Xem video buổi họp báo công bố danh mục sách giáo khoa lớp 1 được tổ chức chiều 22/11 tại trụ sở Bộ GD-ĐT:
UBND tỉnh sẽ lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng
Bộ GD-ĐT cho biết, việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông do UBND cấp tỉnh quyết định theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT đang xây dựng Thông tư để hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của Luật. Thông tư này hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học và không quy định cứng là các UBND tỉnh phải chọn tất cả sách giáo khoa của các môn học trong cùng một bộ hay chỉ được chọn một bộ sách giáo khoa cho địa phương.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT. Ảnh: Thanh Hùng |
Nói về lộ trình tiếp theo sau khi Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục SGK được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết trước tháng 3/2020, địa phương phải thành lập Hội đồng và công bố kết quả lựa chọn SGK trong danh mục SGK được Bộ GD-ĐT ký thông qua ngày 21/11.
Từ tháng 3 đến tháng 5, Sở GD-ĐT cùng NXB tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho các giáo viên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 1. Từ tháng 3 đến tháng 8, các nhà trường tập huấn, các NXB triển khai chương trình in ấn và xuất bản.
Các bộ sách sẽ được sử dụng từ năm học 2020-2021.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế
24 trong số 32 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 vừa được phê duyệt để sử dụng trong năm học mới là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng, như vậy thị phần của NXB Giáo dục vẫn chiếm rất lớn, trong khi mục tiêu đặt ra là đa dạng sách, chống độc quyền.
Giải đáp những thắc mắc này, ông Thái Văn Tài cho biết, tính độc quyền chỉ khi có 1 bộ, nhưng hiện tại có nhiều bộ từ nhiều nhóm tác giả khác nhau. Trong quá trình lựa chọn tại địa phương phải dựa trên tính phù hợp của từng địa phương. Do vậy không nên quá băn khoăn về tính độc quyền. Tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới.
Đã có đối thoại về "chương trình thực nghiệm"
Liên quan tới việc cả 3 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đều bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá "không đạt", Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết, ngày 15/11 Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng liên quan đến việc rà soát và thẩm định lại sách của GS Hồ Ngọc Đại.
"Khi PGS.TS Nguyễn Kế Hào gửi tâm thư đến Bộ GD-ĐT, Bộ rất trân trọng và có những trả lời. Bộ cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng để nói rõ việc sách của GS Hồ Ngọc Đại tại sao không đạt. Công văn đề nghị Bộ đối thoại với tác giả, nhưng trong quá trình thẩm định, Bộ đã đối thoại với tác giả 2 lần. Đây chính là những đối thoại rất công khai. Tại lần đối thoại này GS Hồ Ngọc Đại không có ý kiến gì. Và đến thời điểm này, Bộ cũng chưa nhận được ý kiến chính thức nào từ GS Hồ Ngọc Đại. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại nếu tác giả có nhu cầu"- ông Tài nói.
Các thành viên trong Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới |
Về đánh giá lại chương trình Thực nghiệm, theo ông Tài từ năm 2017 Bộ trưởng đã đánh giá lại những nội dung liên quan đến Sách Tiếng Việt 1 CNGD. Hội đồng cũng có đánh giá, Sách Tiếng Việt 1 CNDG chỉ phù hợp cho chương trình hiện hành.
"Thành viên Hội đồng thẩm định, 1/3 là giáo viên trải dài trên toàn quốc với đầy đủ vùng miền. Và bản thân Bộ trưởng cũng rất quan tâm đến điều này. 1/3 số giáo viên rất đa dạng, còn những chuyên gia chúng ta phải chọn những nơi có bề dày về thành tích khoa học".
Sẽ tránh tăng giá đột biến
Về những thắc mắc xoay quanh giá sách giáo khoa, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết Nghị quyết 88 của Quốc hội giao Chính phủ xây dựng cơ chế tài chính. Hiện nay SGK ảnh hưởng đến phạm vi rất rộng đến từng gia đình. Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ để có cơ chế về SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.
"Chúng tôi sẽ phối hợp và Bộ Tài chính với chức năng quản lý sẽ là cơ quan chủ trì. Chúng tôi sẽ phối hợp báo cáo chính phủ và thẩm quyền Chính phủ sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội"- vị này khẳng định.
Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong trường phổ thông
Dưới đây là danh sách 32 bản thảo sách giáo khoa lớp 1 được sử dụng trong nhà trường phổ thông từ năm học 2020-2021.
Kiểm tra, đánh giá theo "chuẩn chương trình"
“Khi các địa phương lựa chọn những bộ sách khác nhau, việc kiểm tra đánh giá vẫn sẽ được đảm bảo. Chúng ta thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách thì việc kiểm tra đánh giá vẫn phải đáp ứng những yêu cầu cần đạt của chương trình. Đây cũng là điểm khác biệt với chương trình hiện hành. Chương trình mới sẽ yêu cầu “Học sinh làm được những gì với kiến thức được trang bị trong chương trình”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT. |
Chính vì vậy việc kiểm tra đánh giá cũng phải theo chuẩn của chương trình. Việc ra đề kiểm tra sẽ không phụ thuộc vào ngữ liệu cụ thể trong bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào. Như vậy, thầy cô và học sinh sẽ yên tâm và dần dần trang bị cho mình năng lực.
Ngày 22/12/2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (Thông tư số 33).
Ngày 24/6/2019, Bộ GDĐT ban hành Kế hoạch số 544/KH-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT và Thông báo số 543/TB-BGDĐT về việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1.
Tháng 7/2019, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (viết tắt là Hội đồng). Hội đồng gồm nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Hết thời hạn thông báo, Bộ GD-ĐT đã tiếp nhận sách giáo khoa từ 3 đơn vị đề nghị thẩm định, gồm Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm, Nhà xuất bản ĐH Sư phạm TP.HCM.
Có 49 bản mẫu sách giáo khoa đối với 9 môn học ở lớp 1. Cụ thể như sau: môn Tiếng Việt: 6 bản mẫu; môn Toán: 6 bản mẫu; môn Đạo Đức: 6 bản mẫu; môn Tự nhiên-Xã hội: 5 bản mẫu; môn Giáo dục thể chất: 4 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Âm nhạc): 5 bản mẫu; môn Nghệ thuật (Mĩ thuật): 5 bản mẫu; Hoạt động trải nghiệm: 6 bản mẫu; môn Tiếng Anh: 6 bản mẫu.
Mỗi thành viên Hội đồng nghiên cứu độc lập (15 ngày).
Hội đồng làm việc tập trung để thảo luận (7 ngày) gồm các nội dung: nghe tác giả báo cáo về nội dung bản mẫu sách giáo khoa, thảo luận tập trung công khai về bản mẫu sách giáo khoa, công bố kết quả trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết đánh giá của Hội đồng và thảo luận tiếp thu, chỉnh sửa, đồng thời có ý kiến phản biện lại Hội đồng (nếu có).
Hội đồng tiến hành thẩm định từng bản mẫu sách giáo khoa và kết luận theo ba mức: “Đạt”, “Đạt nhưng cần sửa chữa”, “Không đạt”.
Sau 2 vòng thẩm định, kết quả có 38/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở tất cả 9 môn học/hoạt động giáo dục (77,70%) được đánh giá mức “Đạt”; có 11/49 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 ở 6 môn học/hoạt động giáo dục (22,3%) được đánh giá ở mức “Không đạt”.
Hầu hết các tác giả có bản mẫu sách giáo khoa xếp loại “Không đạt” đều có nguyện vọng và gửi đơn (thông qua nhà xuất bản) đề nghị về Bộ GD-ĐT để được tiếp tục chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của các Hội đồng và tiếp tục trình thẩm định lại theo quy định. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thẩm định các bản mẫu này như thẩm định lần đầu vào tháng 12/2019.
Ngày 21/11/2019, Bộ trưởng Bộ GDĐT ký Quyết định số 4507/QĐ-BGDĐT Phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, có 32 sách giáo khoa của 8 môn học được phê duyệt trong lần này.
Ban Giáo dục
Ảnh: Thanh Hùng
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại thẩm định SGK, đánh giá lại chương trình thực nghiệm
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ ý kiến của nhóm tác giả, ý kiến của các chuyên gia và dư luận về "chương trình thực nghiệm".