Một cô dạy nhiều trường
Thực trạng thiếu giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học ở huyện Hương Khê đã diễn ra từ 4 năm trước. Năm học 2019-2020, huyện thiếu đến 19 giáo viên tiếng Anh, giải pháp trước mắt là điều động giáo viên định biên trường này kiêm dạy tăng cường trường kia.
Cô Phan Thị Quế, giáo viên tiếng Anh của trường Tiểu học Hương Long, vượt hàng chục km để vào dạy tăng cường ở trường Tiểu học Hương Liên |
Cô giáo Phan Thị Quế thuộc biên chế trường Tiểu học Hương Long. Ngoài dạy ở trường này, mỗi tuần một ngày cô phải chạy xe máy hơn 30km để vào điểm trường Tiểu học xã Hương Liên dạy tăng cường.
“Ở trường Hương Long mỗi tuần tôi dạy 24 tiết/tuần, cộng thêm điều động dạy tăng cường 6 tiết/ tuần ở trường Tiểu học Hương Liên cách điểm trường được biên chế hàng chục km”, cô Quế cho biết.
Theo quy định, giáo viên tiếng Anh quản lý phòng chức năng sẽ được giảm 3 tiết/tuần song giáo viên ở huyện Hương Khê không ai được giảm tiết. Thực trạng chung nên anh em giáo viên bộ môn tiếng Anh ở đây ai cũng dạy vượt tiết, dạy ở nhiều điểm trường.
Cũng tình trạng như cô Quế, cô Trần Thị Hải là giáo viên biên chế nhiều năm ở trường Tiểu học Phúc Đồng, có ngày chị Hải chạy “show” thêm 2 điểm trường ở Tiểu học Hương Trạch (trường hai cơ sở) mới hoàn thành được công việc chuyên môn.
Giáo viên biên chế môn tiếng Anh ở huyện Hương Khê phải dạy liên trường |
Cô Hải thông tin, mặc dù giáo viên bộ môn tiếng Anh đã tăng cường dạy ở các điểm trường song chỉ đáp ứng cho học sinh khối 4, khối 5 còn học sinh khối 3 chưa được học vì thiếu giáo viên trầm trọng.
Lý giải cho việc này, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, ông Trần Đình Hùng cho biết: “Theo kế hoạch năm học 2019-2020 mức định biên giáo viên tiếng Anh UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho huyện Hương Khê được duyệt 33 giáo viên nhưng hiện tai toàn huyện chỉ có 14 giáo viên nên còn thiếu 19 người. 8 trường tiểu học trên địa bàn không có giáo viên tiếng Anh, gần 2000 học sinh khối 3 chưa được học tiếng Anh”.
Gần 2.000 học sinh khối 3 “thất học” tiếng Anh
Thực trạng này diễn ra ở các trường tiểu học trên toàn huyện Hương Khê khiến phụ huynh có con đang học lớp 3 lo lắng và bức xúc, khi con em mình chưa được học tập môn tiếng Anh theo quy định.
Một phụ huynh giấu tên nói: “Con tôi đang học ở trường thị trấn, đầu năm học nhà trường nói là do không có giáo viên dạy tiếng Anh nên năm nay lớp 3 không học môn này. Khi nhà trường thông báo, ai cũng phản ứng gay gắt bởi đây là môn học quy định nếu không học chương trình ở lớp 3 thì lên lớp 4, 5 các con sẽ học thế nào? và sẽ thiệt thòi hơn các học sinh vùng khác”.
Gần 2000 học sinh khối 3 ở huyện Hương Khê thất học môn tiếng Anh |
Ông Trần Trung Bộ, hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Hương Khê chia sẻ: Khối lớp 3 của trường có 236 em, khi không đủ giáo viên định biên tiếng Anh để dạy cho các học sinh lớp 3 ai cũng lo lắng chất lượng học sinh. Đầu năm học, trường có kế hoạch thu xã hội hóa để hợp đồng môn tiếng Anh dạy các em khối 3, song phải dừng vì làm trái quy định
Còn ông Đậu Văn Duẫn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Liên thì cho biết: Trường không có giáo viên dạy tiếng Anh, đầu năm học trường được tăng cường từ 2 giáo viên ở trường Tiểu học Hương Long và Hương Giang sang dạy song chỉ có khối 4 và khối 5 được học còn khối 3 các em vẫn chưa được học”.
Ông Duẫn nói thêm, thực trạng chung của toàn huyện Hương Khê, khi việc đắp đổi giáo viên chỉ đảm bảo đủ cho học sinh khối 4 học 4 tiết/tuần, học sinh khối 5 học 2 tiết/ tuần. Còn hơn 2000 học sinh khối 3 chưa được tiếp cận với môn tiếng Anh một môn học chính khóa.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê nhấn mạnh: Phải đủ 33 giáo viên để thực hiện theo đề án 4 tiết/ tuần đối với học sinh khối 3,4, 5, khi toàn huyện các khối này có 177 lớp với 5200.000 học sinh,theo quy định mỗi tuần dạy đủ 708 tiết dạy.
“Phòng, huyện đã nhiều lần làm tờ trình, kêu thực trạng song trong đợt bổ sung biên chế cho bậc tiểu học vừa qua không có giáo viên cho huyện Hương Khê. Hiện tại, ngoài việc tiếp túc kiến nghị, huyện chỉ có giải pháp tăng cường giáo viên dạy liên trường và phải chấp nhận dạy thừa tiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế”, ông Hùng nói.
Đậu Tình
Nhiều giáo viên quên “xỏ chân vào đôi giày của học sinh”
Tôi là một giáo viên tiểu học, đã dạy qua nhiều lớp, nhưng chưa bao giờ gặp phải tình huống bất hòa với phụ huynh, hay bị học sinh ghét.