Tại Diễn đàn Quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", Thủ tướng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho em Trương Thế Diệu, học viên Viện Đào tạo kỹ năng nghề Denso (Công ty TNHH Denso Việt Nam) khi đã có thành tích đoạt Huy chương Bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 - năm 2019, tại Kazan, Nga.
Thí sinh Trương Thế Diệu đoạt HC Bạc thi Tay nghề Thế giới 2019 được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá, giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp có ảnh hưởng đến thành bại của công cuộc phát triển một quốc gia trong quá trình chuyển đổi.
“Tôi đã nêu trước Quốc hội rằng nguồn lực phát triển đất nước ta không phải rừng vàng biển bạc mà là gần 100 triệu người Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy khi các điều kiện khác không thay đổi thì nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đánh giá cao về những kết quả đã đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã xác định được đến 130 nghề trọng tâm, đã có 40 trường nghề trọng điểm chất lượng cao. Nhiều trường có chương trình tốt và đặc biệt 3 năm gần đây, tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Đây là dấu hiệu đáng mừng.
Ngoài ra, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn còn gặp phải, đó là tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lao động đứng thứ 3 ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore.
Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý; vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ chứ không phải “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều bậc cha mẹ còn có tâm lý là con mình không vào được đại học thì mới học nghề.
Vì vậy, Thủ tướng bày tỏ mong muốn giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam có khát vọng mãnh liệt hơn nữa để vươn lên sánh ngang bằng với các nước tiên tiến khu vực và thế giới. “Chỉ có như thế ta mới đưa được nền kinh tế thăng tiến trong chuỗi giá trị cao hơn”, Thủ tướng nói.
Thanh Hùng
Ông chủ xưởng gỗ trưởng thành sau khoá học nghề thiết thực
- Sau khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xưởng gỗ của ông chủ Lương Anh Văn có thêm nhiều những sản phẩm chất lượng và giá trị hơn. Giờ đây không chỉ nuôi sống bản thân, anh còn tạo công ăn việc làm cho 30 người khác.