Đằng sau những khoá học về hạnh phúc tại các trường ĐH tinh hoa của nước Mỹ là những sự thật gây sốc về cách người Mỹ sống và làm việc.
Bi kịch phía sau những giảng đường 'tinh hoa'
"Rat race” – một cụm từ thông dụng trong xã hội Mỹ không chỉ diễn ra trong giới tinh hoa hay tầng lớp lao động, mà còn khốc liệt trong các giảng đường đại học. (Rat race là một cuộc đua chuột vô tận, tự chuốc lấy thất bại, hoặc theo đuổi vô nghĩa. Nó gợi lên hình ảnh của những con chuột trong phòng thí nghiệm đua để có được những “pho mát” – giống như con người trong xã hội, đua với nhau để tìm kiếm tiền bạc, tài chính).
Khóa học trực tuyến về khoa học hạnh phúc của ĐH Yale có tới 1,8 triệu lượt đăng ký. Ảnh minh họa |
Tiến sỹ Emma Seppala, Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu về Lòng trắc ẩn và vị tha của ĐH Stanford (Hoa Kỳ) đã mô tả trong cuốn sách “Con đường đến với Hạnh phúc:” Khi bạn tới thung lũng Silicon Valley – vương quốc, lãnh địa của Facebook, Google, Twitter, và trường ĐH Stanford… gần như ngay lập tức bạn sẽ cảm thầy sự ồn ào trôi trong bầu không khí. Tại bất cứ một quán café nào tại khu trung tâm của Paulo Alto, bạn chắc chắn sẽ nghe thấy những cuộc trò chuyện đầy phấn khích, hứng khởi của các doanh nhân khởi nghiệp với nhà đầu tư hoặc những sinh viên xuất sắc đang ngồi trong những thành đường đẹp như mơ hứng khởi nghe các giáo sư đạt giải Nobel giảng bài.
Silicon Valley là đại diện cho những gì đẹp nhất của giấc mơ Mỹ: tuổi trẻ, năng lượng, nhiệt huyết, hoài bão, sáng tạo, thành công, giàu có”. Nhưng tác giả đã cảm thấy choáng váng vì tỷ lệ sinh viên tử tự tử tại ĐH Stanford – ngôi trường tập trung nhiều bộ óc xuất sắc nhất thế giới.
Carole Pertofsky, Giám đốc Chương trình Nâng cao Hạnh phúc và Sức khoẻ của ĐH Stanford, người đã thiết kế lớp học hạnh phúc giải thích về hiện tượng “Những chú vịt Stanford”: “Họ là những con vịt đang thảnh thơi bơi trên làn nước xanh trong, đôi cánh sải theo ánh mặt trời rực rỡ với gương mặt tự mãn nhưng ẩn sâu trong lớp sóng ngầm kia là sự tăm tối với những cú đạp điên cuồng khi phải vật lộn để tiếp tục di chuyển về phía trước.”
Mô tả về áp lực phải thành công của sinh viên ngôi trường nằm trong top Ivy League, tiến sỹ Emma Seppala dẫn ra trường hợp sinh viên tên là Jackie - một trong những sinh viên tài năng bà đã dạy.
“Cô ấy không xa lạ với thành công. Từ khi còn là thiếu niên, cô đã nhận được nhiều sự ca tụng từ cộng đồng và là tâm điểm chú ý của truyền thông. Khi 14 tuổi, cô sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận dạy nhảy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi để chúng từ bỏ cuộc sống lang thang và phát triển sự tự tôn. Cô cũng là một học sinh xuất sắc, đạt nhiều thành tích, trong đó có giải thưởng từ cuộc thi sắc đẹp ở địa phương. Với những thành tựu đó, cô dễ dàng được nhận vào ĐH Stanford. Nhưng khi bước chân vào Stanford, bạn bè của Jackie đều là những gương mặt đã từng nhận nhiều giải thưởng trong quá khứ, có người là ứng viên danh sách top 20 - top 30 của tạp chí Forbes, vận động viên Olympic, học giả của học bổng Rhodes, thành viên trẻ nhất của Hội đồng bang California. Áp lực tiếp tục phải giữ ngôi vị dẫn đầu khiến Jackie điên cuồng lao vào học tập, nghiên cứu, hoạt động xã hội để giành thêm những giải thưởng – và trong một thời gian dài cô đã bị mắc chứng mất ngủ cộng trầm cảm hưng phấn.
Khi chứng kiến tỷ lệ sinh viên bị mắc chứng căng thẳng, lo lắng, chán nản quá nhiều, Giáo sư Laurie Santos (ĐH Yale – Hoa Kỳ) đã kiến tạo lớp học tên là “Khoa học về Hạnh phúc”. Đây là khoá học có số lượng sinh viên tham dự đông nhất trong hơn 317 năm lịch sử của trường ĐH Yale và khi xuất hiện trên trang giáo dục trực tuyến Coursera nó đã bứt phá lên con số 1,8 triệu người đăng ký – một con số kỷ lục cho bất cứ một khoá học trực tuyến nào trong lịch sử nhân loại.
Theo GS Santos, khoá học ứng dụng những kiến thức, kết quả mới nhất của khoa học tâm lý chuyển vào thực tế thành các bài học, kỹ năng giúp sinh viên có thể xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa và mãn nguyện hơn. Theo tờ Thời báo New York, ở một quốc gia giàu có nhất thế giới nhưng có tới hơn một nửa sinh viên sống trong tình trạng lo lắng, vô vọng đến mức không dám dành một vài giờ ít ỏi để nghỉ ngơi thì khoá học này là một cẩm nang sống vô cùng hữu ích và cần thiết.
Những bài học ý nghĩa về hạnh phúc
Nhiều sinh viên chịu áp lực khi học ở những ngôi trường tinh hoa của thế giới |
Trong những bài học đầu tiên, GS Santos phân tích về sự lầm tưởng của người Mỹ với hạnh phúc theo kiểu hạnh phúc là khi bạn có một sự nghiệp thăng tiến, công việc hoàn hảo với mức lương cao, trúng sổ xố, nhà to, xe đẹp, nhan sắc, hình thể…
“Đó là những thứ sẽ dính với chúng ta, nhưng sau một thời gian sử dụng, có thể chúng ta sẽ nhàm chán và không cảm thấy hạnh phúc như kỳ vọng ban đầu”. GS Santos trích dẫn thêm câu nói của GS Dan Gilbert của ĐH Havard:” Một chiếc xe hơi mới sau một thời gian sử dụng sẽ trở nên lỗi thời có thể khiến bạn thất vọng; một kỳ nghỉ ở châu Âu hay chuyến thám hiểm của châu Phi có thể biến mất nhưng nó sẽ mãi ở trong tâm trí bạn như một miền ký ức đẹp đẽ”.
“Một lời khuyên được gửi đến các sinh viên là bạn nên đầu tư cho các “TRẢI NGHIỆM” chứ không phải là “VẬT CHẤT” hoặc công cụ. Trải nghiệm đó có thể là những khoảnh khắc đời thường khi bạn cắm một bình hoa, nấu một món ăn ngon, đọc một trang sách hay, hoặc là đi bộ dưới trời mưa lâm thâm ngắm những bông hoa anh đào nhẹ bay trong gió. Bạn hãy tạo cho mình một danh sách của những điều giản dị mà khi trải qua chúng, bạn cảm thấy sung sướng và mãn nguyện. Và hãy nhớ chia sẻ những cảm xúc của mình lắng đọng trong thời khắc này với bạn bè, người thân qua những bức ảnh hay dòng tin nhắn. Điều đó nhắc về giây phút bạn đang sống trong hiện tại với lòng biết ơn cuộc đời đã ban tặng cho bạn những món quà tuyệt vời đến vậy” – GS Santos chia sẻ.
Một lý giải thú vị nữa cho câu hỏi “Tại sao con người cảm thấy bất hạnh” của được GS Santos đưa ra đó là chúng ta luôn bị áp lực phải so sánh cuộc đời mình với những kẻ xung quanh theo kiểu “cỏ nhà khác luôn xanh”. Giáo sư Santos bắt đầu với một tấm ảnh chụp ba người chiến thắng trong thế vận hội Olympic. VĐV có nụ cười gượng gạo nhất không phải người giành huy chương đồng mà là VĐV nhận huy chương bạc vì người này so sánh mình với kẻ được huy chương vàng để rồi tiếc nuối, trách móc, đổ lỗi. Còn VĐV đạt huy chương đồng so sánh với người về đích thứ 4 trắng tay nên họ rất hoan hỉ vui mừng. Những bất hạnh nảy sinh từ cảm giác so sánh trong công việc khi bạn thấy cuộc sống dễ chịu hơn nếu làm trong một công ty không có quá nhiều sự khác biệt về thu nhập hay khoảng cách về tài năng; trong cuộc sống khi là cư dân của một thị trấn, vùng quê yên bình sẽ thoải mái, vui vẻ hơn là sống nơi đô thị phồn hoa với áp lực cạnh tranh, đấu đá; trên mạng xã hội khi cả ngày bạn lướt Facebook hoặc Instagram và bị đập vào mắt là hình ảnh trai xinh, gái đẹp, cuộc sống sang chảnh, gia đình hạnh phúc…
Vậy làm sao để ngừng so sánh? Một nguyên tắc căn bản được GS Santos đưa ra là hãy so sánh bản thân với phiên bản của chính mình ngày hôm qua chứ đừng cân đo giá trị của mình với người khác. Bà còn nhấn mạnh lời khuyên mỗi người nên tập thói quen viết ra ba điều biết ơn mỗi ngày để thấy mình đang may mắn hơn nhiều người khác như thế nào. Đó có thể chỉ là một bữa ăn ngon, cơ hội gặp lại bạn cũ sau 10 năm quên lãng, được tắm nước nóng với tinh dầu thơm hoặc lớn lao hơn là có một công việc, một mái nhà, một gia đình trong lúc hàng nghìn sinh mạng đang bị cướp đi mỗi ngày bởi đại dịch Covid 19 chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Một bí quyết quan trọng làm nên hạnh phúc là học thiền, tập thở, rèn luyện thể thao, uống đủ nước, ngủ đủ giờ. Cuối cùng, GS Santos chỉ ra, những nghiên cứu cho thấy người hạnh phúc thường xuyên dành thời gian cho gia đình, bạn bè và họ có một mạng lưới quan hệ xã hội giàu có hơn những người bất hạnh. Những nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng các hành động giản dị như nói chuyện với một người xa lạ trên phố cũng có tác dụng vun đắp tâm trạng theo hướng tích cực. Bà khuyên sinh viên nên dùng 5 phút mỗi ngày để trò chuyện với ai đó ở bến xe bus, ở quán ăn, với cô thủ thư hay người dọn dẹp tại trường. Hoặc là giúp bạn bè những việc nhỏ, nói những lời tử tế với người thân, hiến máu, tình nguyện, viết thư thăm hỏi và cảm ơn với một ai đó đã từng giúp đỡ bạn – một ai đó từng là nguồn cảm hứng khiến bạn thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tích cực.
Bảo Châu
Thanh thiếu niên châu Á tự tử vì áp lực: Ấn Độ nhiều nhất, Việt Nam bị “xướng” tên
Trong một bài viết được tổng hợp thông tin từ nhiều quốc gia châu Á của Nikkei, tình trạng tự tìm đến cái chết của người trẻ đang trở thành một vấn nạn đáng quan tâm của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.