Bất cứ bình luận nào được PS chấp nhận đều có thể được dịch sang 12 thứ tiếng, sau đó đăng tải trên mạng.
Nhưng ngay cả khi các học giả đồng tình về tầm quan trọng của việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thì hệ thống cơ chế lại chống lại họ.
Để được bổ nhiệm giảng dạy ở một trường đại học, học giả phải có những bài viết chuyên ngành đăng trên các tạp chí được cho là có ảnh hưởng càng nhiều càng tốt. Những bài đăng ở các tạp chí chuyên ngành danh tiếng này tiếp tục trở thành tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả làm việc trong giới học viện: việc có ai đọc nó hay không chỉ là yếu tố phụ.
Chỉ có 4 người Ấn Độ trên tổng số dân 1,3 tỷ người đọc tạp chí có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực nước. Cách đây 3 năm, cả Bộ trưởng các vấn đề về nước và 3 cộng sự dưới quyền ông đều chưa từng nghe nói tới tạp chí này. Trong khi một bài đăng ở đây sẽ mang lại danh tiếng cho một giáo sư thì tác động của nó tới việc hoạch định chính sách ở Ấn Độ - nơi mà nước là một vấn đề rất quan trọng – thì lại là con số không.
Có lẽ đã đến lúc cần phải thay đổi cách đánh giá hiệu quả làm việc của các học giả. Khi xem xét quyết định bổ nhiệm hay thăng tiến, cần phải đánh giá cả những tác động của họ tới việc hoạch định chính sách và những tranh biện của họ trên truyền thông đại chúng.
Ví dụ như hiện tại ĐH Quốc gia Singapore đang khuyến khích các giảng viên đưa vào hồ sơ danh sách những bài viết phản biện. Tuy nhiên, những bài viết đăng trên các tạp chí được gọi là có ảnh hưởng vẫn đang được khuyến khích là chủ yếu.
Đang có những thay đổi nhưng với tốc độ của một con ốc sên.
Bài viết của hai tác giả Asit Biswas và Julian Kirchherr.
Asit Biswas – một chuyên gia hàng đầu về chính sách môi trường và nước – hiện đang là giáo sư thỉnh giảng có uy tín ở Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc ĐH Quốc gia Singapore.
Julian Kirchherr hiện đang làm nghiên cứu tiến sĩ ở Trường Địa lý và Môi trường thuộc ĐH Oxford. Ông hiện cũng đang làm tư vấn cho các Chính phủ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông.
- Nguyễn Thảo (Theo StraitTimes)