Tiến sĩ Trần Việt Hùng (1980) - nhà sáng lập và Chủ tịch Got It là gương mặt quen thuộc của giới khởi nghiệp, là một trong những Founder Việt hiếm hoi tại Silicon Valley (Mỹ).
Hiện, TS Hùng cũng là thành viên trẻ tuổi nhất trong Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2021 của Thủ tướng.
Ý tưởng về việc dạy lập trình miễn phí cho trẻ em của nhà sáng lập Got It bắt đầu từ mùa hè năm ngoái. Anh đã vô cùng ngạc nhiên khi có một cậu bé 13 tuổi – học sinh một trường THCS ở Hà Nội – đến xin làm thực tập sinh phát triển phần mềm.
Ngày đầu tiên đi làm khi vừa học xong lớp 6, sau hơn 3 tháng, cậu bé đã hoàn thành khoá học sử dụng giáo trình nhập môn khoa học máy tính dành cho bậc đại học ở Mỹ không mấy khó khăn. Ngoài ra, cậu bé cũng được học thêm về trí tuệ nhân tạo và có thể biến chiếc xe ô tô điện đồ chơi thành một chiếc xe tự lái. Điều này khiến anh Hùng và các kỹ sư phần mềm ở Got It cảm thấy vô cùng bất ngờ.
Sau đó, anh tiếp tục phỏng vấn, dạy lập trình cho một số học sinh cấp 2 khác và nhận thấy các học trò nhỏ tuổi có khả năng tiếp rất thu nhanh và sáng tạo.
“Những người “khổng lồ” công nghệ đã làm thay đổi thế giới như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Elon Musk, ... đều bắt đầu tiếp xúc với máy tính và học lập trình từ độ tuổi lên 10. Vì thế, tôi cho rằng, nếu được định hướng và đào tạo tốt, nhất định tụi nhỏ sẽ đi được rất xa. Tôi cũng ấp ủ ý tưởng về việc cho trẻ tiếp xúc với công nghệ và được đào tạo về công nghệ càng sớm càng tốt với hy vọng trong tương lai không xa, đây chính là một lực lượng nhân sự công nghệ hùng hậu của Việt nam để có thể thay đổi cuộc chơi”, TS Hùng nói.
Thời điểm Covid-19 khiến tất cả mọi người đều phải làm việc tại nhà. Theo TS Hùng, đây lại là cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng về việc dạy lập trình trực tuyến.
“Phải làm việc ở nhà nên mọi người tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển, tụ tập. Nhờ thế, các thành viên đều có thời gian để dành cho dự án này. Mặt khác, với những với du học sinh và người đi làm ở Mỹ, hàng năm mọi người đều sẽ làm một công việc thiện nguyện nào đó để cho đi - giống như một nét văn hóa phổ biến của người Mỹ. Vì vậy, đây được coi là hoạt động tình nguyện với mong muốn đóng góp cho đất nước từ xa.
Thật may mắn khi trình bày ý tưởng này, tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều bạn trẻ đang học tập và làm việc ở Mỹ. Tất cả chúng tôi đều có chung một mong muốn là góp phần tạo ra cơ hội cho trẻ em Việt Nam được tiếp cận với mô hình giáo dục tiên tiến trên thế giới”.
Kể từ ngày công bố thành lập cho tới khi bắt đầu tuyển sinh, cả nhóm chỉ mất 2 tháng để thực hiện. Sự vận hành nhanh chóng này theo TS Hùng là do nhiều yếu tố.
“Trước hết, dù là tổ chức phi lợi nhuận nhưng STEAM for Vietnam đã được vận hành giống như một công ty khởi nghiệp về công nghệ, từ cách cấu trúc đội ngũ, các quy trình làm việc, đến tuyển dụng, họp hành. Chúng tôi cũng đưa ra mục tiêu rõ ràng đến từng chi tiết”.
Bên cạnh đó, ‘đặc sản’ của STEAM for Vietnam còn là các thầy cô - vốn đều là những người Việt tài giỏi tại Mỹ, có kinh nghiệm thực chiến và vị trí cao trong các tập đoàn công nghệ lớn.
“Đây là những người mà có nhiều tiền cũng không dễ gì tuyển được. Để thu hút họ, cá nhân tôi phải đưa ra một câu chuyện rõ ràng. Giống như những cục nam châm, khi một người giỏi tham gia sẽ kéo theo nhiều người giỏi khác.
Cùng với mục đích nhân văn của dự án, đó là lý do khiến tất cả các tình nguyện viên đều làm việc chăm chỉ như một công việc toàn thời gian mà không đòi hỏi bất kỳ lợi ích gì. Thậm chí, rất nhiều người còn sẵn sàng bỏ tiền túi ra để dành cho các hoạt động của chương trình”.
Vận hành bài bản cùng đội ngũ giáo viên chính là các chuyên gia, nhưng theo TS Hùng, cả nhóm vẫn vấp phải không ít khó khăn.
“Khó nhất là từ trước đến nay chưa từng có lớp học nào lên tới hơn 5.000 học sinh. Có những bạn thậm chí tiếng Việt còn chưa sõi, có bạn lại lệch múi giờ, ... Chúng tôi đã phải thu thập lại các dữ liệu để để xây dựng bài học phù hợp hơn cho tất cả”.
Ví dụ như trại hè lập trình vừa qua đã để lại cho cả nhóm rất nhiều bài học.
“Cái chúng tôi học được lớn nhất là cách vận hành, từ việc chọn một môn học mới đến xây dựng bài giảng, tuyển dụng trợ giảng, tuyển sinh học viên, ... Tất cả phải thành một công thức để chỉ cần làm đúng như thế là mình có thể thành công trong việc mở một lớp học mới”.
Mặc dù đội ngũ trợ giảng đều là những người biết và được đào tạo dạy theo kiểu Mỹ, song trước hàng nghìn học sinh, cũng có những tình huống khiến thầy cô bối rối và không biết phải xử lý thế nào.
“Lúc này, đằng sau thầy cô còn cần một đội ngũ hậu cần “yểm trợ” hùng hậu để sẵn sàng trong các tình huống không lường trước được. Trước mỗi buổi học diễn ra, chúng tôi cũng đã có sự sắp xếp và phân công nhiệm vụ rõ ràng cũng như phương án dự phòng, ví dụ nếu thầy dạy chính ở bờ Đông thì thầy dạy phụ sẽ ở bờ Tây. Nếu thầy chính ở Mỹ thì một thầy khác sẽ ở Singapore. Điều này phòng trường hợp khi có sự cố gì xảy ra, luôn sẵn sàng có giáo viên thay thế để lớp học không bị gián đoạn”.
Nhờ vậy, các tiết học trong chương trình diễn ra suôn sẻ và nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh, học sinh.
Theo TS Hùng, công nghệ có vai trò rõ ràng nhất trong việc thu hẹp khoảng cách giáo dục của mọi học sinh dù ở bất cứ đâu trên thế giới. Dùng công nghệ có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề.
“Chúng ta đều hiểu rằng, có giáo viên giỏi mới có học sinh giỏi. Nhưng giáo viên giỏi hiện nay chủ yếu tập trung ở một số nơi nhất định. Vì thế, học sinh ở những vùng khó, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa rất khó tiếp cận. Giờ đây, công nghệ có thể giải quyết điều này bằng cách nhân rộng số lượng giáo viên giỏi thông qua việc xây dựng các phần mềm để một giáo viên có thể dạy và tương tác với rất nhiều học sinh ở rất nhiều địa phương khác nhau”.
Áp dụng hình thức giáo dục Online kết hợp Offline – OMO (Online – Merge – Offline), theo TS Hùng, một giáo viên giỏi ở bất cứ đâu cũng có thể dạy học trực tuyến còn học sinh ở bất kỳ đâu đều có cơ hội được học thầy giỏi. Mô hình này đang được một số quốc gia áp dụng, thử nghiệm, trong đó có Trung Quốc.
Các học sinh vẫn tới lớp để học bình thường như trong giáo dục truyền thống để không bị mất đi các tương tác xã hội vốn rất quan trọng cho sự phát triển đồng đều của học sinh. Tuy nhiên các học sinh không nghe giảng từ các thầy cô địa phương nữa mà học trực tuyến từ những thầy cô giáo giỏi nhất cả nước. Lúc này giáo viên đứng lớp sẽ đóng vai trò là trợ giảng để hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình học.
Điều này, theo TS Hùng, buộc thầy cô phải tự trau dồi bản thân và đào tạo liên tục để có thể trở thành những người giỏi nhất.
“Đào tạo một giáo viên tốt có thể ảnh hưởng đến cả nghìn học sinh. Nếu một tập thể, rộng hơn là bất kỳ giáo viên nào cũng làm được như vậy thì mọi học sinh trên cả nước cũng sẽ được học những thầy cô giỏi”.
Một trong những điểm đáng mừng, theo TS Hùng là hiện nay, nhiều trẻ em Việt dù chưa bao giờ được đi ra nước ngoài nhưng khả năng tiếng Anh rất tốt và cũng được học nhiều kỹ năng mềm hơn.
Ví dụ, trong chương trình, có em đọc rap, làm ảo thuật, chơi nhạc cụ, … trước các bạn. Được phát triển toàn diện rất quan trọng, bởi khi giải quyết vấn đề, học sinh không chỉ cần dùng các kiến thức Toán, Lý, Hoá mà phải vận dụng rất tất cả những kiến thức và trải nghiệm đã tích luỹ được để có thể giải quyết được vấn đề đang gặp phải.
Vì vậy, trong chương trình học, TS Hùng và các cộng sự đã mời diễn giả đến từ nhiều lĩnh vực tới để giao lưu với học sinh.
“Trong danh sách các vị khách đặc biệt, chúng tôi đã thuyết phục và mời được những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn. Ví dụ như TS Jeremy Frank - một nhà khoa học nổi tiếng đang làm việc ở NASA. Chúng tôi phải mất tới 6 tuần làm việc với NASA để mời được ông tham gia vào buổi giao lưu với các học sinh.
Tại đây, ông nói chuyện về các nhiệm vụ của mình ngoài không gian. Khi học sinh được giao lưu, đặt câu hỏi, các em sẽ thấy được những giấc mơ cao xa. Và không chỉ là ước mơ, đã có những người làm được điểu đó. Những điều tưởng chừng không thể ấy lại trở nên hoàn toàn có thể. Những trải nghiệm này sẽ ít nhiều giúp các em đặt ra các mục tiêu cao hơn và xa hơn cho chính mình.
Hay chúng tôi cũng mời các chuyên gia tới từ Đại học Harvard, chuyên gia của Google, Microsoft tới để nói chuyện. Kết thúc khóa học, trẻ sẽ học thêm được rất nhiều kỹ năng, ngoài khả năng lập trình”.
TS Hùng cho rằng, thay vì dùng lý thuyết suông, việc đưa người thật, việc thật vào làm ví dụ cụ thể sẽ giúp trẻ cảm thấy thích thú và thực sự say mê với nội dung của khoá học.
Việc có thêm nhiều hiểu biết về các lĩnh vực khác là điều cần thiết để bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể sẵn sàng đối mặt với môi trường làm việc thay đổi trong tương lai.
“Học giỏi theo kiểu gà nòi chưa đủ để tạo ra thành công”, TS Hùng nói.
Anh lấy ví dụ, con đường từ trường chuyên, lớp chọn với các giải thưởng không phải là con đường dành cho số đông.
Ngoài ra, từ trải nghiệm của bản thân và các cộng sự, anh Hùng cho rằng, hầu hết đã trải qua những con đường rất dài trước khi có chỗ đứng như ngày hôm nay.
“Vì vậy, chúng tôi muốn giúp làm ngắn lại con đường đó bằng cách góp phần trang bị, định hướng mọi thứ kỹ càng cho trẻ ngay từ khi còn bé, để chúng không cần sang Mỹ hay Singapore mới có thể thành công. Và khi giúp trẻ biết chúng cần phải làm gì, thì dù không ra nước ngoài, chúng cũng có thể tự tin cạnh tranh sòng phẳng với đồng nghiệp quốc tế như một lẽ tự nhiên”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy cho trẻ về tư duy máy tính từ sớm, anh Hùng cho rằng: “Lứa tuổi cấp 2 chính là độ tuổi vàng để chúng ta thực hiện điều đó”.
“Nếu được dạy về tư duy máy tính từ sớm và áp dụng được như một khả năng tự nhiên, trẻ sẽ có khả năng giải quyết hiệu quả mọi vấn đề trong cuộc sống vì có những suy nghĩ logic và tối ưu trong bất kỳ ngành nghề nào mà trẻ sẽ theo đuổi trong tương lai”, TS Hùng nhấn mạnh.
Bài: Thúy Nga - Ảnh: Lê Anh Dũng