Nhà khoa học Nguyễn Văn Hiếu từng được biết tới với những dấu ấn: giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2015, GS trẻ nhất của ngành Vật lý Việt Nam cho đến nay; ông và một số cộng sự đã quyết định rời nơi làm việc cũ đến "dựng sự nghiệp mới" tại trường đại học tư thục Phenikaa với vai trò Phó Hiệu trưởng. Câu chuyện của chúng tôi diễn ra sau khi ông được nhắc đến với vai trò là 1 trong những nhà khoa học trong nước có tên tại một bảng xếp hạng "có nhiều trích dẫn trên thế giới".
Tôi đã được nghe về anh – một giáo sư từng phải "loay hoay kiếm tiền" vì đồng lương ít ỏi – trong những năm đầu rất khó xin được đề tài để thực hiện nghiên cứu của mình. Quãng thời gian đó, anh đã vượt qua như thế nào?
Hồi mới về Việt Nam, tôi cũng vừa phải đi dạy, vừa đi làm thêm ở công ty bên ngoài. Số tiền tích lũy được chỉ giúp gia đình tôi "cầm cự" được vài ba năm. Trong khi suốt những năm đầu về nước, tôi không xin được đề tài nghiên cứu đủ lớn đề đầu tư cho hướng nghiên cứu của mình.
Đến năm 2009 bắt đầu có Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted), tôi có thể "sống được nhờ khoa học" khi được làm chủ nhiệm đề tài.
Những ngày đầu tiên trở về nước như anh kể là một khởi đầu rất khó khăn. Có kỷ niệm nào khiến anh thấy nhớ nhất cho đến tận bây giờ?
Hồi mới về Việt Nam, tôi phải làm cả ở công ty bên ngoài thì mới đủ sống. Hồi đó, cứ 5 giờ chiều chúng tôi lại xách xe đi làm công ty về buôn bán thiết bị khoa học kỹ thuật. Làm buổi tối, rồi làm cả vào những ngày cuối tuần, tiền cũng chẳng dư giả gì.
Tôi phải xây dựng phòng thí nghiệm từ hai bàn tay trắng. Toàn bộ thiết bị chúng tôi mua từ "chợ trời" về lắp. Có hôm nghỉ hè, anh em mặc cả quần sóoc đi làm như công nhân, để xây dựng các thiết bị thí nghiệm, vì nhóm có mục tiêu mỗi kỳ hè phải xây dựng được một hệ thí nghiệm.
Một hôm, có ông giáo sư người Hàn Quốc đến thăm tôi. Ông rất ngạc nhiên khi thấy tôi – khi ấy đã là phó giáo sư – lại mặc quần sóoc đi dựng thiết bị thí nghiệm. Sau đó khi trở về Hàn Quốc, ông ấy đã mua một hệ thí nghiệm có giá hơn 20.000 USD gửi sang Việt Nam để tặng tôi. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi có được một thiết bị hiện đại như thế.
Vượt qua quãng thời gian đó, cho đến hiện tại, điều gì khiến anh hài lòng nhất khi nhìn lại suốt quãng thời gian đã qua?
Có lẽ là việc được làm khoa học thực sự. Đó là một trải nghiệm rất thú vị. Ví dụ, khi mình gửi đăng một bài báo, rồi chờ đợi kết quả phản biện, có khi đến 3, 4 tháng, rồi vỡ òa trong hạnh phúc khi nhận được thư thông báo là bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí uy tín. Đó là cảm xúc vô cùng sung sướng.
Nhiều người hỏi tôi có hơn 130 bài báo rồi viết làm gì nữa. Nhưng đó là cái khiến mình cảm thấy thích thú. Tôi không bao giờ đặt mục tiêu về số lượng mà cái đích tôi hướng tới là những bài báo đỉnh cao.
Bài báo đỉnh cao?
Đó phải là bài báo làm hoàn toàn bằng nội lực Việt - “100% made in Viet Nam”, không có tên của bất kỳ ông giáo sư nước ngoài nào và được đăng trên các tạp chí khoa học thuộc vào top 1% cao nhất của thế giới.
Việc mời một ông giáo sư nổi tiếng nước ngoài cùng đứng tên trong bài báo có thể sẽ khiến bài báo dễ được xếp hạng cao, nhưng như thế mình cảm thấy chưa thực sự “sướng” vì chưa khẳng định được đẳng cấp khoa học của nước mình.
Xin được tò mò một chút, những người cùng thế hệ như anh, làm khoa học ở nước ngoài, họ đã đi đến đâu rồi?
Một số người bạn của tôi ở lại hiện đã làm giáo sư và có vị trí vững chắc tại Mỹ. Nhưng số đông còn lại thì đi làm công ty với mức lương khoảng 3.000 – 5.000 USD, cuộc sống ở đó khá an nhàn với một khoản lương đủ để nuôi gia đình.
Các trường đại học tư thục đang nổi lên và có nhiều thành tựu về “kết quả bài báo nghiên cứu”, tức định hướng nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng đã có những cảnh báo về việc “chạy theo xuất bản bài báo bằng mọi giá” trong khi nhiệm vụ của đại học vẫn chưa đáp ứng tốt về nhu cầu nhân lực chất lượng cho thị trường. Anh có lưu tâm gì về điều này?
Cần phải khẳng định nghiên cứu là một thuộc tính của trường đại học. Còn việc nhiều trường “chạy theo xuất bản bài báo bằng mọi giá” như bạn nói thì tôi nghĩ còn tùy vào quan điểm từng trường.
Để có được một công bố khoa học chất lượng thực sự bằng nội lực thì trước tiên các trường phải thu hút được nhiều nhà khoa học xuất sắc, phải có tiềm lực về tài chính để có thể đầu tư cho nghiên cứu cũng như tạo môi trường và cơ chế để giữ chân được người tài. Và không phải trường đại học nào cũng có điều kiện được đầu tư mạnh mẽ để thực hiện điều đó.
Do vậy, đâu đó cũng có thể có những trường chọn “một cách nào đó” để có được các công bố khoa học ISI, nhanh và đơn giản hơn là đầu tư xây dựng đội ngũ nhà khoa học thực sự, một cách làm tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức.
Nhưng tôi khẳng định, không có trường nào chỉ mải chạy theo nghiên cứu mà bỏ lơ nhiệm vụ đào tạo cả. Nghiên cứu mang lại uy tín và danh tiếng của trường, còn đào tạo là sự sống của một trường đại học. Đào tạo mà không tạo ra được một sản phẩm xã hội dùng được thì là coi như hỏng. Tôi nghĩ, một vị giáo sư, tiến sĩ hoạt động nghiên cứu nghiêm túc chắc chắn lên lớp giảng dạy cũng sẽ rất hấp dẫn.
“Học sinh mất phương hướng tương lai là điều nguy hiểm"
Khi đến các trường THPT làm công tác tuyển sinh, tôi thấy nhiều học sinh và kể cả phụ huynh vẫn chưa biết định hướng nghề nghiệp. Họ không biết xã hội đang cần điều gì và con cái họ nên làm gì. Rất đông học sinh khi tôi hỏi đều thích theo ngành Kinh tế, nhưng các em không biết chắc chắn rằng ngành nghề ấy có thực sự phù hợp với năng lực và tư duy của bản thân hay không.
Ngoài ra, khi đi tuyển sinh tôi cũng nhận thấy được những thiếu sót trong việc đào tạo ở bậc phổ thông. Nếu có thể giảm bớt việc “nhồi” kiến thức, mà thay vào đó mỗi tuần một tiết dạy về hướng nghiệp thì tôi nghĩ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai tốt hơn. Việc học sinh chưa xác định hoặc mất phương hướng trong tương lai là một điều rất nguy hiểm.
GS Nguyễn Văn Hiếu (1972) từng làm nghiên cứu sinh ở Đại học Twente, Hà Lan. Năm 2016, GS. Hiếu nhận được giải thưởng Tạ Quang Bửu. Anh hiện là tác giả và đồng tác giả của hơn 130 công trình khoa học công bố trên tạp chí ISI/Scopus, trong đó có 36 bài báo được trích dẫn trên 36 lần (h-index = 36). Sau 14 năm công tác tại Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội với vai trò Viện trưởng, hiện GS.TS Nguyễn Văn Hiếu đang là Phó Hiệu trưởngTrường Đại học Phenikaa.
|
Thúy Nga
Cách dạy con thành CEO và giáo sư của một nhà giáo dục Mỹ
Esther Wojcicki, một nhà giáo dục, một nhà báo và một bà mẹ nổi tiếng tại Mỹ. Sau nhiều thời gian nghiên cứu và trải nghiệm thực tế làm mẹ, bà đã rút ra những kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con thành công được nhiều phụ huynh quan tâm.