Chiều tối qua, trước thông tin Hà Nội ghi nhận hơn 9.800 ca mắc mới, trường học của con trai chị Hạnh (Cầu Giấy) thêm một lần tổ chức lấy ý kiến về việc đi học trực tiếp. Con học lớp 7, thuộc diện đến trường từ sau Tết, tuy nhiên vì số ca F0 trong trường nhiều, con chị Hạnh cùng tất cả học sinh lớp 7, 8, 9 được chuyển sang học trực tuyến.
Mới chỉ cách đây khoảng 1 tuần, dù số ca mắc tăng nhưng khi nhà trường khảo sát về việc tổ chức học trực tiếp từ đầu tháng 3, hầu hết phụ huynh đã đồng tình. Thậm chí, rất nhiều lựa chọn đồng ý cho con học cả ngày ở trường (đồ ăn do gia đình chuẩn bị).
Nhưng đến tối qua, gần như tất cả đã đảo chiều, hầu hết đã đổi sang lựa chọn 'Tiếp tục học online'.
Gửi ý kiến về VietNamNet, độc giả Trần Bảo Lâm chia sẻ: "Thật sự là ban đầu cũng muốn cho các con đi học để giải toả tâm lý nhưng mà sau thấy các con đi học khổ quá, thầy cô cũng khổ luôn... Chỉ mong sao bệnh dịch sớm tàn và nếu có thể, hãy để qua đợt đỉnh dịch này rồi hãy mở cửa trường học lại nha!"
"Đầu tiên và trước hết hãy để học sinh tiểu học quay trở lại học online, một triệu học sinh tiểu học đến trường đồng nghĩa 1 triệu phụ huynh đi theo và 1 triệu lít xăng (đang khan hiếm xăng) tiêu thụ mỗi ngày. Chưa nói kéo theo những hệ lụy khác khi mà học sinh tiểu học còn quá nhỏ..." - độc giả Le Long lo ngại.
Bên cạnh đó, hầu hết cho rằng, việc duy trì dạy học online và dạy trực tiếp như hiện nay còn nhiều bất cập, không hiệu quả.
Chị Thanh Tú (Cầu Giấy) nói: “Phụ huynh kêu mãi mà có ai nghe đâu. Để 1 học sinh đến lớp cũng dạy trực tiếp còn mấy chục cháu thì ngồi nhà xem video nhưng ngáp ngủ. Theo tôi nghĩ, khi số đa không thể đến trường thì việc học online hoàn toàn có khi còn chất lượng hơn việc nhất định phải mở cửa trường”.
Trong khi đó, chị Ngọc Hà (quận Ba Đình) nêu thực tế: “Gia đình đồng ý cho con đến lớp thì đến lớp cô lại F0. Như vậy, dù con đến lớp nhưng có 5 tiết thì đến 4 tiết online, học sinh đến trường ngồi học trực tiếp ở giai đoạn này thực sự cũng không quá cần thiết hay mang lại hiệu quả khác biệt”.
Dù có nhiều cách thức để triển khai “dạy online trong lớp offline”, theo chị Thu Huyền - phụ huynh có con đang học cấp 2 nhận định cách dạy “nửa nọ nửa kia” không thể hiệu quả.
“Tôi nghĩ rằng, khi đã học như vậy, thầy cô sẽ ưu tiên cho các bạn học trực tiếp hơn. Còn với các bạn học online sẽ “theo được đến đâu thì theo” do thầy cô không thể phân thân được.
Nhưng kể cả, giáo viên có thể bao quát được hết học sinh đi chăng nữa, thì hiệu quả vẫn không thể giống như khi chỉ dạy theo một hình thức do thầy cô đang bị quá tải”.
Hình ảnh những lớp học chỉ 1 học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội liên tiếp những ngày qua |
Vừa phải 'ON' vừa phải 'OFF'
Một phụ huynh hài hước: Nếu như bật công tắc điện chỉ được lựa chọn ON hay OFF thì hiện nay giáo viên, phụ huynh và học sinh phải đồng thời sử dụng 2 nút cùng 1 lúc.
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi: “Các quy tắc phục vụ số đông gần như đã không còn hiệu lực trong các trường học trong thời gian gần đây. Khi số ít đến trường, số đông ở nhà, vậy bài giảng nên được thiết kế chính cho số học on hay cho số học off?".
'Ở Mỹ khi trẻ con chưa chích vắc xin mà diện F0, F1 thì phải nghỉ ở nhà 2 tuần.Trong thời gian đó học qua Google Classroom, làm bài và nghe bài giảng có sẵn, tự đọc sách thôi, chứ cũng không có kiểu 'trộn' như Việt Nam' - một giáo sư người Việt ở bang Wisconsin chia sẻ.
Nhiều độc giả đồng tình rằng trong điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng và áp lực vì số F0 gia tăng như hiện nay, giáo viên quá vất vả để dạy học, đặc biệt là dạy online kết hợp offline. Trong khi đó, việc dạy on - off không đơn thuần chỉ là 'trộn' một cách cơ học.
Riêng về việc có những nơi duy trì học trực tiếp dù chỉ có 1 học sinh đến lớp, bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh nói đó là tư duy quá cứng nhắc. Trường Lương Thế Vinh đã có 428 học sinh là F0 và 459 em thuộc diện F1, một số giáo viên cũng đang phải cách ly.
“Nếu một lớp 40 em, nhưng chỉ còn vài em có thể đến lớp thì không khí lớp học cũng bị chùng xuống. Việc tổ chức dạy học trực tiếp nhằm mục đích để học sinh có cơ hội giao lưu, trao đổi nhiều hơn với thầy cô, bạn bè, nhưng khi chỉ còn vài em học trực tiếp thì không còn thực sự hiệu quả”.
Một giờ học khi thầy giáo là F0. |
Ở Trường THPT Yên Hòa, hơn 200 học sinh đã mắc Covid, hơn 600 học sinh diện F1; 22 lớp có trên 50% học sinh trong diện F0, F1.
“Cứ thử hình dung như mỗi lớp sĩ số 50 em, khi 49 em đã phải học trực tuyến thì tại sao phải cố quá để tổ chức dạy trực tiếp một cách máy móc.
Tinh thần quyết tâm đến trường là đúng. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần căn cứ vào thực tế để phù hợp với từng nhà trường. Để làm được vậy, trường phải dư thừa lực lượng. Nhưng như trường tôi hiện nay, để duy trì việc đủ người dạy đã khó khăn lắm rồi. Hiện giáo viên của chúng tôi là F0, F1 nhưng nếu đến giờ vẫn phải dạy trực tuyến để đảm bảo đủ người” - bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nói .
Trong trường hợp nhiều học sinh phải học trực tuyến ở nhà, chỉ một vài học trực tiếp trên lớp, bà Nhiếp cho rằng việc linh hoạt chuyển tất cả sang học trực tuyến vẫn hoàn toàn phù hợp, đảm bảo chất lượng.
Còn nếu vừa phải dạy trực tiếp trên lớp cho nhóm học sinh, vừa dạy trực tuyến cho phần đa học sinh ở nhà thì giáo viên khi đó phải tính đến cả phương án thiết kế làm sao để không bỏ rơi một trong hai nhóm đối tượng. Vì thế mà sẽ vất vả hơn nhiều. Chưa kể vào lớp còn mất thời gian ổn định trên lớp lẫn kết nối số trực tuyến.
Một băn khoăn nữa là, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch Covid-19 khi tổ chức dạy học trực tiếp, thì khi có học sinh F0, phải tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó.
Hiệu trưởng một trường học ở quận Nam Từ Liêm ví rằng đây là “một cuộc chơi tốn kém”.
Vị này tính toán: “Như trường tôi có 73 lớp, sĩ số trung bình mỗi lớp 36 học sinh. Nếu 1 ngày ở 60 lớp có F0, cứ tạm cho là mỗi lớp chỉ có 1 F0 thì nhân lên cũng đi tong 2.000 bộ test. Coi như giá mỗi bộ test rẻ 70.000 đồng, thì tổng số tiền nhà trường phải mất là 140 triệu đồng. Khả năng test gộp mẫu nhanh là khó với y tế của trường. Một tuần đi học dính 3 ngày như thế thì một tháng như vậy, tiền đâu cho đủ. Nhà trường nào và phụ huynh nào chịu cho thấu?”.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện ngoại thành Hà Nội cho rằng: “Ngoại thành còn khó khăn hơn các trường nội thành khi nguồn thu và điều kiện phụ huynh khó khăn hơn. Mỗi lớp khoảng 40 học sinh, mà giờ xác suất lớp nào cũng có F0, mỗi bộ test từ 70 đến 100.000, test đến các học sinh vào diện F1 cũng đã quá sức. Hôm trước, tôi cho test một lúc 16 cháu, y tế cứ kêu trời, bảo tôi làm thế thì tiền đâu ra”.
Đông Hà
Phụ huynh, hiệu trưởng xót xa khi giáo viên F0 dạy online
Dù mắc bệnh và cần được nghỉ ngơi, nhưng phần lớn giáo viên diện F0 vẫn "vào lớp" dạy online hàng ngày. Áp lực với các nhà trường và giáo viên hiện rất lớn.