Nhờ thói quen này, Phạm Nguyễn Minh Ngọc (1999, sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh) đã đạt điểm tổng kết 3.94/4.0, tốt nghiệp sớm và trở thành thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.
Bảng điểm của Minh Ngọc cũng là niềm mơ ước của rất nhiều sinh viên khi có tới 41/44 môn đạt điểm A và A+.
Phạm Nguyễn Minh Ngọc tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân
“Một trí nhớ tốt không bằng một mẩu bút chì cùn”
Luôn tâm niệm: “Để đi được nhanh, chỉ thông minh thôi chưa đủ mà còn cần tới sự chăm chỉ và nỗ lực”, vì thế ngay từ năm thứ nhất, Minh Ngọc đã rèn cho mình một thái độ học tập nghiêm túc.
Không theo học trường chuyên, lớp chọn trong suốt 12 năm phổ thông, Ngọc tự nhận mình có xuất phát điểm thấp hơn bạn bè trong lớp.
“Vì thế, mục tiêu em đặt ra không phải cố nổi trội hơn các bạn mà là cố gắng vượt qua các giới hạn của bản thân, ví dụ như học kỳ sau phải đạt kết quả tốt hơn những học kỳ trước”.
Mục tiêu này nghe có vẻ “đơn giản”, nhưng Ngọc nói, mình đã phải lên kế hoạch chi tiết cho từng tháng và cụ thể theo từng ngày.
“Em vốn không phải là người nhớ giỏi, vì thế rất ít khi nhớ được ngay những điều giảng viên truyền đạt. Một thói quen em tự tạo cho mình là ghi chép thật đầy đủ và rành mạch; sau mỗi buổi học sẽ hệ thống lại kiến thức và ghi chú những điều được cho là quan trọng.
Em gần như không bỏ sót bất kỳ điều gì thầy cô lưu ý, bởi khi tổng hợp được tất cả những kiến thức ấy, đây sẽ là một “tài liệu quý” phục vụ cho em trong giai đoạn ôn thi”.
Ngọc luôn lên kế hoạch theo ngày, theo tháng
Theo Ngọc, thói quen ghi chép cẩn thận bài vở trên lớp đã giúp ích rất nhiều cho cô trong quá trình học.
“Trong trường em có một câu truyền miệng rằng: “Nhất Lượng (Kinh tế Lượng), nhì Ma (Marketing), thứ ba Xác suất”. Môn Kinh tế lượng được xếp vào hàng khó nhất trong các môn học và tỉ lệ trượt môn khá cao.
Hơn nữa, thầy giáo dạy em môn này lại có một phong cách giảng rất đặc biệt. Thầy thường giảng bài cho sinh viên bằng tiếng Anh, do đó, nhiều bạn rất khó khăn khi học môn này vì thầy sử dụng khá nhiều từ ngữ chuyên ngành.
Em luôn cố gắng nghe thầy nói và ghi chép lại bằng tiếng Anh, sau đó về nhà đối chiếu với giáo trình và tự hệ thống lại bài học theo cách mình hiểu.
Nếu có điều gì cần thắc mắc, em cũng không ngại hỏi giảng viên. Em thường có thói quen xin email của các thầy cô giáo và luôn chủ động gửi câu hỏi nếu có những vấn đề phức tạp, khó hiểu cần giải đáp”.
Cũng vì thường xuyên bị học trò “làm phiền”, nhiều thầy cô trong khoa ấn tượng với Ngọc là một cô học trò luôn tò mò và ham học hỏi.
Luôn tổng hợp lại kiến thức sau mỗi ngày học
Ngoài việc ghi chép đầy đủ, một “bí kíp” khác giúp Ngọc tự trau dồi kiến thức là đi giảng bài thật nhiều cho các bạn trong lớp.
“Khi giảng được bài cho các bạn tức mình phải cực kỳ hiểu vấn đề, nắm chắc và sâu kiến thức mà không cần phải lệ thuộc vào sách vở hay giáo trình. Hơn nữa, việc giảng bài cho người khác cũng buộc mình phải tự mở rộng vùng kiến thức, không chỉ là tài liệu trên Internet, tài liệu bằng tiếng Anh mà còn là tài liệu từ các trường khác có chuyên ngành học tương tự”.
Ngoài ra, em cũng học lại từ các bạn rất nhiều vì em nghĩ, mỗi người sẽ giỏi một lĩnh vực. Em thường nhờ những bạn giỏi nhất của mỗi môn học giúp đỡ nếu như mình còn điều gì thắc mắc”.
Mọi thứ luôn đi theo kế hoạch đã đặt ra, nên Ngọc từng khá “sốc” khi trượt môn Thể dục vào năm thứ 2. “Năm đó, điểm tổng kết của em cao nhất lớp, nhưng vì trượt môn học này mà em đã không được nhận học bổng”, Ngọc tiếc nuối.
Cũng nhờ lần đó, Ngọc nhận ra rằng, bản thân phải cố gắng làm mọi thứ tốt nhất có thể trước khi những kết quả không mong muốn xảy đến.
Vì vậy, dù là 10% điểm chuyên cần, 30% điểm thi giữa kỳ hay 60% điểm thi cuối kỳ, Ngọc cũng đều cố gắng hết sức có thể. Trong suốt 4 năm học, nữ sinh chưa từng bỏ bất cứ buổi học nào và luôn cố gắng đạt tối đa trong mọi đầu điểm.
Biến bất lợi thành động lực
Xác định mục tiêu ra trường sớm để có lợi thế hơn khi tìm kiếm việc làm, nữ sinh đăng ký và học tới 23 – 25 tín chỉ mỗi kỳ. Nhờ vậy, đến đầu năm nay, Ngọc đã hoàn thành bậc cử nhân chỉ trong vòng 3,5 năm.
Ngày nhận danh sách sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp, Ngọc vẫn không nghĩ mình sẽ trở thành thủ khoa.
“Em chỉ nghĩ chắc mình có thể nằm trong top 5 của khoa. Không thể tin nổi, tên em lại xuất hiện ngay trên đầu danh sách của trường”, tân thủ khoa nói.
Điều Ngọc tiếc nuối nhất trong suốt 4 năm học là chưa trải nghiệm đủ nhiều hoạt động và những cuộc thi liên quan đến chuyên ngành. Nhưng những hoạt động đã từng tham gia đều cho nữ sinh những bài học quý giá.
Khi đang học năm thứ nhất, Ngọc tham gia vào một startup kinh doanh của một vài người bạn trong vai trò cố vấn. Nhóm của Ngọc đã tạo ra những Co-Learning Space – không gian học tập mở cho phép các bạn học sinh, sinh viên có thể tìm đến để học tập và được hỗ trợ từ các gia sư tài năng.
“Khoảng thời gian đó đã cho em kiến thức tổng quan về việc vận hành một doanh nghiệp. Em cũng vận dụng một số kiến thức đang học vào như phân tích thị trường, lên chi phí vận hành hay phương thức thanh toán,…”
Đến năm 2019, Ngọc là quán quân của cuộc thi Economics Champions, một cuộc thi liên quan đến lĩnh vực kinh tế của trường. Sau đó, nữ sinh cũng đăng ký tham dự liên tiếp các cuộc thi ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Hội thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Cuộc thi Tài năng lãnh đạo của Trường ĐH Hà Nội,… và giành được một số giải thưởng.
Ngọc là quán quân của cuộc thi Economics Champions
Tháng 2 vừa qua, khi chưa chính thức tốt nghiệp đại học, Ngọc được một công ty trong lĩnh vực giáo dục gợi ý thử sức với vị trí nhân viên nhân sự tổng hợp. Mặc dù có những bất lợi hơn so với các ứng viên khác về kinh nghiệm, nhưng Ngọc cho rằng, bản thân luôn cố gắng phấn đấu để đảm bảo mình nổi trội hơn so với những người khác.
Điều này đồng nghĩa với việc mọi yếu tố nhà tuyển dụng đề ra mình phải cố gắng đạt được tốt nhất có thể, như sẵn sàng học hỏi, tiếp thu nhanh, luôn cống hiến hết mình cho công việc.
“Quan trọng nhất vẫn là việc sẵn sàng cống hiến hết khả năng của bản thân và có sự cam kết dài lâu. Em nghĩ nếu mình thể hiện bản thân là người có tiềm năng, sự nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt và hoàn thành tốt những thử thách, thì dù thiếu một chút kinh nghiệm vẫn sẽ được những nhà tuyển dụng coi trọng, sẵn sàng đón nhận và tạo cơ hội”.
Thúy Nga
Hơn 200 sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tốt nghiệp xuất sắc
Thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân năm nay là em Phạm Nguyễn Minh Ngọc (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh) với điểm tổng kết 3.94/4.0.