Tối ngày 24.3, lễ trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ XI được tổ chức tại TP.HCM. Nhà văn hóa Phạm Quỳnh được tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại.

Nhà văn hóa Phạm Quỳnh sinh ngày 30.1.1893 tại Hà Nội, mất ngày 6.9.1945 tại Huế. Ông người đi tiên phong trong việc sử dụng chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt, thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp để viết lý luận, nghiên cứu.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã nhận giải cho ba mình, trong diễn từ nhận giải những đóng góp của nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã được ông điểm lại.

{keywords}
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh (Ảnh tư liệu báo Một thế giới)

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, từ ngày mất, gần như Phạm Quỳnh “biến mất” trên trường chữ nghĩa, trừ một trường hợp là nhà văn Nguyễn Công Hoan cho ra mắt tác phẩm Đời viết văn của tôi, trong đó dành hai trang viết rõ sáng tác truyện ngắn nổi tiếng Kép Tư Bền, chỉ vì thương Phạm Quỳnh. Đến năm 1996, tác phẩm này được NXB Văn Nghệ TP.HCM tái bản và giữ nguyên văn phần nói về nhà văn viết Kép Tư Bền chỉ vì thương Phạm Quỳnh.

Bắt đầu từ những năm sau 2000, nhà văn hóa Phạm Quỳnh được nhắc nhiều trên báo chí và xuất bản. Năm 2003 và 2004  sách Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết họcMười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh, Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh được xuất bản...

Đến năm 2005, bài Phạm Quỳnh chủ bút báo Nam Phong của Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam được đăn trên nhiều tạp chí. Còn nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết bài bài Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

"Nhưng năm 2006 mới là năm đáng chú ý về hiện tượng Phạm Quỳnh xuất hiện trở lại trên xuất bản và báo chí" - nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.

{keywords}
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận giải nhận giải Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại cho nhà văn hóa Phạm Quỳnh.

Đầu năm cuốn Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh được tái bản chính thức được bán và quảng bá tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều báo chí cũng đưa bài về ông như Phạm Quỳnh- người nặng lòng với nước, Người nặng lòng với nước, Phạm Quỳnh- người nặng lòng với nhà, Phạm Quỳnh- người nặng lòng với tiếng ta.

Cuối năm 2007, NXB Tri Thức cho ra mắt Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 – Essais 1922-1932. Việc xuất bản tác phẩm này cũng như bộ ba tập Du ký Việt Nam, khiến năm 2007 có nhiều cuộc thảo luận về Phạm Quỳnh.

Năm 2011 cuốn sách gồm những bài viết cuối đời của Phạm Quỳnh, bao gồm 11 bài tạp văn và 51 bản ông dịch thơ Đỗ Phủ lấy tên chung là Hoa Đường tùy bút được xuất bản.

“Chúng tôi nghĩ sở dĩ có sự trở lại ngoạn mục của Phạm Quỳnh trên sách báo một phần lớn là do trong Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003, tập 3 đã có mục Phạm Quỳnh, Nam Phong và có cả mục Pháp Việt đề huề với lời lẽ khá đúng mực, cởi mở hơn trước. Năm 2004, Từ Điển Văn Học (bộ mới) đã có mục Phạm Quỳnh do Nguyễn Huệ Chi viết và mục Nhóm Nam Phong do Phương Chi viết”.

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên, ngoài những tác phẩm của nhà văn hóa Phạm Quỳnh được tái bản hoặc xuất bản lần đầu, những bài viết đánh giá con người và sự nghiệp của ông công bằng hơn trước, còn có việc xuất hiện cả những sách viết về ông như Phạm Quỳnh, con người và thời gian, Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc, Phạm Quỳnh, một góc nhìn…

"Như thế là giờ đây, Phạm Quỳnh con người suốt đời trung với nước, hiếu với dân, mặc dù có số phận oan nghiệt đã có thể ngậm cười nơi chín suối. Tâm nguyện của ông đã được thực hiện. Những đóng góp của ông ngày càng được nhìn nhận công bằng hơn. Đối với con cháu Cụ Phạm thì đây là một niềm tự hào lớn và là một sự ghi nhận của xã hội về sự đóng góp của Cụ cho nền văn hóa Việt Nam”- nhạc sĩ Phạm Tuyên xúc động.

 Lễ trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ XI cũng trao Giải vì Sự nghiệp Văn hóa - Giáo dục cho nhóm dịch sách Nhất Nghệ Tinh vì đóng góp quan trọng trong lĩnh vực giáo dục công kỹ nghệ; Nhạc sĩ Dương Thụ vì đóng góp đặc sắc quảng bá văn hóa và tri thức tinh hoa.

{keywords}
 

 Giải Nghiên cứu cho nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng vì những công trình đặc sắc nghiên cứu văn hóa dân gian và nhà nghiên cứu Lữ Phương vì những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx.

Giải Dịch thuật cho dịch giả Nguyễn Tùng vì những công trình dịch thuật đặc sắc về nhân học.

Riêng Giải Việt Nam học cho hai nhà nghiên cứu nước ngoài là nhà nghiên cứu Daniel Hémery và Pierre Brocheux vì thành tựu đặc sắc về Việt Nam học.

Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hóa Phan Châu Trinh được thành lập với sứ mệnh “Góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21”. Quỹ trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, do một nhóm các trí thức tâm huyết với văn hóa của đất nước thành lập.

Việc trao Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm là một trong những hoạt động văn hóa quan trọng của Quỹ, nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân Văn hoá và Giáo dục Việt Nam.

 Lê Huyền