TS Trịnh Quang Vũ (1990) hiện đang là giảng viên ngành Tài chính và Kế toán tại Trường ĐH Newcastle (Anh). Anh là cựu sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Tài chính tại ĐH Northumbria (Anh) và tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Tài chính tại ĐH Newcastle (Anh) vào năm 2019.
TS Trịnh Quang Vũ (1990) hiện đang là giảng viên ngành Tài chính và Kế toán tại Trường ĐH Newcastle (Anh)
Anh đã có nhiều bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín thế giới trong ngành Tài chính, kế toán và ngân hàng. Lĩnh vực nghiên cứu chủ đạo của anh liên quan đến quản trị doanh nghiệp, sự lãnh đạo của CEO (giám đốc điều hành), sự bận rộn của các giám đốc và hội đồng quản trị trong mối tương quan với các chỉ số tài chính và các chính sách quan trọng của công ty,…
Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 28 tuổi, anh quyết định ở lại Anh thay vì quay trở về Việt Nam. Anh nói, ngoại trừ những người đi du học bằng học bổng của nhà nước, có cam kết phải quay trở về khi khóa học kết thúc, thì có tới 90% những người trẻ đều mong muốn được ở lại làm việc tại nước ngoài.
Để trở thành giảng viên tại Anh
Để có một vị trí làm việc tại một trường đại học Anh, theo giảng viên 9X, là điều không đơn giản do tỉ lệ cạnh tranh rất lớn. Hầu hết các trường ở Anh khi tuyển dụng giảng viên đều đưa ra yêu cầu tối thiểu phải có bằng tiến sĩ. Chính vì thế, những ứng viên đều có hồ sơ rất đẹp với những khả năng đặc biệt.
Thời điểm trước khi bắt đầu hoàn thiện luận án tiến sĩ, anh Vũ cũng thử làm hồ sơ để nộp vào một vài trường đại học. “Lúc ấy, do hồ sơ chưa đủ mạnh, tôi đã rớt luôn từ ‘vòng gửi xe’. Nhưng cũng nhờ thế, tôi tự rút được những điều các trường cần tìm kiếm ở một ứng viên để tập trung xây dựng. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và có một số bài báo khoa học được công bố, cơ hội cũng đã đến với tôi”, TS Vũ nhớ lại.
Anh là cựu sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Trước khi nhận được cơ hội giảng dạy tại Trường ĐH Newcastle, TS Trịnh Quang Vũ từng có một năm làm việc tại ĐH Huddersfield. Dù ở ngôi trường nào, theo anh, chuyện giảng viên có bài báo công bố trên các tạp chí uy tín của ngành đều được đánh giá rất cao. Đó không những là nghĩa vụ, mà còn là động lực phát triển nghề nghiệp của mỗi nhà nghiên cứu.
TS Vũ nhớ lại thời điểm mình ứng tuyển vào ĐH Newcastle, có những ứng viên cùng tham gia phỏng vấn đã sở hữu rất nhiều năm kinh nghiệm làm việc. Còn bản thân anh ở thời điểm ấy chỉ có khoảng vài bài báo, nhưng đều là những bài được đăng trên tạp chí uy tín với vai trò là tác giả chính. Kết quả, anh lại là người được chọn.
“Do vậy tôi nghĩ, nếu ứng viên công bố bài báo càng chất lượng trên những tạp chí uy tín, hàng đầu thế giới thì khả năng đỗ vào vị trí ấy sẽ càng cao. Nhưng đó cũng không phải là tất cả.
Một điều quan trọng không kém là sự thể hiện của bản thân ứng viên trước hội đồng tuyển dụng. Tính cầu thị, sự tự tin và quyết liệt trong cách trả lời phỏng vấn, thái độ và tư duy đúng đắng, sự chân thành,... sẽ là những yếu tố giúp ứng viên thành công”, TS Vũ nói.
Sau khi đã trải qua vòng hồ sơ, đến vòng phỏng vấn và thuyết trình trước hội đồng cũng là lúc ứng viên cần thể hiện rõ ràng và thành thật nhất: mình là ai; mình có tư tưởng như thế nào; mình sẽ đóng góp gì được cho trường;…
“Khi tham gia vào vòng phỏng vấn tuyển dụng tại ĐH Newcastle, tôi đã phải trải qua gần 2 ngày phỏng vấn với các hội đồng khác nhau. Sự tuyển dụng khắt khe này là cần thiết để đảm bảo sẽ tìm kiếm được những người giỏi có thể đóng góp cho thương hiệu và sự phát triển của trường. Tất nhiên, mỗi trường sẽ có cách thức và quy trình tuyển dụng khác nhau”.
Nếu có cơ hội, hãy cứ ở lại nước ngoài
Lựa chọn làm việc ở nước ngoài thay vì trở về ngay, TS Trịnh Quang Vũ cho rằng, bản thân anh không phải mất quá nhiều thời gian để đắn đo.
“Khái niệm “chảy máu chất xám” giờ đây đã không còn thích hợp trong thời đại của thế giới phẳng. Đem những tri thức học được ở nước ngoài quay trở về là đóng góp trực tiếp cho đất nước; còn những người ở lại cũng có thể có những tác động tích cực đến quê hương và cả nước sở tại. Dù cách thức đóng góp khác nhau, là trực tiếp hay gián tiếp, thì cũng đều có vai trò quan trọng không kém”, TS Vũ nói.
Anh lấy dẫn chứng, ở nước ngoài, người tài đến từ Việt Nam rất nhiều. Ở các trường đại học hàng đầu nước Anh, họ có thể là những giáo sư đầu ngành, những giảng viên rất giỏi có nhiều nghiên cứu tạo ra sức ảnh hưởng. Cũng vì người Việt ở nước ngoài phát triển rất nhanh, làm việc chăm chỉ, đầy năng lượng, và luôn tìm kiếm cơ hội nên hình ảnh của người Việt tại đây được đánh giá rất cao, đặc biệt là trong môi trường học thuật.
Ngoài ra, khi người Việt làm việc ở nước ngoài, họ cũng có thể đóng vai trò là người tư vấn với một góc nhìn khác biệt. Hơn thế, một khi đã thành danh ở nước ngoài, họ cũng có thể đóng góp cho quê hương mình, không chỉ về lĩnh vực chuyên môn khoa học mà còn cả về kinh tế.
“Có nhiều người nói rằng, du học sinh chọn ở lại nước ngoài chỉ vì tiền lương và công việc hấp dẫn. Nhưng tôi tin rằng, dù ở đâu, những người giỏi cũng có thể kiếm ra số tiền đủ để phục vụ các nhu cầu cá nhân một cách thoải mái.
Họ chọn ở lại đều vì suy nghĩ sẽ phát triển bản thân, học những thứ tốt nhất, sau đó mang những giá trị ấy quay trở về để đóng góp cho đất nước mình”.
“Để nói nên về hay ở lại, rõ ràng, tùy hoàn cảnh và cũng tùy nhìn nhận của mỗi người. Nhưng theo ý kiến riêng của tôi, sự lựa chọn tối ưu cho những người trẻ có lẽ là nên ở lại để tích lũy kinh nghiệm.
Chẳng hạn đối với giảng viên là kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc tại các trường đại học trên thế giới, chờ đến thời điểm thích hợp là khi mình đủ mạnh (cộng thêm với các mối quan hệ quốc tế) thì hãy nên quay trở về quê hương”, TS Trịnh Quang Vũ nói.
Thúy Nga
PGS người Việt ở ĐH số 1 nước Úc: 'May mắn, tôi được học trường chuyên'
Là chuyên gia nổi tiếng thế giới về di dân Việt Nam, các nghiên cứu đã được trích dẫn 1.189 lần, nhưng chị Hoàng Lan Anh thừa nhận, lứa du học sinh đầu tiên ra nước ngoài như chị gặp không ít biến cố và có những góc khuất riêng ...
Cô giáo Việt là người châu Á duy nhất dạy sư phạm tiếng Anh ở Nam Úc
Trong buổi phỏng vấn cho vị trí giảng viên tại trường ĐH Úc, khi được hỏi: “Tại sao chúng tôi nên lựa chọn bạn”, TS Tuyết Mai thẳng thắn trả lời: “Vì ngoài kinh nghiệm, tôi còn có sự đồng cảm với sinh viên”.
Nữ trưởng khoa tuổi 27 từ chức để 'làm lại từ đầu'
TS Nguyễn Thị Lan Hương (sinh năm 1978) đã chọn cách ra đi sau hơn 9 năm công tác để bắt đầu lại con đường nghiên cứu sâu hơn về giáo dục đại học.