Được vinh danh thủ khoa Sư phạm ngành Vật Lý tại lễ tốt nghiệp khóa 66 (lứa sinh viên sinh năm 1998), nhiều người ngạc nhiên khi biết Dũng đã 30 tuổi.

“Trước khi học ĐH Sư phạm Hà Nội, em đã có thời gian theo học tại ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Công Nghệ Nanyang (Singapore)”, Dũng cho hay.

{keywords}
 Phạm Việt Dũng nói lời cảm ơn gia đình, nhà trường, thầy cô và bạn bè đã giúp đỡ để mình "được sống lại thời sinh viên một lần nữa". Ảnh: Thanh Hùng

Hai lần bỏ dở đại học

Năm 2008, Phạm Việt Dũng trúng tuyển và trở thành sinh viên khoa Điện - Điện tử của Trường ĐH Bách khoa với tổng điểm 27,5, đạt điểm 10 tuyệt đối môn Vật Lý.

Tuy nhiên, học được 2 năm, Dũng tự ôn thi rồi được nhận học bổng vào Trường ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) - trường top 2 châu Á và 13 thế giới (theo QS 2021). Tại đây, Dũng tiếp tục theo học ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng.

“Khi vượt qua được kỳ thi rất khắc nghiệt của ĐH Công nghệ Nanyang, mình mong chờ được sang đó để học ngành mà mình đam mê, trong một môi trường rất năng động và sở hữu những trang thiết bị hiện đại nhất.

Nhưng Vật lý lại không phải là thứ mình học được nhiều nhất. Mình đã tham gia những hoạt động ở ngoài, được đi nhiều nơi và gặp nhiều người hơn. Và rồi trong đầu bắt đầu xuất hiện một câu hỏi: “Tại sao đất nước họ lại phát triển hơn quê hương mình. Chỉ từ một làng chài nhỏ bé, sao họ lại có thể vươn lên mạnh mẽ như vậy”, Dũng kể.

Câu hỏi đó ám ảnh Dũng suốt một thời gian dài, và cuối cùng Dũng nhận ra rằng giáo dục có một tác động rất lớn.

“Nghĩ đến thời gian học Vật lý ở Việt Nam và ở Singapore thì thấy rằng có một sự khác nhau rất lớn về cách dạy. Chúng ta gần như dạy học “chay” khi hiếm hoi được làm thí nghiệm hay sản phẩm học tập. Khi đó mình đã nghĩ trở về Việt Nam để thay đổi”.

{keywords}
Phạm Việt Dũng, sinh năm 1990 trở thành thủ khoa đầu ra của ngành Sư phạm Vật lý và Á khoa của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2020. Ảnh: Thanh Hùng

Quyết định được đưa ra khi Dũng sắp sửa hoàn thành 4 năm học và chỉ còn một vài tháng nữa là tốt nghiệp.  

“Mình bị gia đình phản đối rất nhiều với quyết định về Việt Nam trong khi mình có thể học lên cao và làm việc tại nước ngoài với một mức thu nhập tốt. Đây là một chuyện rất khó chấp nhận và khiến gia đình sốc”.

Trái ngọt từ ước mơ "viển vông"

Ôn thi đại học lại sau nhiều năm, Dũng vẫn đạt 24,5 điểm và là thủ khoa ngành Sư phạm Vật lý bằng Tiếng Anh ở tổ hợp xét tuyển A1 (Toán, Lý, Anh).

Là sinh viên năm Nhất khi đã 26 tuổi, thời gian đầu, Dũng có chút mặc cảm về tuổi tác.

“Nhưng cái mặc cảm lớn hơn là khi đó, những người bạn bên Singapore đã có gia đình và sự nghiệp, còn mình thì bắt đầu lại từ vạch xuất phát. Thậm chí đã có lúc mình nghĩ liệu có quyết định sai lầm, rồi chỉ biết tự nhủ phải tiếp tục tiến lên bởi không còn đường lùi”, Dũng chia sẻ.

Sáu năm học đại học trong và ngoài nước với kiến thức chuyên môn và vốn tiếng Anh khá, nhưng Dũng đặt ra cho mình một nguyên tắc bất di bất dịch là đi học đầy đủ.

Là “anh cả” của lớp, Dũng mở những buổi học củng cố kiến thức Vật lý và Tiếng Anh miễn phí.

“Mình muốn trở về Việt Nam để góp phần thay đổi giáo dục thì có gì tốt hơn là truyền động lực và những kiến thức mà mình đã có được cho chính những người bạn cùng lớp để có thể lan tỏa”.

Ngoài ra, Dũng cũng đi dạy STEM và dạy Toán, Vật lý bằng tiếng Anh, tham gia một số dự án giáo dục, đào tạo giáo viên. 

Cách đây hơn 2 năm, Dũng đã lập kênh Youtube rồi tự lên ý tưởng, vẽ 3D, thực hiện các clip dạy STEM hoàn toàn miễn phí.

“Thực tế, nhiều cử nhân sư phạm Vật lý ra trường không biết cách hàn mạch điện hay cách dùng các dụng cụ cơ khí,... . Trong khi đó, xu hướng giáo dục STEM, tích hợp lại cần có những sản phẩm học tập trực quan cho học sinh”, Dũng lý giải.

{keywords}
Bỏ đại học hàng đầu thế giới, nam sinh 30 tuổi về nước học sư phạm

Sau 4 năm học, Dũng đạt tổng điểm 3,94/4, trở thành thủ khoa của khoa Sư phạm Vật lý và cũng là Á khoa toàn trường năm nay.

“Ngày hôm nay, mặc dù muộn, nhưng mình tin rằng đã làm cho gia đình tự hào, không chỉ vì kết quả đã đạt được, mà hơn hết, là vì mình đã dám sống với mơ ước tưởng chừng viển vông, dám hy sinh đánh đổi rất nhiều thứ vì lý tưởng đã tự đặt ra từ khi còn trẻ”, Dũng nói.

{keywords}
Phạm Việt Dũng bên gia đình của mình trong ngày tốt nghiệp

Đến dự lễ bế giảng của con trai, ông Phạm Văn Long (56 tuổi) xúc động: "Trước đây, gia đình tôi rất thất vọng chuyện con bỏ học và cơ hội việc làm ở Singapore. Giờ đây, chúng tôi tự hào về kết quả mà con đạt được".

Dũng cho biết sẽ làm chuyên gia phát triển chương trình và đào tạo giáo viên cho một trường dân lập ở Hà Nội.

Thanh Hùng

Hiệu trưởng Sư phạm mong học trò đến những 'miền nắng gió'

Hiệu trưởng Sư phạm mong học trò đến những 'miền nắng gió'

“Hãy đến với làng quê, về nơi xóm thợ, đặt chân đến bản làng xa, đến vùng sông nước phương Nam hay miền Trung nắng gió, nơi ấy đang rất cần các em”.